Lâm Đồng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Trong những năm qua, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi ở tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều cải thiện rõ rệt, đặc biệt là trong việc ổn định nơi ở và phát triển sinh kế. Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình) hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề, giúp đồng bào dân tộc ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế bền vững.

Lâm Đồng hỗ trợ nhà ở cho các hộ DTTS (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam)

Lâm Đồng hỗ trợ nhà ở cho các hộ DTTS (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam)

Ngày 8/4/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch số 2718/KH-UBND về thực hiện Chương trình năm 2024 trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu giải quyết cơ bản việc hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt tập trung, nước sinh hoạt phân tán, chuyển đổi nghề cho các đối tượng thuộc Chương trình.

Để thực hiện những mục tiêu trên, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính và các chủ đầu tư dự án, tiểu dự án thành phần cấp tỉnh và UBND các huyện rà soát, triển khai thực hiện Chương trình theo quy định tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu trong năm 2024 thực hiện hỗ trợ: nhà ở cho 301 hộ; nước sinh hoạt tập trung 08 công trình/406 hộ; nước sinh hoạt phân tán cho 706 hộ; chuyển đổi nghề cho 1.574 hộ, cụ thể: hỗ trợ nhà ở cho 26 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 2 hộ ở huyện Cát Tiên; hỗ trợ nhà ở cho 9 hộ, 2 công trình nước sinh hoạt tập trung và chuyển đổi nghề cho 12 hộ ở huyện Đạ Huoai; hỗ trợ nhà ở cho 10 hộ, 1 công trình nước sinh hoạt tập trung, nước sinh hoạt phân tán cho 4 hộ và chuyển đổi nghề cho 45 hộ ở huyện Đạ Tẻh; hỗ trợ nhà ở cho 20 hộ, 1 công trình nước sinh hoạt tập trung, nước sinh hoạt phân tán cho 138 hộ và chuyển đổi nghề cho 100 hộ ở huyện Bảo Lâm; hỗ trợ nhà ở cho 40 hộ, 2 công trình nước sinh hoạt tập trung và chuyển đổi nghề cho 300 hộ ở huyện Di Linh; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 64 hộ và chuyển đổi nghề cho 126 hộ ở huyện Đức Trọng; hỗ trợ nhà ở cho 97 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 250 hộ và chuyển đổi nghề cho 108 hộ ở huyện Lâm Hà; hỗ trợ nhà ở cho 60 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 104 hộ và chuyển đổi nghề cho 103 hộ ở huyện Đam Rông; hỗ trợ 1 công trình nước sinh hoạt tập trung ở huyện Đơn Dương; hỗ trợ nhà ở cho 39 hộ, 1 công trình nước sinh hoạt tập trung và chuyển đổi nghề cho 152 hộ ở huyện Lạc Dương.

Trong quá trình thực hiện Dự án 1, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và huy động sự tham gia của người dân vào các hoạt động hỗ trợ, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của chương trình. Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp với các ban ngành để tuyên truyền và vận động, giúp người dân hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia chương trình, đồng thời phản ánh kịp thời các ý kiến, nguyện vọng của đồng bào nhằm điều chỉnh các chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Theo Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng về tình hình thực hiện công tác dân tộc trong 9 tháng đầu năm, tổng nguồn vốn bố trí thực hiện Chương trình năm 2024 trên địa bàn tỉnh là 268.528 triệu đồng. Kinh phí này được phân bổ theo Quyết định số 2471/QĐ-UBND ngày 11/12/2023 và Quyết định số 2571/QĐ-UBND ngày 22/12/2023 của UBND tỉnh, bao gồm vốn sự nghiệp 100.094 triệu đồng (trong đó, ngân sách Trung ương là 87.038 triệu đồng và ngân sách tỉnh đối ứng là 13.056 triệu đồng), vốn đầu tư 168.434 triệu đồng (với 146.464 triệu đồng từ ngân sách Trung ương và 21.970 triệu đồng từ ngân sách tỉnh đối ứng), cùng với 20.000 triệu đồng vốn tín dụng ưu đãi.

Trong đó, Dự án 1 đã được phân bổ tổng cộng 31.567 triệu đồng. Cụ thể, ngân sách Trung ương cấp 27.449 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư là 14.652 triệu đồng và vốn sự nghiệp là 12.797 triệu đồng. Ngân sách địa phương đối ứng 4.118 triệu đồng, bao gồm 2.198 triệu đồng cho vốn đầu tư và 1.920 triệu đồng cho vốn sự nghiệp. Ngoài ra, dự án còn được hỗ trợ 20.000 triệu đồng vốn tín dụng ưu đãi.

Về kết quả giải ngân, vốn đầu tư đã giải ngân được 8.138 triệu đồng, đạt tỷ lệ 48,29%, trong khi vốn sự nghiệp giải ngân 1.445 triệu đồng, tương ứng với tỷ lệ 9,8%.

Theo báo cáo tại Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 của huyện Lâm Hà, huyện đã triển khai Chương trình nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho 29 hộ DTTS, trong đóNgân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực hiện cho vay hơn 1 tỷ đồng cho 26 hộ.

Ngoài việc hỗ trợ nhà ở, huyện cũng đang hoàn thiện một công trình nước sinh hoạt tập trung, đạt 90% tiến độ. Huyện đã nỗ lực sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đảm bảo các dự án được tập trung vào trọng tâm, trọng điểm và không dàn trải.

Huyện Lâm Hà cũng chú trọng đến việc phát huy hiệu quả của các chương trình và dự án, đồng thời hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS được đẩy mạnh. Huyện cũng chú ý đến việc bố trí đất sản xuất, đất ở và cung cấp nước sạch theo đúng các chính sách của nhà nước.

Huyện Di Linh đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 1 hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo là người DTTS từ nguồn vốn của Chương trình. Dự án được thực hiện tại 5 xã: Đinh Trang Thượng, Gung Ré, Đinh Trang Hòa, Bảo Thuận và Tân Nghĩa, nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở và đất sản xuất cho bà con.

Để nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, huyện Di Linh đã được phê duyệt một điểm định canh, định cư tập trung tại Khu dân cư R’Hàng Plồi, thôn Hàng Làng, xã Gung Ré. Khu vực này có tổng diện tích 20 ha, dự kiến sẽ phục vụ cho 87 hộ với tổng số 435 nhân khẩu. Việc xây dựng điểm định cư này không chỉ giúp giải quyết vấn đề về chỗ ở mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống.

Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ Chương trình tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai Dự án 1, đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, đồng thời điều chỉnh các văn bản hướng dẫn từ Trung ương để tạo thuận lợi cho địa phương. Bên cạnh đó, đôn đốc các địa phương nhanh chóng giải ngân nguồn vốn trong năm 2023 và 2024. Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng tăng cường công tác cơ sở để nắm tình hình đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ.

Hồng Nhung

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/lam-dong-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-58988.html