73% quần thể các loài hoang dã đã suy giảm trong vòng 50 năm qua

Quy mô trung bình của quần thể động vật hoang dã được giám sát đã giảm thảm khốc đến 73%, chỉ trong vòng 50 năm (từ năm 1970-2020). Trái đất đang tiến gần đến điểm bùng phát nguy hiểm.

Ngày 10/10, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã phát hành Báo cáo Sức sống Hành tinh năm 2024 (Báo cáo LPR). Theo đó, quy mô trung bình của quần thể động vật hoang dã được giám sát đã giảm thảm khốc, 73%, chỉ trong vòng 50 năm (từ năm 1970-2020).

Báo cáo cảnh báo, Trái đất đang tiến gần đến điểm bùng phát nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đối với nhân loại, do đó cần một nỗ lực chung, ở quy mô lớn trong năm năm tới để giải quyết các cuộc khủng hoảng kép về khí hậu và thiên nhiên.

Động vật hoang dã đang suy giảm nghiêm trọng.

Động vật hoang dã đang suy giảm nghiêm trọng.

Chỉ số Sức sống Hành tinh (LPI) cung cấp gần 35.000 xu hướng quần thể của 5.495 loài từ năm 1970-2020. Sự suy giảm mạnh nhất là ở các hệ sinh thái nước ngọt (-85%), tiếp theo là hệ sinh thái trên cạn (-69%) và sau đó là hệ sinh thái biển (-56%). Mối đe dọa được ghi nhận nhiều nhất với quần thể động vật hoang dã trên toàn thế giới là mất và suy thoái sinh cảnh, chủ yếu do hệ thống sản xuất lương thực của chúng ta gây ra.

Các mối đe dọa tiếp theo là từ khai thác quá mức, các loài xâm hại và bệnh tật. Quần thể động vật hoang dã ở Mỹ Latinh và Caribe còn bị một mối đe dọa đặc biệt nữa là biến đổi khí hậu. Nơi đây đã ghi nhận mức suy giảm trung bình đáng kinh ngạc là 95%.

Ông Chris Hallam, Quản lý Chương trình các Loài Hoang dã và Phòng chống Buôn bán động vật hoang dã của WWF tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết, Châu Á – Thái Bình Dương có các hệ sinh thái giàu đa dạng sinh học bậc nhất trên thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của hai phần ba dân số thế giới. Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng như hiện nay và cùng với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, áp lực lên thiên nhiên ngày càng gia tăng.

Sự suy giảm quần thể động vật hoang dã có thể là một cảnh báo sớm về nguy cơ tuyệt chủng gia tăng và khả năng mất đi các hệ sinh thái khỏe mạnh. Khi các hệ sinh thái bị phá hủy, chúng sẽ ngừng cung cấp các dịch vụ mà con người phụ thuộc vào như không khí, nước sạch và đất đai màu mỡ để canh tác. Và kéo theo hệ quả là các hệ sinh thái này càng dễ đẩy tới các điểm bùng phát - nghĩa là bị đẩy quá giới hạn quan trọng, dẫn đến những thay đổi lớn và ít có khả năng đảo ngược.

Ông Thibault Ledecq, Giám đốc Chương trình Bảo tồn của WWF-Việt Nam chia sẻ, Việt Nam có độ đa dạng sinh học rất cao. Nhưng cũng giống như xu hướng trên toàn cầu, thiên nhiên VIệt Nam đang suy giảm một cách nghiêm trọng, cần nhiều giải pháp, sáng kiến để ngăn chặn xu hướng này để phục hồi đa dạng sinh học.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/73-quan-the-cac-loai-hoang-da-da-suy-giam-trong-vong-50-nam-qua-169241010111806976.htm