An toàn thực phẩm: Canh cánh mối lo 'rau hai luống, lợn hai chuồng'
Trong 5 tháng đầu năm 2019 lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 3.256 vụ, xử lý 2.103 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,1 tỷ đồng.
Cùng với vấn nạn hàng giả thì An toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng hổi được toàn xã hội quan tâm.
Thống kê cho thấy số vụ vi phạm về thực phẩm bẩn bị phát hiện và xử lý ở mức cao đã gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh trong nước.
Đây cũng là nội dung chính tại Hội thảo "ngành Công Thương bảo đảm công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/7 tại Hà Nội.
Ẩn họa từ thực phẩm bẩn
Hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định rất rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tiêu dùng khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, quyền này của Người tiêu dùng đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng nêu thực tế, ngay từ khâu sản xuất, tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật hay chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, thuốc kháng sinh ngoài danh mục đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/CP và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Thông tư số 54 quy định việc kiểm tra, giám sát các chất thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi, nhưng việc sử dụng chất cấm này vẫn diễn ra.
Trong khi đó, đối với hàng nhập khẩu, các vụ nổi cộm như sữa nhiễm melamine, thực phẩm chức năng giả, thạch rau câu có chứa chất DEHP…cũng là những bức xúc được ông Hùng nêu lên. Một số vụ vi phạm đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, khiến nhiều người tiêu dùng phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm.
“Đây thực sự trở thành vấn nạn, gây hoang mang trong xã hội và ảnh hưởng sức khỏe Người tiêu dùng,” ông Hùng nói.
Trong khi đó, ông Lữ Minh Thư, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa lại lo ngại khi nhắc đến tình trạng "rau hai luống, lợn hai chuồng" gây lo ngại trong dư luận.
Ông cho rằng, thực phẩm đưa ra thị trường cần kiểm soát nguồn gốc xuất xứ cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại hội nghị, báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường cũng đề cập đến tình trạng thực phẩm hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng được các đối tượng tẩy xóa, sửa... vẫn diễn ra.
Đáng chú ý, việc sử dụng hóa chất để chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn, dùng kháng sinh cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng.
Ước tính trong 5 tháng đầu năm 2019 lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 3.256 vụ, xử lý 2.103 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,1 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 9,6 tỷ đồng.
Số vụ việc xử lý về An toàn thực phẩm của lực lượng Quản lý thị trường trong 5 tháng đầu năm 2019:
Thực phẩm sạch phải được kiểm soát theo chuỗi
Chia sẻ ý kiến, bà Phạm Thị Vĩnh Hà, cán bộ Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm thì tất cả các khâu trong chuỗi (từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, đến sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng) đều phải đạt vệ sinh và an toàn.
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm cần sự vào cuộc đồng bộ, từ chính quyền, đoàn thể đến các nhà khoa học, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và cả người tiêu dùng
Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Saigon Co.op cho biết, các sản phẩm an toàn phải được kiểm soát tốt từ sản xuất đến lưu thông, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, không tồn dư hóa chất cấm sử dụng, hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng.
Ngoài ra, các yêu cầu quy định về phương tiện, nhiệt độ, cách thức chất xếp, bảo quản,... khi nhà cung cấp vận chuyển hàng hóa đến các điểm phân phối của siêu thị cũng phải được tuân thủ.
Thực tế cho thấy, việc Nhà nước ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn thực phẩm đã nâng cao vai trò quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò của Ủy ban Nhân dân các cấp. Cùng với đó, kiến thức, sự hiểu biết của người dân về vấn đề bảo đảm sức khỏe cũng được nâng lên.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, đến nay Bộ Công Thương đã tổ chức hơn 150 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho hàng nghìn chủ cơ sở và người lao động của cơ sở kinh doanh thực phẩm, cán bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, ban quản lý và hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ.
Tuy vậy, bà cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm cần nâng cao tính tự chủ và chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp mình, đồng thời thực hiện các hoạt động truyền thông xây dựng thương hiệu nhằm khẳng định sự uy tín của sản phẩm và phát triển thị trường một cách bền vững, chinh phục người tiêu dùng.
“Các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đáp ứng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến như GMP, VietGap, HACCP, ISO… nhằm tạo nguồn cung bảo đảm an toàn thực phẩm ra thị trường tiêu thụ,” đại diện Vụ thị trường trong nước khuyến nghị./.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước nói về an toàn thực phẩm: