Ấm áp yêu thương Những vần thơ kỷ niệm

CLB Thơ Nguyễn Huệ (phường 5, TP Tuy Hòa) cùng Chi hội Hữu nghị Việt - Nga TP Tuy Hòa, những người bạn của bà và các con trong gia đình phối hợp tổ chức Những vần thơ kỷ niệm, nhằm tri ân và ôn lại những tình cảm qua văn thơ mà bà đã viết cho quê hương, bạn bè và cuộc đời hơn 35 năm qua.

Không gian đêm thơ tưởng niệm tác giả Nguyễn Thị Miển “Những vần thơ kỷ niệm”. Ảnh: TRẦN QUỚI

Không gian đêm thơ tưởng niệm tác giả Nguyễn Thị Miển “Những vần thơ kỷ niệm”. Ảnh: TRẦN QUỚI

Bà là Nguyễn Thị Miển, bút danh Nguyệt Thanh (SN 1938, mất tháng 10/2021). Sinh thời, bà là Ủy viên Ban Thường vụ Phụ nữ Khu 5; Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Khánh; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Phú Yên (1989-1995); là một trong những thành viên sáng lập và hoạt động tích cực của Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Phú Yên cũng như CLB Thơ Nguyễn Huệ.

Đêm thơ kỷ niệm “chị Sáu Miển” có nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh, những người đã từng trải qua tuổi xuân trên núi rừng, căn cứ, cùng làm việc với bà sau ngày giải phóng và cả những lớp con cháu quý mến sau này tham dự.

Văn chương nng tình đt, tình ngưi

Trước khi về với thế giới người hiền, bà Nguyễn Thị Miển đã để lại những tác phẩm văn chương nặng nghĩa tình: Hồi ký Ngày ấy… bây giờ (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh 2008), các tập thơ Ngày chớm thu Vần thơ lưu bút (NXB Thông tin và Truyền thông 2016), tự truyện Cánh chim ngày cũ (NXB Văn hóa - Văn nghệ 2019), chủ biên tập thơ Những cánh chim không mỏi (nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 1930-2020)…

Bà còn sáng tác các thể loại thơ Đường luật, có thơ in chung tuyển tập Thơ Đường luật Việt Nam (NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành). Bà đã vận động, tập hợp những người yêu thơ địa bàn TP Tuy Hòa và các vùng lân cận, thành lập CLB Thơ Nguyễn Huệ, hằng năm đều ra mắt một tập thơ Cánh hoa vườn; đến nay đã có “15 cánh hoa” thơm dịu, mộc mạc giữa dòng đời: Hoa vườn tỏa ngát hương thơm/ Mười năm trồng tỉa vuông tròn là đây… (Rạng rỡ hoa vườn).

Mở đầu đêm thơ kỷ niệm, hai nghệ sĩ gạo cội của sân khấu thơ là Bích Trâm và Phan Kim Việt liên ngâm 4 bài thơ ngắn Yêu biên cương - Phận gái - Ước mơ - Cô lái đò, khiến những người dự khán bồi hồi xúc động, nhớ thương về người chị lớn, cả về tuổi đời lẫn nhân cách, tình người.

Những vần thơ mộc mạc, chân thành của một người phụ nữ, một chiến sĩ cách mạng, một người con gái mang nhiều ước mơ, hoài bão: Nắng vàng trải xuống đồng xanh/ Anh ra tiền tuyến, em canh giữ nhà/ Hòa bình máu đổ “Trường Sa”/ Biên cương nghĩa trọng trẻ già chung lo (Yêu biên cương).

Hay sự cảm thông về phận gái truân chuyên: Cuộc đời sao lắm long đong/ Vừa lo cho chồng, lại phải lo con/ Trăm năm vẹn chữ vuông tròn/ Hỏi người thục nữ nét son có gầy? Ngay cả một thân phận như cô lái đò bên sông thôi cũng nặng nghĩa, nặng tình, nặng trách nhiệm với nước non: Hỏi người thục nữ bên sông/ Tình ta sao mãi nặng lòng nước non? (Phận gái - Cô lái đò).

Phần nhiều sáng tác của tác giả Nguyệt Thanh là về phụ nữ, người mẹ với những lời thơ mộc mạc mà sâu đậm nghĩa tình, thủy chung: Mẹ ơi! Con thấm lời nguyền/ Vì yêu con, mẹ nên duyên vợ chồng/ Chữ tình cuộn chảy thành sông/ Đưa nước về đồng, tưới mát cành xuân… Gửi lòng theo gió tỉ tê/ Nước non trọn nghĩa, lời thề thủy chung (Lời nguyền với mẹ).

Viết về phụ nữ, mà cụ thể là phụ nữ Phú Yên, ta sẽ gặp giọng thơ mộc mạc, gần gũi, làm bật lên đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó. Ta như hình dung được ngay một người mẹ, người chị của mình ở quanh đây: Hai bàn tay trắng vươn lên/ Phận nghèo có sẵn, thiếu kênh làm giàu. Phận nghèo mới đủ bát cơm/ Muốn giàu còn phải sớm hôm tảo tần. Nhưng cũng có khi vô cùng mạnh mẽ: Quê tôi xứ Nẫu, gái anh hùng/ Đánh giặc, xây đời trọn thủy chung/ Đất nước lâm nguy, con cất bước/ Giang sơn mở cửa, mẹ đi cùng… (Gái Phú Yên trọn nghĩa, trọn tình).

