70 năm tập kết ra Bắc - Bài 3: Trưởng thành trong chiến tranh gian khó

Đất nước bị chia cắt, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ quyết định mở chiến dịch đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Ðảng. Hàng vạn thiếu niên miền Nam tập kết ra Bắc đã ra sức học tập, rèn luyện và trưởng thành trong gian khó.

Nhiều “hạt giống đỏ” khi được lựa chọn, gửi đi đào tạo ở nước ngoài với lòng tự hào dân tộc đã nung nấu khát vọng bắt kịp trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Thầy thuốc nhân dân, giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Thị Phương Liên (bên trái) không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến tài năng cho ngành y khi đã ngoài 80 tuổi. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Thầy thuốc nhân dân, giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Thị Phương Liên (bên trái) không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến tài năng cho ngành y khi đã ngoài 80 tuổi. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Một ngày tháng 10 năm 2024, trong căn hộ thuộc Khu đô thị Ngoại giao đoàn ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc đi nhắc lại rằng: Nhờ tình cảm cao quý của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước đối với con em đồng bào miền Nam và sự yêu thương, chăm nom, nuôi dạy đặc biệt của Đảng, Chính phủ, của nhân dân và sự phấn đấu rèn luyện không ngừng của bản thân, phần đông trong số hơn 32.000 học sinh miền Nam trên đất Bắc đã trưởng thành vượt bậc, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc.

Ông Trần Xuân Nhĩ được Trung ương Đảng, Chính phủ lựa chọn, gửi đi đào tạo ở Liên Xô. Năm 1957, tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Hà Nội, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại khoa Sinh học. Năm 1961, sau khi kết nạp Đảng, ông được cử đi đào tạo tại trường Đại học Tổng hợp Lomonosov ở Liên Xô. Năm 1965, ông là một trong 70 Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp ở ngôi trường danh giá này.

“Liên Xô đã đào tạo cho chúng ta hàng chục ngàn cán bộ, chuyên gia trên nhiều lĩnh vực. Đội ngũ này đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất và xây dựng, phát triển đất nước. Nhớ về tháng năm học tập tại xứ sở Bạch Dương, nhiều người không chỉ nhớ về một nền giáo dục hiện đại ở thời điểm đó mà còn nhớ về thầy cô, nhớ những người mẹ Nga, nhớ người dân Liên Xô với những tình cảm trìu mến, thương yêu”, ông Trần Xuân Nhĩ bồi hồi nói.

Người “mẹ” Nga mà ông Trần Xuân Nhĩ đề cập là một phụ nữ Nga gặp ông trong bệnh viện. “Lần đó ốm nên tôi vào bệnh viện, một bà mẹ Nga cũng đến khám và nói chuyện với tôi. Biết tôi là học sinh Việt Nam, bà nhận tôi làm con nuôi và mời tôi cuối tuần đến nhà bà chơi. Vô cùng cảm động là có lần tôi không đến nhà bà như thường lệ, thế mà sáng thứ Hai bà liền đến thăm và ôm theo gói quà. Còn tôi đi học từ sáng đến 10 giờ đêm, về phòng thì thấy bà mẹ Nga ngồi đợi. Mà mùa Đông nước Nga thì lạnh như vậy”, ông Trần Xuân Nhĩ xúc động kể.

Ông Trần Xuân Nhĩ hoàn thành bảo vệ luận án Tiến sĩ cũng là lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, chiến tranh đã lan ra miền Bắc. Ông quyết tâm xin về nước rồi lên chiến khu Việt Bắc, nơi trường Đại học Sư phạm Hà Nội sơ tán. Sau đó, ông được điều về Bộ Giáo dục - Đào tạo làm chuyên viên với nhiệm vụ xây dựng chương trình, giáo trình cho các trường đại học sư phạm ở miền Bắc.

“Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là thống nhất chương trình trong tất cả các trường sư phạm và biên soạn giáo trình, biên soạn sách giáo khoa. Sau hai năm tôi hoàn thành và đây là cơ sở để khi thống nhất đất nước là thống nhất chương trình trong các trường sư phạm”, ông Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.

