Ẩm thực đón Tết Nguyên đán của người Tày

Mâm cỗ ngày Tết không chỉ là sự hội tụ của tinh hoa ẩm thực với những món ăn đậm đà hương vị mà còn thể hiện nhiều ý nghĩa tâm linh, mang đậm nét văn hóa đặc sắc.

Đối với người Tày ở Cao Bằng, những món ăn mang hương vị Tết cổ truyền luôn được chuẩn bị tươm tất, đầy đủ. Trước là để cúng tổ tiên, mong tổ tiên phù hộ cho con cháu một năm mới ấm no, hạnh phúc, sau là để gia đình quây quần, sum họp bên bữa cơm đoàn viên.

Những ngày tết, thịt lợn là thực phẩm chính và quan trọng nhất trong mâm cỗ vì theo quan niệm của người Tày, con lợn thể hiện sự giàu sang, phú quý và no đủ. Do đó, từ ngày 27 - 28 tháng Chạp, có nhà mổ 1 con lợn để mời anh em, họ hàng, làng xóm ăn tết cùng gia đình. Có nhà cùng một vài gia đình mổ chung một con. Lợn tết là giống lợn đen, hầu hết được các gia đình tự nuôi với thức ăn chủ yếu được nấu từ chuối rừng, sắn, ngô… nên chắc thịt, thơm ngon. Sau khi mổ xong, sẽ lọc thịt thành các loại khác nhau để làm nhân bánh chưng, giò thủ, lạp sườn, thịt treo gác bếp, thịt ướp muối gừng… và phục vụ các món ăn trong ngày Tết.

Đối với người Tày ở Cao Bằng, bánh chưng là “linh hồn”, một lễ vật không thể thay thế. Chiếc bánh chưng trong mâm cỗ Tết mang ý nghĩa thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Bánh chưng được bày lên bàn thờ cúng thể hiện lòng hiếu kính của con cháu với ông bà, tổ tiên. Thông thường, sau khi hoàn tất công việc mổ lợn tết, các bà, các mẹ chọn những phần thịt ngon nhất để làm nhân bánh chưng, cùng với đỗ xanh, gạo nếp thơm, dẻo và lá dong được chuẩn bị từ trước. Bánh sẽ được gói chặt tay và luộc suốt 12 - 14 giờ cho chín nhừ. Khi bánh chín, còn nóng hổi, sẽ được mang lên cúng tổ tiên.

Khi công việc dọn dẹp nhà cửa xong xuôi, mỗi gia đình lại tất bật chuẩn bị thêm các loại bánh truyền thống như: Bánh khảo, chè lam, khẩu sli, khẩu théc, bánh gio… phục vụ những ngày Tết. Tối 30 Tết, mâm cơm tất niên cúng tổ tiên được chuẩn bị khá tươm tất với các món ăn truyền thống: bánh chưng, canh măng, canh miến, nem rán… Sau khi cúng xong, cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên 30 Tết vui vẻ, đầm ấm, cùng nhau chia sẻ và đúc kết kinh nghiệm trong năm vừa qua.

Mâm cơm cúng trong những ngày Tết của người Tày ở Cao Bằng.

Mâm cơm cúng trong những ngày Tết của người Tày ở Cao Bằng.

Ngày mùng Một Tết, mâm cúng được bày trí cẩn thận, đặt chính giữa là một con gà luộc vì người Tày tin rằng con gà mang đến may mắn, sự khởi đầu thuận lợi. Gà cúng thường là gà thiến hoặc gà trống choai mới biết gáy, con to, béo nhất đàn, khỏe mạnh, có màu lông đỏ, mào đơn thẳng đứng, mỏ và chân vàng tươi. Phía đầu mâm để 3 bát ăn cơm, 3 đôi đũa, 3 chén rượu, hai bên có cơm canh, bún và các loại thức ăn ngon: bánh chưng, sườn, cá rán… Đặc biệt đối với người Tày Cao Bằng, lạp sườn treo gác bếp trở thành một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cúng vào ngày này. Để làm lạp sườn, sau khi mổ lợn xong, các bà, các mẹ sẽ chọn phần thịt thăn, vai hoặc mông, ướp cùng gia vị đặc biệt như: gừng núi, mác mật, rượu ngô… Thịt thái miếng, để 1 - 2 giờ ngấm gia vị rồi nhồi vào phần lòng non đã được rửa sạch. Sau đó, lạp sườn sẽ được treo trên gác bếp để khói và hơi nóng của lửa giúp thịt thơm ngon mang hương vị riêng.

Mùng Hai, các thành viên trong gia đình đều háo hức đi chúc Tết bên ngoại, tiếng địa phương gọi là “pây tái”, ngày này con rể sẽ đến để cảm ơn người đã sinh thành, dạy dỗ vợ của mình được như ngày hôm nay. Sang thăm ngoại, từ sáng sớm mọi người chuẩn bị gà, bánh chưng, bánh khảo, khẩu sli... để thắp hương lên bàn thờ tổ tiên. Nhà ngoại đón tiếp con rể chu đáo và làm mâm cơm thịnh soạn mời anh em trong dòng họ đến tham dự, tạo không khí ấm cúng trong gia đình.

Ngày mùng Ba, các gia đình làm lễ hóa vàng với ý nghĩa tiễn đưa ông bà, tổ tiên về trời sau những ngày tết. Bà Mạc Thị Với, xóm Long Hoa, xã Minh Tâm (Nguyên Bình) chia sẻ: Hằng năm, cứ sau 3 ngày Tết, chúng tôi thường làm mâm cơm để cảm ơn, tạm biệt ông bà, tổ tiên đã về ăn tết cùng con cháu. Vì thế, ngay từ sáng sớm cả nhà đã giúp nhau làm cơm cúng với những món ăn ngon như: gà luộc, thịt lợn rang, canh măng… Đặc biệt trong ngày này, mâm cúng của người Tày không thể thiếu món xôi “đăm đeng”.

Xôi “đăm đeng” được làm từ gạo nếp mà sau khi thu hoạch, bà con để nguyên bông lúa, đem bó lại treo lên gác bếp, khi chuẩn bị làm xôi mới xát thành gạo, như thế hạt gạo sẽ trắng, tròn, thơm ngon. Để tạo màu cho xôi phải dùng lá cẩm được trồng trong vườn nhà, giã nát và nấu kỹ sẽ cho ra các màu sắc đặc trưng. Gạo nếp vo, đãi sạch, ngâm vào những chậu nước màu từ 10 - 12 giờ. Sau đó, vớt gạo lên để ráo nước rồi cho vào chõ đồ khoảng 30 - 40 phút, quá trình đồ xôi lửa phải đều, không bị ám khói. Những hạt xôi khi chín bóng nhưng không ướt, khi nguội hạt se lại nhưng vẫn mềm, không bị cứng.

Giờ đây cuộc sống ít nhiều đổi thay nhưng bản sắc văn hóa và hồn cốt dân tộc của đồng bào Tày vẫn được gìn giữ nguyên vẹn qua tháng năm. Mỗi khi tết đến, các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên mâm cỗ và thưởng thức những món ăn truyền thống của dân tộc, góp phần tạo nên hương vị ngày tết vùng cao thêm đậm đà, đầm ấm.

Thu Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/am-thuc-don-tet-nguyen-dan-cua-nguoi-tay-3167379.html