8 cuốn sách kinh điển lên án nạn phân biệt chủng tộc

Kho tàng văn học nhân loại có vô vàn tác phẩm lên án nạn phân biệt chủng tộc, với những áng văn thuộc hàng kinh điển như 'Giết con chim nhại', 'Túp lều bác Tom' hay '12 năm nô lệ'.

Túp lều bác Tom (Uncle Tom's Cabin) là tiểu thuyết được nữ nhà văn Harriet Beecher Stowe ra mắt trong bối cảnh thế kỷ 19, khi chế độ chiếm hữu nô lệ còn tồn tại ở Mỹ. Tác phẩm kể về cuộc đời bác Tom - một người da đen bị tách khỏi gia đình, phải làm nô lệ nơi đất khách, chịu cảnh đối xử như thú vật và cuối cùng bị đánh chết tại một trang trại trồng bông ở miền nam nước Mỹ. Túp lều bác Tom đã trở thành cuốn sách đầu tiên phản ánh chân thực cuộc sống của những người nô lệ da màu trong xã hội cũ, gây chấn động toàn nước Mỹ tại thời điểm ra mắt. Dù bị cấm tại các bang miền nam, Túp lều bác Tom vẫn bán được 300.000 bản trên toàn nước Mỹ ngay trong năm đầu tiên, trở thành tác phẩm ăn khách nhất thế kỷ 19. Sự ra đời của cuốn sách đã gián tiếp làm tăng thêm xung đột xã hội, dẫn đến sự kiện Nội chiến Hoa Kỳ - trận chiến làm thay đổi diện mạo nước Mỹ. Khi cuộc chiến kết thúc, tổng thống Abraham Lincoln đã kết thúc chế độ nô lệ, đón tiếp nhà văn Harriet Beecher Stowe và gọi bà là "người viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến vĩ đại". Nguồn: Bantam US.

Ra đời vào năm 1960, Giết con chim nhại (To Kill a Mockingbird) vẫn được nhà văn Harper Lee lấy bối cảnh trước khi cuộc Nội chiến Hoa Kỳ nổ ra. Câu chuyện được thuật lại qua lời kể của Scout - cô bé con sống cùng cha và anh trai tại hạt Maycomb, miền nam nước Mỹ. Dưới điểm nhìn hồn nhiên của một đứa trẻ, những vấn đề chủng tộc nhức nhối hiện lên một cách chân thực, đầy xót xa. Từ một vị luật sư được nhiều người mến mộ vì sự ngay thẳng, cha của Scout bỗng bị căm ghét khi đứng ra minh oan cho một người nô lệ da màu. Mặc cho sự phẫn nộ của cộng đồng, ông vẫn kiên quyết tìm lại công lý cho người nô lệ, dạy cho con bài học ý nghĩa: đừng bao giờ giết hại một con chim nhại vô tội. Nguồn: Vintage Classic.

Một tác phẩm về đề tài phân biệt chủng tộc khác cũng lấy bối cảnh Thế chiến thứ hai chính là Nghệ sĩ dương cầm (The Pianist), cuốn hồi ký của Władysław Szpilman - một nghệ sĩ piano người Ba Lan gốc Do Thái. Khi cuộc chiến nổ ra, Szpilman cùng gia đình đã bị bắt vào trại tập trung, đón nhận cuộc thảm sát trước mắt. Anh là người duy nhất may mắn chạy thoát được và phải trốn chui trốn lủi trong đống đổ nát ở Ba Lan suốt nhiều ngày, chờ tới khi được Hồng quân Liên Xô giải cứu. Tuy nhiên, sau khi được chuyển thể thành phim, cuốn sách mới được đông đảo bạn đọc trên thế giới quan tâm đón nhận. Nguồn: Abebooks.

Cuộc sống ở trước mặt (La vie devant soi) là tác phẩm độc đáo của nhà văn Pháp Romain Gary (Emile Ajar), người duy nhất từng hai lần được vinh danh tại giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp - Goncourt. Câu chuyện xoay quanh Momo - một cậu bé người Ả Rập và Madame Rosa - một bà lão người Do Thái. Momo vốn bị mẹ bỏ rơi từ bé, được Madame Rosa nhận nuôi và nảy sinh cảm mến với bà lão đương gần đất xa trời này. Một cách bình dị mà sâu sắc, Cuộc sống ở trước mặt đã xóa đi những rào cản giữa hai chủng tộc có mối thù nghìn năm, đề cao tình người cao thượng trong nghịch cảnh. Nguồn: MERCURE DE FRAN.

