Ẩn náu trên app hẹn hò

Vài tháng sau khi nhập học năm nhất, Zhang Lenian (18 tuổi) tải xuống ứng dụng hẹn hò. Tuy nhiên, thay vì tìm kiếm bạn trai, cô chỉ muốn có ai đó nói chuyện cùng.

Trường đại học của Zhang, nằm ở tỉnh An Huy (Trung Quốc), là một nơi khá vắng vẻ. Nhiều sự kiện của sinh viên bị hạn chế do quy định phòng, chống Covid-19 nghiêm ngặt.

Khi trò chuyện với các bạn cùng lớp, Zhang hiếm khi cảm thấy có thể nói ra suy nghĩ của mình. Khuôn viên trường nhỏ như một chiếc bể cá, nên thật dễ dàng vô tình xúc phạm ai đó bằng lời nói hoặc dòng trạng thái trên mạng xã hội.

“Bạn luôn có điều gì đó cần phải giấu giếm với người quen của mình”, Zhang nói với Sixth Tone.

Thế nhưng, cô cảm thấy như thể bước vào “vùng đất thuần khiết” khi dùng ứng dụng hẹn hò có tên Soul. Nền tảng giúp kết đôi những người dùng có sở thích, hoàn cảnh tương đồng, nhưng đồng thời che giấu danh tính của họ.

Zhang bắt đầu trò chuyện với một sinh viên năm nhất khác. Hai người nhanh chóng vui vẻ trao đổi với nhau về cuộc sống đại học, với nhiều lời phàn nàn dưới hình thức ẩn danh. Tại đây, cô có thể là chính mình.

 Các ứng dụng hẹn hò ẩn danh trở thành nơi giới trẻ Trung Quốc "ẩn mình" trên không gian Internet. Ảnh: CGTN.

Các ứng dụng hẹn hò ẩn danh trở thành nơi giới trẻ Trung Quốc "ẩn mình" trên không gian Internet. Ảnh: CGTN.

“Chúng tôi trò chuyện liên tục, chia sẻ khoảnh khắc vui vẻ và phàn nàn những điều mà cả hai không chấp nhận được. Chúng tôi thấy tự do và không bị kìm hãm bởi bất cứ điều gì”, cô chia sẻ.

Nhiều bạn cùng lớp của Zhang cũng đang làm điều tương tự tại những ứng dụng hẹn hò ẩn danh.

Bùng nổ

Những ứng dụng này lần đầu xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 2014. Kể từ đó, thị trường app mai mối ẩn danh bùng nổ. Tantan, một trong những ứng dụng lớn nhất, tuyên bố có hơn 300 triệu người dùng, gần 80% trong số đó là Gen Z.

Trong đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên hồi đầu năm 2020, các trường đại học đã áp dụng hình thức phong tỏa khuôn viên suốt nhiều tháng. Gần 2 năm sau, nhiều trường vẫn thực thi các hạn chế đi lại và giãn cách xã hội.

Đứng trước thực trạng này, cách phản ứng của sinh viên là chuyển cuộc sống xã hội của họ lên Internet.

Ứng dụng Soul ghi nhận số lượng người dùng hoạt động hàng ngày tăng vọt: từ 3,3 triệu người (năm 2019) lên 5,9 triệu người (năm 2020) và 9,3 triệu người vào tháng 3/2021.

Hơn 1/3 sinh viên đại học Trung Quốc hiện sử dụng ứng dụng ẩn danh, bao gồm các app hẹn hò và nền tảng kết nối người dùng dựa trên sở thích, theo kết quả khảo sát trên toàn quốc do China Youth Daily thực hiện vào năm ngoái.

 Do Covid-19, đời sống xã hội của người trẻ diễn ra chủ yếu trên mạng. Ảnh: People Visual.

Do Covid-19, đời sống xã hội của người trẻ diễn ra chủ yếu trên mạng. Ảnh: People Visual.

Tìm kiếm sự ẩn danh

Sự ẩn danh dường như có sức hấp dẫn đặc biệt đối với Gen Z Trung Quốc - một thế hệ hướng nội, chuộng online và tập trung vào quyền riêng tư nhiều hơn những thế hệ trước.

Trong cuộc khảo sát của China Youth Daily, gần 74% sinh viên sử dụng các ứng dụng xã hội ẩn danh cho biết các nền tảng giúp họ vượt qua sự nhút nhát và kết bạn mới.

Hơn 60% người dùng cho biết họ xem những ứng dụng này như một phương tiện để chia sẻ bí mật và thú nhận cá nhân đáng xấu hổ.

“Bạn cảm thấy an toàn hơn khi than thở trên một mạng xã hội ẩn danh, nơi không ai biết mình. Bạn không có quyền tự do đó trên những ứng dụng như WeChat”, Zhang nói.

 Những nền tảng mạng xã hội phổ biến khiến người trẻ Trung Quốc không cảm thấy thoải mái khi thể hiện mình. Ảnh: Siriwat Nakha/EyeEm/People Visual.

Những nền tảng mạng xã hội phổ biến khiến người trẻ Trung Quốc không cảm thấy thoải mái khi thể hiện mình. Ảnh: Siriwat Nakha/EyeEm/People Visual.

Sau khi trải qua tuổi thiếu niên học tập tại hệ thống giáo dục nghiêm ngặt của Trung Quốc, nhiều bạn trẻ cần thời gian để thích nghi với thế giới người trưởng thành, theo Duan Xinxing, giảng viên tại Đại học Mỏ và Công nghệ Trung Quốc, người giảng dạy khóa học về tâm lý tình yêu và các mối quan hệ.

