Ăn nói có thép

Đã chắc là con thép tính cha,Thế tình âu cũng dạy qua loa.Câu thơ này của cụ Trần Đỉnh Ngọc người Hưng Yên, làm Giáo thọ dưới thời vua Tự Đức, nhà văn hóa Phan Khôi chép lại trong 'Chương Dân thi thoại' (1936). Thơ hay nhưng liệu người đọc có hiểu? Nói như thế, vì chúng ta giải thích thế nào về từ 'thép'.

Tương tự, trong vở tuồng cải lương “Hạng Võ biệt Ngu Cơ” (1927), nhà văn Trần Phong Sắc viết:

Ăn cơm thép chẳng hổ mình chịu dở,

Uốn lưỡi gươm không sợ chúng cười ngây.

“Làm việc quan có thép”, ảnh tư liệu.

“Làm việc quan có thép”, ảnh tư liệu.

Có nhiều từ trong tiếng Việt, qua thời gian sàng lọc đã không còn tung hoành ngang dọc, không còn phổ biến trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, chỉ lưu lại trong ca dao, tục ngữ, các áng văn chương. Ta gọi là từ Việt cổ, dù chưa chắc nó xuất hiện sớm nhất trong tiếng Việt nhưng đã mất đi trong thời đại @ này; hoặc xuất hiện nhưng đã mang nghĩa khác.

Thế nào là thép?

“Từ điển Việt-Bồ-La” (1651) giải thích: “Được nuôi dưỡng bằng của bố thí hay dư thừa của người khác”. Mãi đến sau vào thế kỷ XX, từ “thép” hiểu theo nghĩa này vẫn còn sử dụng, bằng chứng là vào thập niên 1970, nhà văn Vũ Bằng có viết bài báo "Hồ Dzếnh: Nhà thơ độc đáo địu con đi xin bú thép khắp Khu Tư", có đoạn: “Cái con gà sống tên là Hồ Dzếnh đành là phải cứ địu con đi như thế hết ngày này sang ngày khác để xin các bà, các cô thương lấy đứa trẻ bơ vơ cho bú thép. Thú thực ngày ấy tôi chưa biết nghĩa chữ chũ bú thép là gì. Chúng tôi gọi như thế là bú nhờ, bú khín và phải đợi mãi đến lúc vào đây, tôi mới hiểu chữ bú thép, sau khi nghe thấy các bà mẹ ru con và những cô bé ru em, vừa đưa võng vừa ru:

Em tôi khát sữa bú tay

Ai cho bú thép ngày rày mang ơn”.

Bú thép là bú nhờ, ăn thép là ăn nhờ, nói thép là nhờ người khác nói giúp v.v… Thép còn hàm nghĩa nhờ, giúp, nhân tiện mà nhờ vào. Đúng như tác giả “Miếng ngon Hà Nội” đã viết bú thép là bú khín. Mà bú, còn gọi là nút. Nghe lạ tai quá phải không? Không đâu, thi sĩ Bích Khê khi nhìn thấy “kỳ quan” của người phụ nữ mà Hồ Xuân Hương đã khắc họa ấn tượng “Ðôi gò bồng đảo sương còn ngậm” đã thốt lên thành thật:

Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng

Ôi lồ lộ một tòa hoa nghiêm động

Mà nút còn là từ dùng để chỉ vật đóng kín miệng chai; là cúc áo/ khuy áo: “Áo đen năm nút viền bâu/ Bậu về xứ bậu biết đâu mà tìm”; thêm câu này cũng tình tứ không kém: “Năm ngoái em còn e còn ngại/ Năm nay em kêu đại bằng mình/ Áo bà ba nút ốc chung tình ai may?”. Nút ốc là nút làm bằng ốc xà cừ.

Nút còn là chỗ giao nhau của nhiều ngã đường, chẳng hạn “nút giao thông”; là chỉ bầy, đàn, nhóm, lũ - như một người bảo: “Các em đừng chơi dại, có ngày chết cả nút”; là gút, nối/ buộc hai đầu dây lại… Dân cờ bạc thường hay nói câu: “Chín nút còn thua ba tây”, có thể nôm na, nút ở đây là quy ước về đơn vị đếm lúc chơi bài, cao nhất là chín nút, vậy trên 9 là 10, là chẵn chục? Không, gọi là “bù”. Rắc rối thiệt.