12 năm nô lệ (12 Years a Slave) là cuốn hồi ký của Solomon Northup, kể về một người Mỹ gốc Phi sống tại New York bất ngờ bị bắt cóc và bán làm nô lệ. Solomon bị đưa đến miền nam nước Mỹ, nơi đối lập hoàn toàn với New York. Trải qua 12 năm bị đàn áp và hành hạ, cuối cùng Solomon cũng được trả về với tự do, song những vết thương tâm lý ông phải gánh chịu không bao giờ lành lại được nữa. Sáu năm trước, cuốn sách được chuyển thể thành phim và thắng giải Phim hay nhất năm tại Oscars. Thành công của phiên bản điện ảnh đã đem lại nhiều sự chú ý cho nguyên tác. Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử của Mỹ - Barack Obama chia sẻ, ông đã rất xúc động sau khi đọc cuốn sách này. Nguồn: Kinokuniya Books.

Một tựa sách khác của Romain Gary nằm trong danh sách này là Chó trắng (Chien Blanc). Đây là tác phẩm văn học nửa hồi ký, nửa hư cấu được ông viết năm 1970 - thời điểm các phong trào đấu tranh bình quyền của người da màu diễn biến mạnh mẽ. Chó trắng thuật lại những nỗ lực thuần hóa một chú chó đặc biệt của chính tác giả, một chú chó được huấn luyện để tấn công người da màu. Mượn câu chuyện về chú chó, cuốn sách phản ánh hiện thực các phong trào đấu tranh của người da màu ở Mỹ. Romain Gary cho thấy 1 sự hỗn loạn của xã hội lúc bấy giờ: sự phân biệt chủng tộc giữa người da trắng với da đen, sự phân biệt chủng tộc giữa người da đen với da trắng, những phong trào đấu tranh trở thành bạo động... Dù không được đánh giá cao như Cuộc sống ở trước mắt, Chó trắng vẫn là đại diện tiêu biểu cho những tác phẩm văn học về người da màu vào thập niên 70.

Cũng lấy bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai, Cậu bé trong bộ pyjamas sọc (The Boy in The Striped Pajamas) của nhà văn John Boyne được kể lại dưới góc nhìn của cậu bé Bruno - con trai một viên chỉ huy Đức Quốc Xã, sau khi gia đình cậu chuyển đến sống gần trại tập trung. Trong một lần dạo chơi, Bruno đã gặp gỡ và kết bạn với Schmuel - "cậu bé trong bộ pyjamas sọc", tên gọi được Bruno ngây thơ đặt theo trang phục kỳ lạ của người bạn mới. Cậu nào biết đó chính là đồng phục của những tù nhân Do Thái. Hai đứa trẻ hồn nhiên kết bạn, trò chuyện cho đến khi những chuyện kinh hoàng bắt đầu xảy ra. Thông qua ánh nhìn của những đứa trẻ, sự thật tàn ác của nạn phân biệt chủng tộc đã được khắc họa đậm nét, khiến người lớn cũng phải nghẹn ngào. Nguồn: David Fickling Books.

Tựa sách cuối cùng góp mặt trong danh sách là Hai hạt cacao (Deux Graines de Cacao) - tác phẩm của nữ nhà văn Pháp Evelyne Brisou-Pellen. Cuốn sách lấy bối cảnh năm 1814, theo chân Jullien - con trai một ông chủ công ty socola trên hành trình đến Haiti tìm kiếm danh tính thật sau khi biết mình được nhận nuôi từ đây. Cậu không hề biết đó là cuộc hành trình ngược dòng lịch sử, trở về những năm tháng người Pháp đặt chân đến châu Phi và đàn áp những người dân bản xứ. Nguồn: Hachette.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/8-cuon-sach-kinh-dien-len-an-nan-phan-biet-chung-toc-post1092389.html