“Đối với hầu hết sinh viên đại học, sự ẩn danh trên Internet cho phép họ thể hiện bản thân, giải phóng những cảm xúc bị dồn nén và trút bỏ nỗi niềm tiêu cực. Họ sẽ được là chính mình nhiều hơn trong thế giới trực tuyến: thoải mái và tự do”, giảng viên Duan chia sẻ với truyền thông địa phương hồi tháng 11/2021.

Thay thế giao tiếp ngoài đời

Trong một số trường hợp, giới trẻ Trung Quốc hoàn toàn hạnh phúc khi ở trong thế giới ảo. Ứng dụng mai mối không dùng để chuẩn bị cho những cuộc giao tiếp ngoài đời, mà thay thế hẳn nó.

“Ngày càng nhiều người thuộc thế hệ Millennials, những bạn trẻ lớn lên trong thời đại công nghệ, coi mình là nạn nhân của chứng ‘ám ảnh xã hội’. Họ thích sống đơn độc và tự cách ly với môi trường sống vật chất xung quanh”, Wang Shuixiong, giảng viên xã hội học tại Đại học Renmin của Trung Quốc, nói với People’s Daily hồi tháng 4/2021.

Nhiều người trẻ Trung Quốc công khai thừa nhận rằng họ thường tránh giao tiếp mặt đối mặt khi có thể. Trong một nghiên cứu năm 2020 của China Youth Daily và Học viện Khoa học Trung Quốc, hơn 40% người dùng trên ứng dụng Tantan có mức độ mắc chứng ám ảnh xã hội khác nhau.

Sun Ping, trợ lý nghiên cứu tại Viện Báo chí và Truyền thông của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết trên không gian trực tuyến, người trẻ có quyền kiểm soát tốt hơn.

Đối với Alex Liu (30 tuổi, Thượng Hải), anh có thể chỉ cần trò chuyện với những người chung niềm đam mê sưu tập những món đồ đặc biệt, chẳng hạn như quân phục.

Nếu đăng tải sở thích cá nhân trên WeChat, bài viết có lẽ sẽ chỉ nhận được những bình luận gọi anh là zhai nan - thuật ngữ dùng để chỉ người đàn ông mọt sách ám ảnh với sở thích sưu tầm món đồ kỳ lạ đến mức không màng thứ khác.

 Nhiều người lớn lên trong thời đại công nghệ coi mình là nạn nhân của chứng ‘ám ảnh xã hội’. Ảnh: Alex Plaveski/EPA-EFE/Shutterstock.

Nhiều người lớn lên trong thời đại công nghệ coi mình là nạn nhân của chứng ‘ám ảnh xã hội’. Ảnh: Alex Plaveski/EPA-EFE/Shutterstock.

Nhưng trên ứng dụng Soul, mọi thứ sẽ rất khác biệt.

“Một lần, tôi đăng bức ảnh về bộ sưu tập trang phục quân sự của mình và lập tức nhận được vài bình luận mang tính góp ý tích cực. Có những người còn nhận ra đâu là áo của quân đội Đức”, anh kể lại.

“Tôi và những người lạ mặt ấy trở nên thân thiết lập tức. Phải thừa nhận rằng tôi chưa từng thấy kiểu kết nối này ngoài đời thực”, anh nói thêm.

Mặt tối

Thế nhưng, ứng dụng ẩn danh nào cũng có mặt tối. Những nền tảng này đã tạo điều kiện cho tin giả, quấy rối, ngôn từ kích động thù địch và đe dọa giết người.

Hơn 50% người trả lời khảo sát của China Youth Daily mô tả các ứng dụng xã hội ẩn danh là điểm nóng của tin giả và phát ngôn không phù hợp. Hơn 54% cho biết họ lo lắng về việc bị nhắm làm mục tiêu của các trò lừa tiền.

Mặt khác, gần 65% cho rằng không thể biết người dùng chịu trách nhiệm về hành động của họ trên ứng dụng.

 Sự ẩn danh đồng thời đem lại nhiều mặt tiêu cực không mong muốn. Ảnh: AFP.

Sự ẩn danh đồng thời đem lại nhiều mặt tiêu cực không mong muốn. Ảnh: AFP.

Xu Yunlei, một sinh viên đại học, cảm thấy tức giận trước hành vi của một số người dùng. Một lần, cô kết đôi với người lạ thông qua ứng dụng mai mối. Một ngày trước khi cuộc hẹn hò diễn ra, đối phương nhắn cho cô một tin đe dọa: “Nếu không xuất hiện, tôi sẽ gửi tới cô 1.000 thiết bị nổ tự chế”.

Một số sinh viên nữ khác cũng phàn nàn về việc nhiều người dùng nam giới liên tục nhắn tin quấy rối, gạ tình họ.

Ngay cả Zhang, sinh viên đại học ở tỉnh An Huy, cho rằng Soul không đáng để cô vướng vào rắc rối. Cô xem nhiều câu chuyện trên truyền hình về những trò lừa đảo trên các nền tảng ẩn danh gây ảnh hưởng đến người dùng.

Khi cuộc sống dần trở nên bận rộn hơn vào cuối năm nhất, nữ sinh quyết định xóa ứng dụng.

“Tôi có những người bạn ngoài đời thực là đủ rồi”, Zhang nói.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/an-nau-tren-app-hen-ho-post1288607.html