Ấm áp và đoàn viên Tết người Việt

Đó là cảm nhận chung của những người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Quảng Trị khi nói đến cái Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Với họ, phút giây cùng hàng triệu người Việt Nam chờ đón khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cũng thiêng liêng không kém, bởi họ được trải nghiệm và hiểu thêm về nét văn hóa của một quốc gia khác.

Tôi yêu Tết của người Việt

Matthew năm nay 33 tuổi, đến từ nước Anh. Tính đến nay, anh đã sống và làm việc tại thành phố Đông Hà được 3 năm. Chừng đó thời gian, Matthew gắn bó và yêu thích thành phố nhỏ này lúc nào không hay. Với công việc của một giáo viên tiếng Anh tại Trung tâm Anh ngữ quốc tế ESI, hằng ngày, Matthew được tiếp xúc với rất nhiều học sinh ở các độ tuổi khác nhau. Điều khiến Matthew ấn tượng và có cảm hứng với công việc của mình, đó là các em học sinh rất chăm chỉ và yêu thích việc học tiếng Anh. Nhiều em sau một thời gian học tiến bộ rõ rệt.

 Matthew chụp ảnh cùng học sinh của Trung tâm Anh ngữ quốc tế ESI đoạt giải tại cuộc thi hùng biện tiếng Anh -Ảnh: H.N

Matthew chụp ảnh cùng học sinh của Trung tâm Anh ngữ quốc tế ESI đoạt giải tại cuộc thi hùng biện tiếng Anh -Ảnh: H.N

Là một người thích du lịch và khám phá, Matthew đã có cơ hội đặt chân đến nhiều điểm du lịch của Quảng Trị. “Bạn biết không, tôi rất ấn tượng vì sự thân thiện và mến khách của người dân ở đây. Ngoài ra, ở đây cũng có rất nhiều địa điểm thú vị để tôi có thể khám phá khi tiết trời đẹp. Một điều đặc biệt nữa, đó là đồ ăn ở TP. Đông Hà rất ngon. Tôi thấy thật may mắn khi được sống và làm việc ở đây, được hít thở bầu không khí trong lành và tránh xa nạn ùn tắc xe cộ, ô nhiễm môi trường vốn luôn tồn tại ở các thành phố lớn”, Matthew chia sẻ.

Là người nước ngoài nhưng Matthew lại khá hòa nhập với môi trường tại nơi mình sinh sống và làm việc. Đặc biệt, các món ăn của người Quảng Trị không làm khó được anh bởi độ mặn, cay anh đều có thể thưởng thức được. Matthew đã từng đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam và năm nay, do COVID-19, nên đây có thể là cái tết thứ 2 của anh trên đất nước Việt Nam. Nói về cái tết của người Việt Nam, Matthew cho rằng: “Tôi yêu Tết của người Việt Nam. Tôi nhận ra rằng, với người Việt Nam, tết là cơ hội đoàn viên của gia đình và bè bạn. Tôi thích nhất là khi được đi thăm và chúc Tết nhà mọi người; trân quý khoảng thời gian mọi người dành cho nhau, trò chuyện với nhau sau những tháng ngày bận rộn với công việc suốt cả năm. Và lẽ dĩ nhiên là tôi chẳng thể bỏ lỡ món bánh chưng của người Việt trong những ngày Tết”. Anh tỏ ra hết sức ấn tượng với câu chuyện truyền thuyết về chiếc bánh chưng gắn với câu chuyện về lòng hiếu thảo của người dân đất Việt. Ấm áp và đoàn viên là những cảm nhận của chàng trai đến từ nước Anh về cái Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Ở Anh, năm mới đơn thuần chỉ là một bữa tiệc nhỏ trong đêm dành cho bạn bè và đồng nghiệp trong khi giáng sinh mới là thời gian dành cho gia đình và họ hàng. Do đó, mỗi lần năm mới đến, Matthew cùng bạn bè thường thức khuya, cùng đếm ngược thời gian chờ đón khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Mặc dù phong tục đón Tết ở Việt Nam khác với nước Anh, nhưng phút giây được chứng kiến sự đoàn viên của các gia đình người Việt cũng khiến Matthew nhớ đến quê hương mình.

Lần đầu ở lại Việt Nam ăn Tết, Matthew đã đi thăm và chúc Tết giáo viên, học sinh của mình. Đó là một kỷ niệm khó quên đối với anh. Matthew nhớ mình đã rất vui và ăn thật nhiều vào những ngày đó, bởi “món ăn nào cũng ngon và hấp dẫn”.

