Ấn Độ và Pakistan trên miệng hố chiến tranh
Trong thông điệp mới đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khẳng định quyết định nhằm tước bỏ quy chế đặc biệt của bang Jammu và Kashmir, đặt vùng lãnh thổ này vào dạng quản lý toàn diện của trung ương.
Pakistan đáp trả bằng cách trục xuất đại sứ Ấn Độ và hạ thấp quan hệ giữa hai nước. Các chính trị gia và quân đội Pakistan tuyên bố sẽ ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng ở Jammu và Kashmir. Theo các nhà phân tích, căng thẳng trong quan hệ giữa Ấn Độ và
Pakistan sẽ gia tăng và trong trường hợp thiếu kiềm chế của các bên, xung đột quân sự là điều khó tránh.
“Quyết định lịch sử”
Tối ngày 8/8, trong thông điệp gửi tới nhân dân cả nước, Thủ tướng Ấn Độ Marendra Modi lý giải việc tước bỏ quy chế tự trị đặc biệt của bang Jammu và Kashmir cũng như tăng cường lực lượng quân sự bảo đảm an ninh cho khu vực này là hết sức cần thiết. Trước đó, vào ngày 6/8, Quốc hội Ấn Độ đã thông qua dự luật tước bỏ quy chế tự trị cho Jammu và Kashmir. Bước đi này được cho là cần thiết để chấm dứt khủng bố và bảo đảm cho phát triển kinh tế trong khu vực. Ông Modi cho rằng, đây là “quyết định lịch sử”.
“Tôi tin rằng, chúng ta sẽ giải phóng bang Jammu và Kashmir khỏi chủ nghĩa khủng bố và li khai thông qua cơ chế quản lý mới”- Narendra Modi nhấn mạnh.
Thực tế là giới lãnh đạo Ấn Độ đã bắt đầu sửa đổi quy chế đặc biệt của bang Jammu và Kashmir giáp Pakistan- Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah cho biết vào ngày 5/8. Giới thiệu sắc lệnh của Tổng thống Ram Nath Kovind về việc bãi bỏ Điều 370 của hiến pháp tại Quốc hội, Amit Shah nói rằng, trong lãnh thổ của Jammu và Kashmir, bang duy nhất của Ấn Độ có người Hồi giáo cư trú "tất cả các điều khoản của hiến pháp sẽ được áp dụng".
Trước đó, không ai có thể nghi ngờ rằng sắc lệnh của Tổng thống Ram Nath Kovind lại không được Quốc hội Ấn Độ thông qua. Sau chiến thắng “long trời, lở đất” trong cuộc tổng tuyển cử vào mùa xuân vừa rồi, Đảng Bharatiya Janata cầm quyền đã nhận được đa số ghế trong Quốc hội để có thể ủng hộ các sáng kiến táo bạo nhất của Thủ tướng Narendra Modi.
Một trong những sáng kiến ấy là quyết định thay đổi vị thế của Jammu và Kashmir, khu vực sống tách biệt với phần còn lại của đất nước trong 7 thập kỷ độc lập của Ấn Độ và vẫn là khu vực “có nhiều vấn đề nhất”, có nhiều nhóm khủng bố, ly khai. Trước đây, hầu hết các quyết định được thông qua bởi chính quyền trung ương đều cần sự chấp thuận của hội đồng địa phương, nhưng bây giờ Jammu và Kashmir nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính quyền trung ương như các bang khác. Ngoài ra, sau khi thay đổi vị thế của Jammu và Kashmir, quyền mua đất ở Kashmir được trao cho tất cả công dân Ấn Độ chứ không chỉ là cư dân của bang này như trước đây.
Nói như Đại sứ Ấn Độ tại Nga Bala Venkatesh Varma thì quyết định tước bỏ quy chế tự trị của Jammu và Kashmir là một bước tiến lớn trên con đường hội nhập quốc gia, hướng tới cân bằng giữa Jammu và Kashmir với các khu vực khác, với phần còn lại của Ấn Độ.
Một tương lai bất ổn
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi giải thích tại sao phải tước bỏ quy chế tự trị của Jammu và Kashmir.
Ảnh: Reuters
Ngay sau khi Quốc hội Ấn Độ thông qua dự luật tước quy chế tự trị của Jammu và Kashmir, ngày 7/8, Islamabad quyết định trục xuất Đại sứ Ấn Độ tại Pakistan, hạ thấp mức độ quan hệ ngoại giao và đình chỉ thương mại song phương với Ấn Độ.
Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định: “Jammu và Kashmir bị Ấn Độ chiếm đóng vẫn là một lãnh thổ tranh chấp, được cộng đồng quốc tế công nhận... Là một trong những bên tham gia tranh chấp, Pakistan đang sử dụng mọi cách để chống lại những động thái phi pháp này”.
Phản ứng của Pakistan đồng nghĩa với việc Đại sứ Pakistan mới được bổ nhiệm sẽ vẫn ở nhà và Đại sứ Ấn Độ sẽ bị trục xuất khỏi Islamabad. Tại một cuộc họp do Thủ tướng Imran Khan chủ trì, Ủy ban An ninh Quốc gia Pakistan tuyên bố rằng nước này sẽ thực hiện các bước đi khác vì Ấn Độ đã đưa ra một “quyết định bất hợp pháp”- xóa bỏ quy chế đặc biệt của Kashmir.
Vẫn chưa biết những bước này là gì, nhưng trước đó, phát biểu tại một cuộc họp của lưỡng viện Quốc hội Pakistan, Thủ tướng Imran Khan cảnh báo rằng Ấn Độ có thể "thanh lọc sắc tộc đối với người Hồi giáo" và điều này sẽ kết thúc bằng chiến tranh.
Theo ông Imran Khan, kịch bản có thể xảy ra tương tự như vụ việc vào tháng Hai năm nay. Khi đó, một kẻ đánh bom tự sát từ một nhóm chiến binh có trụ sở tại Pakistan đã tấn công chiếc xe buýt chở 40 binh sĩ Ấn Độ. Nếu sự kiện tương tự xảy ra, người Ấn Độ sẽ đổ lỗi cho Pakistan một lần nữa, họ sẽ tấn công và Pakistan sẽ đáp trả. Không ai được hưởng lợi từ điều này – Thủ tướng Pakistan thừa nhận.
Trả lời phỏng vấn tờ “Nezavisimaya Gazeta”, ông Vinay Shukla- cố vấn của tạp chí “India Strategic” khẳng định: “Trong 70 năm tự trị không có bất cứ thay đổi tích cực nào ở Jammu và Kashmir. Không có sự hội nhập của bang này với phần còn lại của đất nước. Hiện tại, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào chương trình mà trung ương sẽ thực hiện ở Jammu và Kashmir. Phải mất một phép màu kinh tế để dập tắt một cuộc nổi loạn kéo dài trong nhiều năm”.
Giáo sư Sergei Lunev của MGIMO cho rằng, trước đó, đảng BDP đã hành xử khá hợp lý, không tuân thủ các yêu cầu của các lực lượng cực đoan Ấn Độ liên quan đến điều 370 của Hiến pháp. Chính vì vậy, nó mang lại lợi ích cho bang Jammu và Kashmir. Và bây giờ tình hình sẽ trầm trọng hơn cả ở Jammu và Kasshmir lẫn ở tiểu lục địa Nam Á. Như được cởi trói, Pakistan từ ngấm ngầm giúp đỡ các chiến binh ly khai, bây giờ sẽ làm điều đó một cách công khai. Va chạm trên các căn cứ ở vùng đệm giữa Ấn Độ và Pakistan là hoàn toàn có thể. Theo Sergei Lunev, quyết định về Kashmir của Ấn Độ sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp.
Theo các nhà phân tích, quyết định tước bỏ quy chế tự trị của Jammu và Kashmir của Ấn Độ là bước đi táo bạo nhằm ngăn chặn các hoạt động khủng bố và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Tuy nhiên, rất có thể quyết định này sẽ đấy Ấn Độ và Pakistan đến miệng hố chiến tranh.
Quy chế đặc biệt của Kashmir tồn tại trong nhiều thập kỷ, là kết quả của các thỏa thuận hết sức khó khăn, đạt được ngay sau khi Ấn Độ giành được độc lập vào tháng 8/1947. Khi đó, nhà lãnh đạo của Công quốc Jammu và Kashmir Maharaja Hari Singh đã ký một thỏa thuận về việc gia nhập Ấn Độ với một số quyền đặc biệt cho công quốc của ông. Tuy nhiên, ngay cả khi đó các bên đã thống nhất rằng quy chế đặc biệt của Jammu và Kashmir sẽ là "tạm thời" mà không xác định thời gian tồn tại.