7 giờ tối ngày 29 Tết, các công nhân Tổ môi trường 5, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Đống Đa vẫn miệt mài với công việc của mình trên phố.
Theo chị Ngô Thị Quang, Tổ trưởng Tổ 5, từ sau 23 tháng Chạp đến đêm 30, rác mỗi ngày mỗi tăng. Càng sát Tết, khối lượng công việc ngày càng nhiều. "Có những ngày chúng tôi phải làm tới rạng sáng mới kết thúc công việc", chị Quang nói.
Trong đợt cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán, Tổ môi trường 5 đã quen dần với nhịp làm việc muộn. “Đêm 30, công việc sẽ còn nhiều hơn nữa. Nhưng anh chị em làm mãi rồi nên cũng thành quen”, vừa cặm cụi quét đường, chị Quang vừa kể.
Hoa đào tàn được người dân bỏ lại trên các xe rác nặng đầy.
8 giờ tối, nhiệt độ ngoài đường chỉ còn khoảng 13 độ C. Nhưng các công nhân môi trường vẫn cặm cụi làm việc để giữ cho thành phố xanh-sạch-đẹp.
Tính đến hôm nay, chị Quang đã có 21 năm làm việc trong ngành môi trường. "Chỉ duy nhất một năm tôi gặp tai nạn thì... được ăn Tết ở nhà. Còn 20 năm khác đều đón Giao thừa trên phố bên cây chổi, thùng rác", nữ tổ trưởng vừa cười vừa kể.
Gần 9 giờ tối, khi được tạm nghỉ, cả tổ mới quây quần với nhau bên vỉa hè. Lúc này, một mâm cơm tất niên đơn sơ được bày ra ngay bên vỉa hè vắng vẻ.
"Chị em chúng tôi mỗi người ở một quê nhưng cùng cảnh công nhân vệ sinh môi trường vất vả nên cùng nhau chia sẻ, xem nhau như chị em trong nhà. Chỉ còn 1 ngày nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, tranh thủ tối muộn làm xong việc chị em cùng tập trung về đây nấu ăn, trò chuyện sau một năm tất tả mưu sinh", Tổ trưởng Quang tâm sự.
"Bàn ăn" được dựng từ vài chiếc hộp xốp đã cũ, phía trên phủ bạt. Ghế ngồi thì mỗi người mang theo một chiếc. Chỉ chừng 10 phút, mâm cơm tất niên của những công nhân môi trường tối 29 Tết đã sẵn sàng.
Đồ ăn cũng được các anh chị em trong tổ phân công mang theo. Người có bó rau muống rửa sạch, người mang bánh chưng, thịt bò, gà... Gom góp lại là đã có bữa tất niên tươm tất...
Bữa tất niên tối 29 Tết đơn giản nhưng đầy ắp tiếng cười.
Chúc nhau chân cứng, đá mềm...
Niềm vui giản đơn giữa ca nghỉ trên phố ngày cận Tết. Bữa cơm chào năm cũ vào tối 29 Tết đã trở thành "truyền thống nhỏ" của Tổ 5.
Khi được hỏi, các anh chị ước mơ gì trong năm mới, chị Quang bảo, chúng tôi chỉ cần nhận một vài lời động viên của người dân như chúc mừng năm mới, chia sẻ công việc là đã đủ vui rồi.
Sau bữa cơm chung này, cả tổ sẽ lại tỏa đi, đẩy xe lọc cọc lẫn vào màn đêm. Trời đêm cuối năm vẫn hun hút gió…