Tết Việt Nam mang đến cho tôi cảm giác đoàn viên, gắn kết

Nhìn chị Nakamuara Noriko (sinh năm 1985 ở Kyoto, Nhật Bản) say sưa chia sẻ về văn hóa của đất nước mình cho học sinh chuẩn bị đi du học Nhật Bản trong một căn phòng nhỏ ở trung tâm TP. Đông Hà, không ai nghĩ chị đã làm dâu Quảng Trị được gần 8 năm. Nhưng cơ duyên để chị gắn bó với đất nước Việt Nam lại bắt đầu từ trước đó khá lâu, khi chị còn là sinh viên của một trường đại học ở Nhật Bản. Do trường chị liên kết với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng nên Noriko đăng ký sang Việt Nam theo học chương trình thạc sĩ. Học xong, chị làm việc cho Dự án Jica của Nhật Bản ở TP. Huế rồi gặp anh Phan Thành Công (chồng chị bây giờ) và tiếp tục chuyển ra Quảng Trị sinh sống.

 Noriko trong trang phục truyền thống của người Nhật Bản -Ảnh: H.N

Noriko trong trang phục truyền thống của người Nhật Bản -Ảnh: H.N

“Lần đầu ra Quảng Trị, sống với gia đình chồng ở Triệu Phong, mình buồn lắm. Bởi môi trường xung quanh không sôi động như những thành phố ở Việt Nam mà trước đây mình từng sinh sống. Mình không có bạn bè, không giao tiếp được bằng tiếng Nhật. Nhưng Noriko nghĩ đã lấy chồng là phải chấp nhận mọi cái, từ việc xa gia đình, ba mẹ, cũng như phải làm quen với văn hóa ở đất nước, quê hương của chồng. Mình học tiếng Việt, mới bập bẹ thôi nhưng cứ ra chợ là lân la trò chuyện với những người bán hàng. Lúc đầu họ không hiểu, sau Noriko nói quen nên người ta hiểu hết, nhờ đó mình cảm thấy đỡ buồn hơn”, Noriko chia sẻ về những ngày đầu sinh sống ở quê chồng. Giờ đây, gia đình, công việc đã ngày càng gắn kết Noriko với quê hương của chồng. Noriko cùng chồng mở Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển NIJI chuyên về du học ở Nhật Bản. Hằng ngày, được gặp gỡ, chia sẻ văn hóa nước Nhật cho học sinh Quảng Trị là việc làm mà Noriko cảm thấy rất ý nghĩa và hứng khởi.

Tính ra, đến nay Noriko đã có 10 cái tết ở Việt Nam. Tết đầu tiên ở Việt Nam khiến Noriko bất ngờ và ngạc nhiên khi mọi người cứ đến nhà nhau chúc Tết. “Ở Nhật Bản, người dân đón Tết trong phạm vi gia đình hoặc tham gia các lễ hội tập thể nhưng khi ở Việt Nam, tôi thấy không khí khác hẳn ở đất nước tôi. Ở đất nước các bạn, sự gắn kết giữa gia đình, cộng đồng rất lớn, điều đó tạo nên sức mạnh đoàn kết”, Noriko nói. Có một điểm giống nhau giữa văn hóa của người dân hai nước trong dịp tết đó là mọi người thường có thói quen đi chùa vào ngày mùng 1 Tết để cầu cho một năm mới an lành. Mỗi dịp Tết đến, bên cạnh các món ăn truyền thống của người Việt Nam, Noriko trổ tài làm một số món bánh của người Nhật để mời khách. Cô còn theo chồng đi chúc mừng gia đình họ hàng, bạn bè và học trò nên những ngày Tết của Noriko trôi qua trong bận rộn. Tết ở Việt Nam khiến cô hạnh phúc, nhất là dịp được đón ba mẹ từ Nhật Bản sang thăm và ở lại đón Tết cùng gia đình con gái. Kể về câu chuyện lấy chồng xa của mình, Noriko nói: “Hồi sinh viên, tôi thích đi du lịch và hay kết bạn với người nước ngoài nên mẹ tôi từng nói Noriko nhà mình chắc sẽ không lấy chồng gần nhà đâu. Vì thế, khi biết tôi yêu và dự định cưới anh Công, mẹ không ngạc nhiên. Nhưng ba tôi thì buồn, ông không muốn xa con gái. Giờ thì ông bà yên tâm về tôi, có con gái lấy chồng xa, ba mẹ tôi có thêm một điểm du lịch thú vị, nơi mà ông bà cảm nhận rất rõ về tổ ấm hạnh phúc của con gái và hiểu thêm về các phong tục, tập quán của người Việt Nam”.

Minh Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=155419