An Phú phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
An Phú là huyện đầu nguồn của An Giang, với 11 xã và 3 thị trấn. Toàn huyện An Phú có 40.767 hộ gia đình với 148.888 nhân khẩu, trong đó có 2.363 hộ dân tộc thiểu số (DTTS) với 17.482 nhân khẩu, chiếm 11,9% dân số của huyện. Công tác chăm lo, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS Chăm thời gian qua thu được nhiều kết quả tích cực.
Các địa bàn có đồng bào DTTS Chăm sinh sống trên địa bàn huyện An Phú là: Ấp Hà Bao 2 (xã Đa Phước), ấp La Ma (xã Vĩnh Trường), ấp Đồng Ky (xã Quốc Thái), ấp Bình Di (xã Khánh Bình), ấp Búng Lớn (xã Nhơn Hội). Huyện có 8 xã, thị trấn biên giới (Khánh Bình, Khánh An, Phú Hữu, Quốc Thái, Nhơn Hội, Phú Hội, Vĩnh Hội Đông, Long Bình), có 2 ấp đặc biệt khó khăn là ấp Búng Lớn (xã Nhơn Hội) và ấp La Ma (xã Vĩnh Trường).
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 là chủ trương đúng đắn, nhằm phát triển KTXH địa phương và tập trung được nguồn lực, khắc phục sự dàn trải, tạo điều kiện chăm lo vùng đồng bào DTTS Chăm trên địa bàn huyện được tốt hơn. Công tác quản lý, điều hành, triển khai chương trình được thực hiện thống nhất, đồng bộ từ huyện đến xã. Bộ máy quản lý được kiện toàn, hoạt động đi vào nền nếp, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.
Trong đó, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh; Nghị quyết 09/NQ-HĐND, ngày 31/10/2022 của HĐND huyện phê chuẩn Kế hoạch phân khai chi tiết danh mục và vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện.
Thực hiện Quyết định 2397/QĐ-UBND, ngày 30/9/2022 về phân bổ chi tiết nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2022 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn 1, từ năm 2021 - 2025), tổng nguồn vốn thực hiện trong năm 2022 trên địa bàn huyện An Phú 699 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 635 triệu đồng, ngân sách địa phương (tỉnh đối ứng 10%) là 64 triệu đồng.
Huyện triển khai các dự án: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở; hỗ trợ mua sắm máy móc, công cụ, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các ngành nghề khác; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS… Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Phú tổ chức giải ngân cho 12 hộ nghèo chuyển đổi nghề (7 hộ ở ấp Búng Lớn; 5 hộ ở ấp La Ma), tổng kinh phí 400 triệu đồng.
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện An Phú hơn 4,92 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hơn 4,47 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 448 triệu đồng), gồm các dự án: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở (tổng vốn thực hiện gần 2,39 tỷ đồng); đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng DTTS trên địa bàn huyện (hơn 2,53 tỷ đồng).
Cùng với đó là nâng cấp, mở rộng lộ giao thông nông thôn xã Vĩnh Trường (đoạn ấp La Ma), quy mô 1.000m, tổng kinh phí thực hiện gần 1,27 tỷ đồng; nâng cấp sân Trường Tiểu học “B” Nhơn Hội (xã Nhơn Hội), quy mô 128m2, tổng kinh phí thực hiện 266 triệu đồng; nâng cấp, mở rộng lộ giao thông nông thôn xã Nhơn Hội (đoạn từ cầu C3 đến giáp ranh xã Quốc Thái), dài 1,3km, tổng kinh phí thực hiện hơn 1 tỷ đồng…
Huyện An Phú sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực hợp pháp, kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp, kết hợp các nguồn lực phát triển KTXH, các chương trình, chính sách trên địa bàn để thực hiện đầu tư hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện; biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những mô hình mới, cách làm hiệu quả.
Toàn huyện An Phú có 6 điểm dạy tiếng Chăm, với 32 phòng học; có 995 người tham gia học và 40 người tham gia giảng dạy. Huyện An Phú mong muốn tỉnh có chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí đối với số người tham gia dạy học tiếng DTTS; hỗ trợ bàn, ghế trang bị cho các điểm dạy học tiếng DTTS…