Trở lại với từ thép, ta biết thép còn là từ chỉ “Hợp kim của sắt với các-bon và một số nguyên tố khác trong đó hàm lượng các-bon dưới 2%” - “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) giải thích. Về tên gọi, ta biết có thép già (thép tốt), thép non (thép xấu), nếu thép quá lửa không dùng được gọi… thép thúi. Gọi chi mà kỳ cục vậy trời? Rồi liên quan đến thép, có câu đối:

Miệng nhà quan có gang, có thép;

Đồ kẻ khó vừa nhọ, vừa thâm.

Đã vận dụng được tục ngữ đối với tục ngữ, chỉnh về luật bằng trắc. Tuy nhiên, nếu gang/ thép là danh từ cùng loại thì nhọ/ thâm là hình dung từ chỉ sắc thái, rõ ràng chưa xứng lắm. Nói cách khác là không chỉnh (dân trong nghề gọi xược) vì theo phép làm câu đối thì danh từ phải đối với danh từ, hình dung từ phải đối với hình dung từ, động từ phải đối với động từ v.v… Thế nhưng tại sao nó vẫn được truyền tụng, nhiều người khen độc đáo?

Vậy “nhãn tự” của vế đối này nằm ở đâu?

Trước khi trả lời, ta hãy lan man qua giai thoại giữa hai bậc văn nhân tài tử trong văn chương nước nhà là cụ Tam nguyên Yên Đổ và Chu Mạnh Trinh. Tham dự cuộc thi thơ vịnh “Truyện Kiều”, Chu tiên sinh bình về Mã Giám Sinh:

Làng nho người cũng coi ra vẻ,

Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay.

Những người xuất thân từ cửa Khổng sân Trình (làng nho) lại bị đem đối với bọn ba que xỏ lá, đá cá lăn dưa, ba trợn ba trạo (bợm xỏ) lại thật éo le, mỉa mai quá đi mất! Vì thế, khi chấm bài, cụ Nguyễn Khuyến bực dọc phê ngay:

Rằng hay thì thực là hay

Đem "nho" đối "xỏ" lão này không ưa

Ở câu đối “Miệng nhà quan/ Đồ kẻ khó”, hồn vía của nó gói gọn trong 2 từ “miệng/ đồ”. Ai đời lại đem cái miệng nhà quan đối với “cái ấy” của người phụ nữ? Đểu quá. Từ trường hợp này, ta lại nhớ đến sự so sánh trong dân gian “Miệng quan, trôn trẻ” - hai vế tiểu đối cũng độc địa không kém. Câu này, “Từ điển thành ngữ Việt Nam” của Viện Ngôn ngữ học (1994) giải thích: “Tùy tiện, đúng sai bất chấp, hay tráo trở, không đáng tin cậy trong lời nói, miệng lưỡi của bọn có quyền thế trong xã hội cũ, ví như việc vệ sinh, bài tiết của con trẻ loẹt xoẹt suốt ngày”. Ủa, chỉ là “miệng lưỡi của bọn có quyền thế trong xã hội cũ thôi sao”?

Từ các dẫn chứng này, ta có thể gật gù: Hóa ra, “đòn ngầm” của cách chơi câu đối còn là đem chữ gì đối với chữ gì khiến cho đối phương cứng lưỡi, không thể cựa quậy cãi chày cãi cối gì được nữa, dù đau như hoạn.

Thép còn có nhiều nghĩa khác, chẳng hạn “thơ văn có thép”, ta hiểu là nội dung phải tràn trề, sức sống, mãnh liệt trái ngược với loại “than mây khó gió” ẻo lả, bạc nhược, bi quan, không đánh mà đau, không sầu mà khóc, sụt sùi giọt sầu lệ thảm... Ăn nói đanh thép là chỉ những ai diễn đạt chặt chẽ, lập luận thuyết phục, chứng cứ xác đáng, khó có thể bắt bẽ. “Từ điển Việt-Hoa-Pháp” của Gustave Hue (1937) còn ghi nhận “đôi mắt thép” (deux yeux durs), có phải cụm từ này dùng để chỉ những ai có cái nhìn cương nghị, sáng quắc, trực tính, nhìn thấu tâm can người đối diện? Nói nôm na như cách diễn đạt hiện nay là… “con mắt mang hình viên đạn”?

