Amazon, Temu thách thức gã khổng lồ thương mại điện tử số 1 Ba Lan bằng chiến thuật khác nhau

Amazon (Mỹ) và Temu (Trung Quốc) đang áp dụng các chiến thuật khác nhau để thách thức Allegro - công ty dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Ba Lan. Trong đó gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ tập trung vào video, còn công ty Trung Quốc nhắm vào thời trang giá rẻ để thu hút khách hàng.

Amazon và Temu nhìn thấy cơ hội tại Ba Lan cũng như toàn khu vực Trung và Đông Âu, nơi tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ vượt xa các thị trường phương Tây phát triển hơn khi thu nhập tăng và nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến hơn. Ba Lan hiện là nền kinh tế lớn nhất Trung và Đông Âu.

Amazon có kế hoạch bổ sung thêm nhiều chương trình gốc bằng tiếng Ba Lan vào 5 chương trình mà hãng đã ra mắt trên dịch vụ Prime Video kể từ năm 2023. Rocco Braeuniger, Giám đốc quốc gia của Amazon tại Đức, Áo, Thụy Sĩ và các thị trường mở rộng, tiết lộ thông tin này với Reuters.

Ông nói: “Prime Video đã nhận được phản hồi tích cực và chúng tôi sẽ tăng gấp đôi nỗ lực. Chúng tôi sẽ đầu tư vào Prime Video và sản xuất nội dung địa phương trong khu vực".

Phim tài liệu của Amazon về Robert Lewandowski là bộ phim được xem nhiều nhất từ trước đến nay ở Ba Lan. Robert Lewandowski là tiền đạo bóng đá nổi tiếng người Ba Lan, hiện khoác áo Barcelona.

Amazon Prime, bao gồm tính năng phát video trực tuyến cùng các dịch vụ khác, có giá 49 zloty một năm ở Ba Lan (1 zloty Ba Lan bằng 6.363 đồng). Rocco Braeuniger cho biết hầu hết người đăng ký ở Ba Lan đều sử dụng dịch vụ video, yếu tố Amazon coi là chìa khóa để thu hút và giữ chân người dùng.

Sở hữu phần mềm trợ lý giọng nói Alexa được phát triển tại trung tâm công nghệ ở thành phố Gdansk của Ba Lan, Amazon cũng có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào khu vực, gồm cả lĩnh vực logistics.

Amazon tập trung vào video, còn Temu nhắm vào thời trang giá rẻ để thách thức Allegro ở Ba Lan - Ảnh: Internet

Amazon tập trung vào video, còn Temu nhắm vào thời trang giá rẻ để thách thức Allegro ở Ba Lan - Ảnh: Internet

Còn nhiều không gian để phát triển

Các cơ quan công nghiệp EuroCommerce và Ecommerce Europe gần đây đã định giá thị trường trực tuyến tổng thể của châu Âu là 900 tỉ euro (975 tỉ USD), trong đó 67% là ở Tây Âu. Các nước Trung và Đông Âu chỉ chiếm lần lượt 8% và 2% nên còn nhiều không gian để phát triển.

Doanh số bán hàng trên thị trường trực tuyến ở Ba Lan (gần 40 triệu người) do Allegro thống trị.

Allegro được thành lập vào năm 1999 và ra mắt lần đầu trên sàn giao dịch chứng khoán Warsaw (Ba Lan) năm 2020.

Amazon gia nhập thị trường Ba Lan vào năm 2021. Temu, thuộc sở hữu của tập đoàn PDD Holdings (Trung Quốc), gia nhập thị trường Ba Lan vào năm 2023 và nhanh chóng chiếm thị phần để vượt mặt Amazon bằng các sản phẩm thời trang giá rẻ. Đây cũng là yếu tố đã giúp Temu trở thành gã khổng lồ thương mại điện tử toàn cầu.

Temu cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi đã nhận được phản hồi đáng khích lệ từ người tiêu dùng trong khu vực Trung và Đông Âu”.

Vào tháng 2, Amazon có gần 5,9 triệu người dùng ở Ba Lan, tụt xa so với Allegro (18,2 triệu) và Temu (13,7 triệu), theo dữ liệu của công ty Mediapanel Gemius Polska và PBI được hãng tin PAP Biznes trích dẫn.

Pawel Szpigiel, nhà phân tích tại DM mBank, cho biết cơ sở khách hàng trung thành và nhiều dịch vụ đa dạng khiến Allegro trở thành công ty dẫn đầu thị trường khó bị đánh bại, nhưng khả năng xây dựng chậm mà chắc của Amazon và cạnh tranh về giá của Temu là mối đe dọa tiềm tàng.

