Ai sẽ thu phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách?

Tại dự thảo nghị định thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ GTVT đề xuất lựa chọn phương án cơ quan quản lý tài sản đường cao tốc sẽ trực tiếp tổ chức thu phí.

Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Đinh Cao Thắng, Trưởng phòng Tài chính, Cục Đường bộ VN xung quanh đề xuất này.

Ông Đinh Cao Thắng.

Ông Đinh Cao Thắng.

4 phương thức quản lý, khai thác

Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 cho phép thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Những việc nào đang được Cục Đường bộ VN triển khai để hiện thực hóa quy định này?

Việc triển khai thu phí chỉ được thực hiện sau khi các tuyến cao tốc đã đảm bảo các điều kiện về hạ tầng và nguồn lực thực hiện.

Để triển khai thu phí, cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc phải lập đề án khai thác tài sản trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

Thời điểm thu phí và danh mục tuyến cao tốc triển khai thu phí sẽ được xác định cụ thể tại quyết định phê duyệt đề án.

Cùng với quá trình xây dựng nghị định thu phí, Cục Đường bộ VN đang xây dựng đề án khai thác tài sản theo Nghị định số 44/2024 trình Bộ GTVT phê duyệt.

Quá trình khai thác, Cục Đường bộ VN sẽ thống kê, theo dõi tốc độ tăng trưởng lưu lượng phương tiện, đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý để có cơ sở triển khai các hình thức quản lý, khai thác đường cao tốc khác như chuyển nhượng quyền thu phí, chuyển nhượng quyền khai thác, nhượng quyền kinh doanh - quản lý (hợp đồng O&M) hoặc phương thức khác ưu việt hơn trên cơ sở đề án được Chính phủ phê duyệt.

Ông Đinh Cao Thắng

Hiện nay có nhiều phương thức quản lý, khai thác đường cao tốc. Các phương thức đó là gì, thưa ông?

Theo quy định, hiện có 4 phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông gồm: Cơ quan quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; chuyển nhượng quyền thu phí; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (O&M); chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác; phương thức khác (nếu có) theo đề án được Chính phủ phê duyệt.

Cao tốc đầu tư bằng ngân sách là tài sản công, phân loại là tài sản kết cấu hạ tầng, thuộc sở hữu Nhà nước do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu là tài sản có thu phí.

Trong số phương thức ông vừa nói, phương thức nào có tính khả thi hơn cả?

Phương thức cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không phù hợp, do việc cho thuê quyền khai thác không áp dụng đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thu phí sử dụng đường bộ.

Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác cũng không phù hợp, do việc này gắn với việc đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản hiện có theo dự án đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, trong các hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công, có 2 phương thức khai thác đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác thuộc dự án đầu tư xây dựng mới (không bao gồm các dự án nâng cấp, mở rộng), có tổ chức thu phí và thuộc thẩm quyền phê duyệt Đề án khai thác tài sản của Bộ GTVT là: Cơ quan quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản hạ tầng đường bộ và chuyển nhượng quyền thu phí.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có quy định về hình thức hợp đồng O&M. Theo hình thức này, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để kinh doanh, quản lý một phần hoặc toàn bộ công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có trong thời hạn nhất định.

Nhà nước thu sẽ linh hoạt, minh bạch

Ông có thể nói rõ hơn về những ưu, nhược điểm của các phương thức trên?

Cơ quan quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác có ưu điểm là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đang trực tiếp được giao quản lý, khai thác tài sản.

Phương thức này có thể triển khai được ngay, không phát sinh thêm tổ chức, biên chế; quá trình quản lý, khai thác tài sản liên tục không bị gián đoạn.

Đồng thời, việc này sẽ dự kiến được nguồn thu phí nộp ngân sách hằng năm; nguồn thu nộp ngân sách qua các năm tương đối ổn định; Cơ bản phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành, không phải bổ sung nhiều.

Nhà nước sẽ linh hoạt khi điều chỉnh mức thu phí cho phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ; minh bạch về số thu, phản ánh đúng tốc độ tăng trưởng của phương tiện hằng năm và lưu lượng thực tế phương tiện lưu thông do áp dụng công nghệ thu phí không dừng.

Việc thu phí chỉ được triển khai sau khi các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đã đảm bảo các điều kiện về hạ tầng và nguồn lực thực hiện (Trong ảnh: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL 45). Ảnh: Tạ Hải.

