Ăn cốm với người Bahnar

Sau Tết Nguyên đán chừng một tháng thì bà con các dân tộc Tây Nguyên bước vào 'mùa Tết' của mình. Gọi 'mùa Tết' vì thực ra bà con không có khái niệm Tết như người Kinh, dù thời gian gần đây, họ cũng tổ chức chơi Tết Nguyên đán. 'Tết' của bà con Tây Nguyên chính là hệ thống lễ của họ theo nền văn minh nương rẫy tổ chức vào khoảng từ tháng 3 tới tháng 5 Dương lịch. Đây là mùa khô, mùa đẹp nhất của Tây Nguyên.

Người Tây Nguyên có 2 hệ thống lễ chính: hệ thống đời người và hệ thống tự nhiên. Con người từ khi sinh ra đã có lễ thổi tai, tương đương lễ thôi nôi người Kinh và khi chết được mấy năm thì có lễ bỏ mả (pơ thi) tương đương giỗ mãn tang người Kinh.

Hệ thống cây cối rừng rẫy thì lễ cơm mới là lớn và quan trọng.

Người Bahnar gọi là Sa Mơk (ăn cốm). Lễ này cũng gần giống lễ cơm mới của người Kinh, để cảm ơn Thần Lúa và các loại Yàng đã cho mùa màng tươi tốt. Thường các làng tổ chức vào một ngày. Nhà ai cũng nấu một nồi cơm to hoặc rất nhiều cơm nướng trong ống nứa mà người Kinh cứ gọi tuốt luốt là cơm lam, trong khi lam là động từ chỉ cái cách nấu cơm trong ống nứa của một dân tộc phía Bắc. Có làng làm cả cốm (ngày xưa thì nhà ai cũng làm). Sau nghi lễ cúng thì thanh niên nam nữ đánh chiêng và múa đi vào từng nhà. Tại nhà, chủ nhà đứng sẵn đón mọi người rồi bốc cơm đang nóng trong nồi đút cho từng người, đổ rượu (cần) cho từng người, cứ thế tuần tự nhà này đến nhà khác, điểm đến cuối cùng là nhà rông.

Tôi dự lễ Sa Mơk của người Bahnar lần đầu tiên vào năm 1982, sau cái Tết đầu tiên ở khu tập thể Ty Văn hóa Gia Lai-Kon Tum lúc mới lên nhận công tác. Tết Nguyên đán một mình ở nơi xa lạ phố thị chán ngắt nên khi nghe ở làng Tơ Tung có cuộc cơm mới ấy, tôi đã bằng mọi cách để xuống, dù hồi ấy đi lại khá khó khăn.

Làng này ở sát làng Stơr-quê hương của Anh hùng Núp, ở xã Nam, huyện An Khê, giờ tên xã cũng khác và nó lại thuộc huyện Kbang rồi.

Đội cồng chiêng nữ làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) biểu diễn cồng chiêng trong một dịp lễ hội. Ảnh: Đ.T

Đội cồng chiêng nữ làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) biểu diễn cồng chiêng trong một dịp lễ hội. Ảnh: Đ.T

Người Bahnar toàn tòng, trai đẹp nữ xinh. Rất đẹp bởi qua chọn lọc tự nhiên ai sống được qua những khắc nghiệt của quá trình sinh nở và sống giữa rừng thời ấy cũng đều rất khỏe mạnh. Con trai bụng thon đùi ếch ngực nở đóng khố mông tròn xoe. Con gái da bánh mật mặc áo ló để tay trần hở vai phô hết các đường cong các khối tròn vừa tràn trề nữ tính lại vừa hết sức mạnh mẽ, xứng vai trò mẫu hệ.

Váy áo được dệt mới, cồng chiêng được lên dây sửa chữa, được làm lễ hạ chiêng, rượu ghè được ủ dựng kín xung quanh sàn nhà...