DM mBank là một công ty con của ngân hàng mBank (Ba Lan), chuyên cung cấp các dịch vụ phân tích và tư vấn đầu tư cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.

Pawel Szpigiel nói: “Allegro chắc chắn không thể ngủ yên vì thị trường thương mại điện tử rất năng động, bằng chứng là sự thành công của Temu trên toàn thế giới. Chiến lược của Amazon rất khác biệt và luôn khác với các công ty Trung Quốc. Amazon có chiến lược chiến đấu lâu dài rất kỳ công”.

Gần gũi với khách hàng

Jon Eastick, Giám đốc tài chính Allegro, nói với Reuters rằng sự gần gũi với khách hàng đã giúp công ty bảo vệ vị trí dẫn đầu của mình ở Ba Lan, đưa thương hiệu mũi nhọn của mình sang nước láng giềng Cộng hòa Séc vào năm 2023 và Slovakia trong 2024.

Hoạt động tại 6 quốc gia sau khi mua lại Mall.CZ, Allegro có kế hoạch ra mắt thương hiệu của mình tại Croatia, Hungary và Slovenia vào năm 2024.

Mall.CZ là trang web thương mại điện tử lớn của Cộng hòa Séc, được Allegro mua lại vào năm 2023. Trước khi được mua lại, Mall.CZ hoạt động độc lập và là một trong những trang web thương mại điện tử hàng đầu tại Cộng hòa Séc. Sự kiện Allegro mua lại Mall.CZ cho phép Allegro mở rộng hoạt động sang thị trường Cộng hòa Séc và các nước lân cận.

Jon Eastick nói: “Cộng hòa Séc hoặc Slovakia là thị trường liền kề với Ba Lan. Sản phẩm của thương gia Ba Lan không phải phù hợp hoàn hảo với thị hiếu ở những quốc gia đó, nhưng khá gần".

Thế nhưng, việc cạnh tranh với Amazon, gã khổng lồ thương mại điện tử sở hữu túi tiền dồi dào, có thể là một thách thức. Nhà phân tích Dominik Niszcz của hãng Trigon dự báo khoản lỗ EBITDA điều chỉnh năm 2024 của Allegro từ hoạt động quốc tế có thể lên tới 500 triệu zloty, tùy thuộc vào chi phí trong quý 4/2023 liên quan đến việc thâm nhập thị trường Hungary.

Khoản lỗ EBITDA là thước đo hiệu quả hoạt động kinh doanh của một công ty, được tính bằng cách lấy lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) trừ đi các khoản chi phí cố định như lãi vay và tiền thuê nhà.

Một thách thức khác ở Ba Lan là lạm phát, được xếp vào hàng cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU) và buộc người tiêu dùng phải kiểm soát chặt chẽ hơn chi tiêu của mình.

Lạm phát hàng năm của Ba Lan đạt đỉnh 18,4% vào tháng 2.2023 và sau đó giảm xuống còn 1,9%, song các nhà phân tích dự đoán nó sẽ tăng trở lại do chính phủ bãi bỏ mức thuế giá trị gia tăng bằng 0 với thực phẩm và có thể làm giá năng lượng tăng lên.

Một số nhà phân tích cũng chỉ ra tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình tương đối thấp ở Ba Lan, cho rằng tiêu dùng tư nhân có thể phục hồi chậm hơn nếu các hộ gia đình chọn cách xây dựng lại quỹ tiết kiệm của mình trước, điều mà Jon Eastick cũng xác định là một rủi ro cho Allegro.

Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình (household savings rate) là tỷ lệ phần trăm của thu nhập khả dụng các hộ gia đình tiết kiệm được. Nói cách khác, đây là thước đo cho biết các hộ gia đình dành bao nhiêu phần trăm thu nhập còn lại sau chi tiêu cho việc tiết kiệm.

Jon Eastick nói: “Sự phục hồi trong tiêu dùng dường như diễn ra chậm hơn một chút so với dự kiến của các nhà kinh tế. Vì vậy, chúng tôi thận trọng về góc độ đó. Song trong năm nay, chúng tôi vẫn ở vị thế tốt để được hưởng lợi từ việc chi tiêu trở lại cho các mặt hàng không thiết yếu".

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/amazon-temu-thach-thuc-ga-khong-lo-thuong-mai-dien-tu-so-1-ba-lan-bang-chien-thuat-khac-nhau-215889.html