Cùng dòng suy tưởng về việc được đào tạo và ra sức học tập rồi hăng hái trở lại phương Nam chiến đấu là “hạt giống đỏ” Giáo sư, Tiến sỹ, Thầy thuốc nhân dân Huỳnh Phương Liên, Anh hùng Lao động vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc, làm nên những kỳ tích cho y học nước nhà. Nhớ chuyến vượt “tọa độ lửa” Trường Sơn hồi tháng 4 năm 1966, bà Huỳnh Phương Liên kể rằng, khi ấy vừa học hết năm thứ 5 trường Đại học Y Hà Nội đã xung phong vào chiến trường B.

Bà Huỳnh Phương Liên những năm tháng vượt Trường Sơn vào sản xuất vaccine. Ảnh: Anh Tùng (ảnh chụp lại)

Bà Huỳnh Phương Liên những năm tháng vượt Trường Sơn vào sản xuất vaccine. Ảnh: Anh Tùng (ảnh chụp lại)

Sau hai tháng rưỡi hành quân vào Trường Sơn, nữ bác sỹ trẻ người Quảng Nam được phân công về đơn vị mang mật danh K15. Cơ quan làm việc là ngôi nhà lá mới lợp, tạm bợ nơi rừng sâu bởi cơ quan cũ đã bị máy bay Mỹ ném bom phá hoại. Nhiệm vụ của nữ bác sỹ Huỳnh Phương Liên ở đây là sản xuất vaccine. “Trước khi đi B, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch gọi tôi lên dặn, về đó phải sản xuất được 3 loại vaccine cảm thương hàn, tả, đậu mùa để chống chiến tranh vi trùng”, bà Huỳnh Phương Liên nhớ lại.

Dù khó khăn nhưng một phòng thí nghiệm giữa rừng đã được nữ bác sỹ trẻ tự tay dựng lên. “Áp dụng những cái đã học vào sản xuất vacine tại chiến trường là một vấn đề hết sức khó khăn. Thế nhưng những lọ vaccine đã ra đời, được đóng vào ống, dán nhãn kiểm định chất lượng rồi chuyển ra chiến trường giúp các chiến sĩ có thêm sức khỏe để đánh giặc, giúp những người dân chống lại dịch bệnh”, bà Huỳnh Phương Liên hồi tưởng nói.

Sau 5 năm ở Trường Sơn, sức khỏe giảm sút, bà Huỳnh Phương Liên được ra Bắc để điều trị. Sức khỏe hồi phục, bà được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cử đi Cộng hòa dân chủ Đức để làm luận án Tiến sĩ và tiếp cận công nghệ mới sản xuất vaccine.

“Đúng thời điểm đó miền Nam giải phóng, bên ấy cứ chiếu trên ti vi, thấy đất nước thống nhất, chúng tôi sung sướng ôm nhau khóc”, bà Huỳnh Phương Liên nhớ lại.

Trở về Việt Nam, gần 20 mươi năm sau đó, công việc của bà Huỳnh Phương Liên gắn với phòng thí nghiệm để nghiên cứu về virus viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, sởi, rubella, cúm. Năm 1992, bà đã có công trình để đời là ứng dụng thành công công nghệ sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản giúp Việt Nam đẩy lùi bệnh này. Hiện nay, vaccine này đã được sản xuất ở quy mô công nghiệp, đủ cung cấp trong nước và xuất khẩu. Chỉ tính đến năm 2020, Việt Nam đã sản xuất hơn 80 triệu liều vaccine thế hệ 1 và xuất khẩu sang Ấn Độ hơn 5,4 triệu liều.

Trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc các nước cần chuyển sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản từ não chuột sang vaccine viêm não Nhật Bản bất hoạt trên tế bào vero, năm 2006, bà bắt tay nghiên cứu thế hệ 2 loại vaccine này và sau 5 năm đã thành công.

“Tháng 1/2019, công trình đã được nghiệm thu cấp Nhà nước và hiện đang hoàn thiện hồ sơ để xin cấp phép của Cục Dược, Bộ Y tế. Triển vọng trong năm 2024 sẽ được sản xuất để có vaccine phòng bệnh cho nhân dân”, bà Huỳnh Phương Liên nở nụ cười phúc hậu chia sẻ.

Bài cuối: Khát vọng vươn mình

Hạnh Quỳnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/70-nam-tap-ket-ra-bac-bai-3-truong-thanh-trong-chien-tranh-gian-kho-20241013103000684.htm