Tác giả Nguyệt Thanh - Nguyễn Thị Miển còn lưu lại nhiều bài thơ ca ngợi quê hương đổi mới; những con người đất Phú anh hùng như Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu Không số: Hồ Đắc Thạnh ghi công người thuyền trưởng/ Anh thông minh nhanh nhẹn chí anh hùng/ Mười hai chuyến tàu cập bến thành công/ Tiếp vũ khí để miền Nam đánh giặc/ Ai chứng kiến niềm vui hai miền Nam - Bắc/ Đất nước huy hoàng có… chiến công anh.

Đêm thơ Những vần thơ kỷ niệm được kết thúc bằng tiết mục bài chòi 60 năm Đồng khởi Hòa Thịnh do nghệ sĩ Bích Trâm chuyển thể từ lời của bài thơ cùng tên. Bài thơ như được chắp cánh, đến gần hơn với khán giả bởi nghệ thuật Bài chòi, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bà Trần Thị Minh Chánh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu khai mạc đêm thơ. Ảnh: MINH KÝ

Bà Trần Thị Minh Chánh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu khai mạc đêm thơ. Ảnh: MINH KÝ

N chiến sĩ kiên trung và tài hoa

Khi đất nước còn chìm trong chiến tranh, tuổi thiếu niên Nguyễn Thị Miển đã làm giao liên, cơ sở, rồi thoát ly gia đình để hoạt động cách mạng. Cuộc đời cách mạng của bà nếm đủ những đắng cay, đau khổ. “Nhất trụ, nhì tù, tam khu”, bà đều trải qua.

Theo Đảng ta đi dưới bóng cờ/ Long lanh vàng óng dệt đường tơ/ Kiên cường mấy đoạn sa tay giặc/ Ta vẫn hiên ngang trước bạo đồ.

Dự đêm thơ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Tôi là lớp đàn em, ít hơn chị Sáu Miển 1 con giáp, nhưng chị em lớp trước người sau đều tụ về chiến khu Phú Yên thời chống Mỹ.

Chị là một trong những minh chứng của phụ nữ miền Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời khói lửa chiến tranh. 16 tuổi, chị là cơ sở trung kiên quê nhà Hòa Vinh, 21 tuổi bị địch truy bắt, tra tấn tàn khốc, bị đưa ra tòa án binh vùng II chiến thuật Nha Trang với mức án 2 năm tù vì tội hoạt động phản nghịch.

Ra tù, chị tiếp tục hoạt động và thoát ly lên căn cứ. Chị trở thành một trong những lãnh đạo chủ chốt của Hội LHPN Giải phóng Phú Yên, luôn có mặt ở những địa bàn nóng bỏng nhất… Chị đã nhiều lần thoát chết trong gang tấc dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù.

Còn bà Trần Thị Minh Chánh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ: Chị Nguyễn Thị Miển như một người chị cả, người thầy dẫn dắt trong cuộc sống. “Chị là người truyền cảm hứng cho tôi trong những ngày đầu tiên gặp vào năm 1967, khi ấy tôi mới vừa 17 tuổi.

Chị trong bộ bà ba, dép lốp, mũ tai bèo, dáng người mảnh mai, mái tóc đen dài, giọng nói nhẹ nhàng, nụ cười duyên dáng đầy cương nghị và đầm ấm. Nhớ về chị, tận đáy lòng tôi xin cảm ơn người chị, người thầy trên nhiều lĩnh vực; đã truyền cho tôi cảm hứng, tình yêu cách mạng, yêu đất nước, quê hương, tình yêu gia đình, bè bạn, tình yêu thơ ca, yêu người và yêu cuộc sống...”, bà Chánh nói.

Tác giả Nguyệt Thanh - Nguyễn Thị Miển đã về với miền mây trắng, nhưng những câu thơ, trang văn để lại cho đời, cho bạn bè, con cháu... vẫn còn lắng đọng mãi. Bởi nó in đậm giá trị văn chương, nặng nghĩa tình đất, tình người, là di sản tinh thần có giá trị về cốt cách, kiên trung mà nhân hậu đáng kính trong thời chiến và nghĩa tình thủy chung, trong thời bình.

Ban Chủ nhiệm CLB Thơ Nguyễn Huệ, Chi hội Hữu nghị Việt - Nga TP Tuy Hòa và những người bạn yêu thơ đã tổ chức chương trình kỷ niệm ngày mất chị Sáu Miển (bút danh Nguyệt Thanh), như một nén tâm hương, tưởng niệm về chị, người nữ lưu anh kiệt tiêu biểu của Phú Yên. Xin trích đôi câu thơ vui của chị viết về CLB do chị sáng lập để cùng lan tỏa hương vị văn chương mà chị gửi lại cho đời:

Thi phú giao lưu thêm bạn hữu/ Thi nhân đàm đạo mến Hoa vườn.

Đồng chí Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/321904/am-ap-yeu-thuong-nhung-van-tho-ky-niem.html