Rồi chọn ngày tốt để làm lễ tuốt những hạt lúa đầu tiên. Và đấy cũng là ngày ăn Tết của người Tây Nguyên.

Từ nửa đêm, làng đã rậm rịch rồi. Mà chính xác là từ chiều hôm trước. Ai vào việc nấy. Con gái làm cốm, nấu cơm, cả trong nồi gang (chắc mới xuất hiện gần đây), cả ống nứa. Con trai lo việc lớn. Một con bò được làm chung, một số nhà đập heo. Chiêng được hạ xuống, thử âm vang động cả làng. Nhà rông và cây nêu trước nhà rông được trang trí. Hàng đoàn người đeo gùi xuống suối lấy nước để đổ vào hàng trăm ghè rượu cần. Khi lên, hàng đuốc sáng rực ngược từ bờ suối lên và những ống nứa đầy nước được vác, được gùi, trông như cảnh trong phim lịch sử thời... Hy Lạp La Mã... Các cụ già trịnh trọng chuẩn bị lễ cúng, rất công phu, bài bản, xúng xính khố mới, đầu quấn khăn đỏ cắm lông chim.

Bò, heo và gà được làm xong lúc gần sáng. Tất cả được xử lý rất nhanh bằng... đốt chứ không nhúng nước sôi rồi vặt hay cạo lông như người Kinh. Mỗi thứ một tí của con bò được bày lên bàn cúng trước cây nêu.

Lễ cúng bắt đầu. Già làng sau khi gọi tên một loạt các Yàng thì khấn, đại loại thưa các Yàng, năm vừa qua được các Yàng phù hộ cho dân làng no đủ, có cái ăn có cái để dành, không bị dịch bệnh. Người ốm không nhiều, người chết rất ít, làng vẫn ở chỗ cũ, không phải nhổ nhà đi lang thang. Hạt lúa trái bắp nhanh lớn, không bị chim ăn khỉ phá, không bị sâu thăm chuột nếm...

Rồi mỗi thứ một tí, vẫn thế, tung ra xung quanh. Rồi chiêng lên, rồi xoang. Cuộc vui bắt đầu!

Mọi người ở nhà rông tản về nhà mình. Mỗi nhà cũng đều có cốm, cơm, rượu, thịt chuẩn bị đón khách. Đoàn chiêng và xoang lần lượt tới từng nhà. Chủ nhà đón, hút rượu ra ống nứa đổ vào miệng khách (vì khách đang bận chiêng và xoang), bốc cốm, cơm, thịt nhét vào miệng khách, ai cũng như nhau và ai cũng vui vẻ nhận như một sự lấy may trong cái lễ trọng này.

Cứ thế, ai say cứ say, ai chiêng cứ chiêng, ai xoang cứ xoang. Hôm ấy, tôi tới mấy lần lăn ra gầm sàn ngủ, dậy vẫn nghe bing beng bing beng, vẫn nhún nhảy những cặp chân thuôn dài những bờ vai tròn lẳn những bộ ngực thanh tân. Những người tham gia đội xoang, đội chiêng là những nam thanh, nữ tú của làng, đẹp và đều tăm tắp. Những cái đuôi khố, những cái ống tay áo nhưng lại không phải để xỏ tay vào mà để thõng bên vai, nó vừa như hờ hững lại vừa như thách thức. Nó bắt con người phải phát huy hết khả năng tưởng tượng của mình. Cái đặc biệt của trang phục là thế. Nó luôn bí ẩn, nhưng lại cố tình hớ hênh để nỗi bí ẩn tăng lên, để bắt con người phải tưởng tượng, tưởng tượng trong khao khát, trong miên cảm, trong những khoảng mù mờ tối sáng để khiến cuộc sống thi vị nhất, phập phồng nhất và đáng khát khao sống nhất.

VĂN CÔNG HÙNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202202/an-com-voi-nguoi-bahnar-5766879/