Việc thu phí chỉ được triển khai sau khi các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đã đảm bảo các điều kiện về hạ tầng và nguồn lực thực hiện (Trong ảnh: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL 45). Ảnh: Tạ Hải.

Tuy nhiên, phương thức này có nhược điểm là ngân sách Nhà nước không có ngay một khoản kinh phí, mà nguồn thu sẽ được duy trì và bổ sung dần hằng năm.

Đối với phương thức chuyển nhượng quyền thu phí có ưu điểm là thu hút được các nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng đường bộ. Ngân sách Nhà nước có ngay được một nguồn thu tương ứng theo hợp đồng nhượng quyền thu phí.

Tuy nhiên, theo quy định, việc chuyển nhượng quyền thu phí thực hiện theo hình thức đấu giá. Việc xác định giá khởi điểm phụ thuộc vào việc tính toán lưu lượng phương tiện.

Các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác, việc tính toán lưu lượng, tốc độ tăng trưởng của phương tiện chỉ là ước tính, tỷ lệ phân lưu lưu lượng sau khi triển khai thu phí chưa tính hết các yếu tố khách quan khác (như thiên tai, dịch bệnh…), dẫn đến việc xác định giá trị chuyển nhượng quyền khai thác tài sản dễ sai sót hoặc mâu thuẫn về quyền lợi và nghĩa vụ giữa Nhà nước với nhà đầu tư.

Phương thức hợp đồng O&M có ưu điểm là thực hiện được chủ trương xã hội hóa, huy động được các nguồn lực bên ngoài tham gia vận hành, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

Thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước cũng nhanh, Nhà nước nhận được khoản tiền lớn trong thời gian ngắn, giảm đầu mối thực hiện.

Tuy nhiên, nó lại có nhược điểm là chi phí cho việc Nhà nước nhận được khoản tiền sớm là chi phí huy động vốn và lợi nhuận phải trả cho nhà đầu tư thực hiện nhượng quyền O&M.

Khoản chi phí này sẽ làm số thu phí nộp ngân sách Nhà nước giảm đi để đảm bảo phương án tài chính của hợp đồng dự án có thể phải tăng mức phí.

Nhà nước cũng không linh hoạt khi điều chỉnh mức phí cho phù hợp từng thời kỳ. Đồng thời, chỉ lựa chọn được nhà đầu tư đối với các đoạn tuyến dự kiến có lưu lượng xe lớn.

Lựa chọn phương thức nào?

Vậy, phương án nào đã được đề xuất lựa chọn, thưa ông?

Cục Đường bộ VN đề xuất phương thức khai thác tài sản hạ tầng đường cao tốc theo Luật Quản lý sử dụng tài sản và thuộc thẩm quyền phê duyệt Đề án của Bộ GTVT.

Cụ thể là phương thức "cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác". Thời gian thực hiện phương thức khai thác khoảng từ 5 - 8 năm (hết 1 chu kỳ khai thác thiết bị).

Như vậy, Cục Đường bộ VN là cơ quan được giao quản lý tài sản sẽ trực tiếp tổ chức quản lý, bảo trì, thu phí đối với các đoạn cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý, khai thác theo quy định pháp luật.

Việc thu phí được áp dụng theo hình thức thuê dịch vụ, Nhà nước sẽ đầu tư hệ thống hạ tầng, thuê đơn vị kết nối vận hành. Hệ thống thu phí tự động không dừng trên cả nước đã được vận hành là điều kiện thuận lợi để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ.

Việc tổ chức thu phí sử dụng đường cao tốc sẽ thông qua trạm thu phí, áp dụng mô hình với "đầu vào ETC đa làn tự do (không có barie), đầu ra ETC đơn làn (có barie)", thông qua việc lựa chọn, đấu thầu đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí.

Vậy, dự kiến khi nào việc thu phí sẽ triển khai, thưa ông?

Dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 5/2025, sau khi các tuyến cao tốc đã hoàn thành xây dựng công trình thiết yếu như trạm dừng nghỉ, hệ thống ITS. Việc kiểm tra giám sát, quản lý nguồn tiền sẽ được giao cho các khu quản lý đường bộ.

Cảm ơn ông!

Trần Duy (thực hiện)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ai-se-thu-phi-cao-toc-dau-tu-bang-ngan-sach-19224093023164922.htm