Giúp người trở về tạo lập cuộc sống mới
Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 gồm 8 chương và 65 điều, dự kiến thông qua vào ngày 28/11 tới đây. Qua 2 kỳ thảo luận, dự án luật được các đại biểu Quốc hội và người dân đánh giá cao bởi khi ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Cần chính sách thỏa đáng cho những người trở về
Từng gặp nhiều nạn nhân bị mua bán trở về, điều tôi dễ nhận thấy ở họ đó là sự thiếu tự tin, mặc cảm, thậm chí sang chấn tâm lý, hoảng loạn sau những gì họ trải qua nơi đất khách, quê người. Nhiều người trong số họ còn mắc mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh mãn tính. Một số trẻ em trở về cùng mẹ không có giấy khai sinh, một số mang thai. Một số nạn nhân trở về không còn hộ khẩu, đang học phổ thông dở dang, có nạn nhân bị thương, không có việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp (78,5% làm nông nghiệp); thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, thiếu kỹ năng sống, thiếu kiến thức đi làm ăn xa an toàn...
Như người phụ nữ 40 tuổi ở Bắc Giang mà tôi gặp, chị bị mua bán từ khi mới 13 tuổi, sau 27 năm lưu lạc nơi đất khách quê người, trải qua 2 đời chồng, 3 đứa con, trong đó có 1 cháu bị lừa bán từ nhỏ, hiện không tìm thấy, từng mắc tâm thần bởi bị tra tấn cả thể xác lẫn tinh thần. Sau 27 năm trở về, chị không biết chữ, khả năng nói tiếng mẹ đẻ cũng hạn chế. Vì vậy, chị rất cần sự hỗ trợ của gia đình, của Nhà nước để bắt đầu cuộc sống mới.
Chị chỉ là một trong hàng vạn nạn nhân của tội phạm mua bán người trong những năm qua. Khi trở về, cũng như những người khác, chị mong muốn được hỗ trợ tâm lý, văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu. Mặc dù được Công an tỉnh Bắc Giang và các ban, ngành, đoàn thể gặp gỡ, động viên, hỗ trợ về pháp lý nhưng về kinh tế, theo quy định, gia đình chị không còn là hộ nghèo nên không thuộc diện được xem xét, vì vậy, việc hòa nhập của chị gặp nhiều khó khăn.
Từng đến Nhà bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển quản lý cũng là nơi giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về, tôi hiểu phần nào khó khăn về tâm lý, sức khỏe, kinh tế của họ, đặc biệt là về tâm lý bởi đa số các nạn nhân trở về không muốn công khai hoàn cảnh và quá khứ của mình. Cũng vì vậy, họ không được tiếp cận các chính sách hỗ trợ (chỉ dành cho hộ nghèo), chưa kể để thực hiện được các chính sách này trong thực tế còn rất hạn chế, thiếu đồng bộ (đi học nghề mang hóa đơn/biên nhận về thanh toán); chưa có chính sách về nơi ở, việc làm, hỗ trợ tâm lý, chăm sóc sức khỏe ngay tại cộng đồng cho nhóm đối tượng này, đặc biệt là nhóm đối tượng tự trở về; thiếu quá trình đánh giá mức độ an toàn tại cộng đồng, gia đình (sự kỳ thị, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương) khiến nhiều phụ nữ, trẻ em phải bỏ đi nơi khác sinh sống, có nguy cơ bị tái mua bán.
Bên cạnh đó, hoạt động dạy nghề, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho nạn nhân gặp khó khăn do trình độ văn hóa của nạn nhân thấp, nhiều trường hợp không đáp ứng được yêu cầu học nghề. Nhiều nạn nhân bị mua bán trở về còn trong độ tuổi vị thành niên, khó tiếp cận được chương trình hỗ trợ học nghề và vốn sản xuất do nghị định quy định nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được miễn học phí và hỗ trợ chi phí theo quy định của pháp luật. Nhiều người đã không làm đơn xin xác nhận hộ nghèo bởi lo sợ sự kỳ thị của cộng đồng nên không có cơ hội tiếp cận dịch vụ này... Kể cả những người thuộc diện hộ nghèo thì mức chi hỗ trợ khó khăn ban đầu cho nạn nhân còn thấp, chưa đảm bảo cuộc sống khi về địa phương hòa nhập cộng đồng...
Hỗ trợ tối đa cho nạn nhân
Tại nghị trường Quốc hội, khi thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), các đại biểu đều đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đóng góp, đưa vào dự thảo mới nhất đảm bảo hỗ trợ tối đa nạn nhân bị mua bán và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.
Nói về việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho biết, dự thảo quy định về đối tượng và chế độ hỗ trợ cho nạn nhân bao gồm nhiều hình thức như hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, y tế, pháp lý, học nghề và trợ cấp khó khăn ban đầu. “Những hỗ trợ này không chỉ giúp nạn nhân vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu mà còn tạo điều kiện để họ tái hòa nhập xã hội và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cần xem xét mở rộng hơn các hình thức hỗ trợ về mặt pháp lý, đặc biệt việc giúp nạn nhân tiếp cận thông tin và hỗ trợ về các thủ tục hành chính. Điều này là rất cần thiết để đảm bảo nạn nhân không bị tái buôn bán hoặc gặp khó khăn trong việc thực hiện các quyền lợi của mình” - đại biểu nêu quan điểm.
Về biện pháp bảo vệ nạn nhân, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) cho biết, dự thảo luật đã quy định hỗ trợ tối đa các nạn nhân theo hướng dẫn chiếu theo pháp luật có liên quan đối với Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố cáo và quy định một số biện pháp bảo vệ, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và là người thân thích, các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản theo quy định của pháp luật đối với nạn nhân.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng quy định, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân không thuộc trường hợp họ là người tố cáo theo pháp luật về tố cáo và người tham gia tố tụng hình sự theo pháp luật về tố tụng hình sự. Trường hợp người được bảo vệ từ chối hoặc không chấp hành đầy đủ biện pháp bảo vệ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng thì phải chịu trách nhiệm về an toàn của bản thân và người thân của mình, trừ trường hợp bị đe dọa hoặc bị ép buộc.
“Việc xác định rõ biện pháp này sẽ khắc phục những vướng mắc, khó khăn trong tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân trong thời gian qua. Đồng thời, phù hợp với tính thống nhất của Hiến pháp và các luật như Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự và Luật Tố cáo” - đại biểu khẳng định.
Bảo vệ trẻ em từ khi còn là bào thai
Một trong những quy định được các đại biểu Quốc hội đánh gia cao đó là tại khoản 2, Điều 3 dự thảo luật đã quy định hành vi nghiêm cấm “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”. Quy định này nhằm nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng, chống mua bán người từ sớm, từ xa; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Đây cũng là quy định mới đưa vào dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Nói về quy định này, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) nêu rõ, mua bán bào thai là thủ đoạn mới xuất hiện gần đây của tội phạm mua bán người, tuy nhiên, vấn đề này thời gian qua cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý. Đối tượng phạm tội thường tìm đến những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa để dụ dỗ ra nước ngoài sinh con và bán lấy tiền hoặc trao đổi bằng các hiện vật khác. Việc thỏa thuận này về bản chất là tiền đề của việc mua bán trẻ em, tuy nhiên việc xử lý còn khó khăn vì chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự.
“Để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, bảo vệ quyền lợi của trẻ em, việc bổ sung quy định tại khoản 2, Điều 3 tại dự thảo Luật về “nghiêm cấm hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai” là hết sức cần thiết và đáp ứng yêu cầu thực tiễn” - đại biểu Thái Thị An Chung nhấn mạnh.
Theo đại biểu, quy định này sẽ góp phần trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ và phù hợp với các quy định của công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Bên hành lang Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ cho biết, đây là quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng, chống mua bán người từ sớm, từ xa, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em.
“Mua bán bào thai là một thủ đoạn mới của bọn tội phạm mua bán người. Trong thời gian qua, chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý vì trong quy định của Bộ luật Hình sự chưa có. Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi trẻ em thì việc bổ sung quy định tại nghiêm cấm hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai trong dự thảo luật tại kỳ họp thứ 8 lần này là hết sức cần thiết và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan với tinh thần cầu thị đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Đại biểu cho rằng, đây là một sự ghi nhận tiến bộ, bảo đảm quyền con người, hay nói một cách khác là quá trình hình thành và phát triển một con người.
“Quy định không chỉ mang tính pháp lý nhằm ngăn chặn hành vi mua bán người từ khi đang trong bụng mẹ mà còn mang tính nhân văn và hơn thế. Nếu nói rộng hơn, các công ước quốc tế và các quy định của nhiều nước và cả Việt Nam chúng ta còn quy định không được mua bán động vật hoang dã, chưa nói đến chuyện bào thai để hình thành một con người” - đại biểu chia sẻ.
Một số quy định về hỗ trợ nạn nhân
Điều 37 của dự thảo luật quy định về đối tượng và chế độ hỗ trợ cho nạn nhân bao gồm nhiều hình thức như hỗ trợ như nhu cầu thiết yếu, y tế, pháp lý, học nghề và trợ cấp khó khăn ban đầu. Những hỗ trợ này không chỉ giúp nạn nhân vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu mà còn tạo điều kiện để họ tái hòa nhập xã hội và ổn định cuộc sống. Điều 41 quy định về việc hỗ trợ tâm lý. Đây là một trong những khía cạnh quan trọng trong việc giúp nạn nhân vượt qua các sang chấn tâm lý do bị buôn bán.
Điều 43 dự thảo luật quy định về hỗ trợ học văn hóa và học nghề cho nạn nhân đảm bảo nạn nhân có thể hòa nhập tốt với môi trường làm việc mới, giúp họ tự lập về tài chính và ổn định cuộc sống. Điều 44 quy định về trợ cấp khó khăn ban đầu và hỗ trợ vay vốn là giải pháp thiết thực để giúp nạn nhân có điều kiện phát triển kinh tế sau khi trở về nơi cư trú.
Điều 45 quy định hỗ trợ phiên dịch cho nạn nhân. Quy định này nhằm hỗ trợ phiên dịch cho nạn nhân, đặc biệt là những nạn nhân không biết hoặc không hiểu tiếng Việt để đảm bảo tối đa quyền lợi của nạn nhân. Điều 47 quy định về cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Việc thiết lập các cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân đóng vai trò quan trọng trong quá trình bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, giúp nạn nhân được hưởng các dịch vụ hỗ trợ chất lượng, an toàn.