Vào những năm đầu thế kỷ XX, khi người Pháp xâm lược nước Nam thì mới xuất hiện từ “dây thép”. Thi nhân khét tiếng hay chữ của miền Nam là ông Tôn Thọ Tường đã vận dụng đưa vào thơ thất ngôn bát cú:

Chớp nhoáng thẳng bon dây thép kéo,

Mây tuôn đen kịt khói tàu bay.

Xin lưu ý, “khói tàu bay” là khói tàu thủy, tàu chạy dưới sông không dây mơ rễ má gì với khói tàu bay trên bầu trời. Còn “dây thép” được hiểu là tin tức được gửi đi bằng đường điện tức điện tín. Thiết nghĩ, tham khảo thêm cách giải thích của nhà nghiên cứu Nam Kiên Bùi Thanh Kiên cũng không thừa: “Hình thức chuyển tin tức bằng tín hiệu Morse. Nơi nhận sẽ căn cứ vào nội dung ghi bằng các dấu chấm, gạch để giải mã và ghi lại bằng chữ. Ngày xưa ngoài việc viết, người ta dùng điện tín để thông báo tin tức. Chỉ có nhân viên bưu điện sử dụng máy móc chuyên ngành cồng kềnh mới làm được việc này. Do đó, nhà bưu điện ngày xưa gọi là nhà dây thép” theo “Phương ngữ Nam Bộ” - NXB Hội Nhà văn (2015). Vâng, nay nhà dây thép cũng hoàn toàn biến mất, còn chăng là trong ca dao:

Hôm qua dạo phố cầm khăn

Cầm được đồng bạc để dành cưới em

Ba hào anh để mua tem

Gửi nhà dây thép mời anh em xa gần

Có điều thú vị, đôi khi người ta dùng “dây thép lạt dừa” nữa đấy! Cụm từ này xuất hiện ở miền Nam là tiếng lóng, cách nói khôi hài nhằm chỉ tin đồn, tin truyền miệng, chưa chắc chính xác, thậm chí còn vẽ rắn thêm chân, thêm mắm thêm muối cho tăng phần ly kỳ, hấp dẫn... Và nay nó đã thay thế bằng tin “thông tấn xã vỉa hè” nhại từ tin thông tấn xã nhà nước vốn là bản tin chính thức, đáng tin cậy.

Với câu thơ “Đã chắc là con thép tính cha” của cụ Trần Đỉnh Ngọc, có thể áp dụng các nghĩa vừa nêu về từ thép để giải thích không? Dám thưa rằng không. Thép ở đây phải hiểu theo nghĩa bóng mà “Việt Nam tự điển” (1931) cho biết: “Tinh luyện, thành thuộc”. Ấy cũng là cách giúp ta hiểu “thép” còn là từ dùng để chỉ sự chắc chắn, đâu ra đó, chớ hòng du di, chệch choạch như đã thể hiện qua các câu tục ngữ như “Làm việc quan có thép”, “Ăn nói có thép”… Câu thơ trên là khẳng định người con đã biết rõ cá tính, tính cách của người cha.

Bấy giờ, nhìn vào nhân tình thế thái (thế tình), người cha có đôi lời dạy con, cũng là lúc nói lên suy nghĩ của mình. Thiết tưởng cũng cần chép lại để thấy lời hay lẽ phải không bao giờ lỗi thời:

Đã chắc là con thép tính cha,

Thế tình âu cũng dạy qua loa.

Ngoài năm ba quyển còn nhiều việc,

Trong ức muôn người nhẽ thiếu ta?

Chưa mở trí khôn đừng giở dại,

Muốn xong việc nước phải êm nhà.

Năm châu rộng rãi đường bằng phẳng,

Trăm tuổi lai nhai hẳn chửa gì.

Ông Phan Khôi nhận xét: “Bài ‘Dạy con’ kỳ vọng cho con một cách rất cao thượng. Bạn thanh niên chúng ta nên học thuộc lấy để làm những bài tự châm”. Tự châm là tự răn, tự khuyên lấy mình.

Lê Minh Quốc

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/an-noi-co-thep-i747070/