Ấn tượng Hành trình trên đất Chín rồng của học sinh THPT
Trong buổi báo cáo dự án Hành trình trên đất Chín rồng, học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) đã mang đến một cái nhìn toàn diện về vùng đồng bằng sông Cửu Long, hội chợ nông sản và mô hình nhà, biệt thự thích nghi với bão lũ.
Sáng 27-3, sân trường THPT Lê Quý Đôn ngập tràn những gian hàng ẩm thực miền Tây Nam Bộ, những mô hình nhà chống bão, biệt thự nổi, những tập san về các tác phẩm văn học của tác giả miền Nam.
Đó là kết quả của dự án Hành trình trên đất Chín Rồng: Along The Nine Dragon. Dự án có sự tham gia của gần 600 học sinh lớp 12, 11 và 7 tổ bộ môn Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Vật lý, Công nghệ, Sinh học.
Dự án được trường THPT Lê Quý Đôn triển khai từ đầu năm học 2020-2021, với mục đích thực hiện quy định của Sở GD&ĐT TP.HCM về đổi mới giảng dạy, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập, rèn luyện kỹ năng mềm.
"Thông qua dự án, học sinh đã có kiến thức sâu sắc về nhiều khía cạnh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ứng dụng kiến thức được học trong SGK vào thực tế, kỹ năng mềm được phát triển giúp học sinh tự tin hơn để phát triển ở những môi trường khác" - thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên môn Lịch sử trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ.
Thầy Đăng Du cho biết, 7 tổ bộ môn đã đưa ra đề tài là những vấn đề của khu vực ĐBSCL. Sau đó, các lớp tham gia dự án lập kế hoạch giải quyết vấn đề, được thầy cô góp ý sửa chữa hoàn thiện kế hoạch và tiến hành thực hiện.
Buổi báo cáo dự án gồm 2 chương: chương 1 Vùng đất Chín Rồng và chương 2 Mêkông cất cánh.
Ở chương 1, học sinh mang đến cái nhìn bao quát về địa lý, văn hóa, lịch sử của vùng MêKông thông qua các tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh. Chương 2 là không gian giới thiệu những sản phẩm được lấy ý tưởng từ tiềm năng của khu vực này, đưa ra hướng giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong khu vực.
Học sinh tổ Địa lý đã làm nên mô hình Kho Báu Chín Rồng, khái quát về khoáng sản, các loại cây trồng, vật nuôi vùng ĐBSCL và tình hình khai thác, hướng khắc phục, cải tạo. Tổ Lịch sử giới thiệu về những di tích lịch sử, văn hóa của khu vực ĐBSCL. Tổ Ngữ văn đưa đến các tập san văn học Sao sáng trời Nam của các tác giả nổi tiếng tại miền Nam.
Học sinh tổ Vật lý, Công nghệ dựa vào thực trạng khu vực và tiềm năng phát triển du lịch để làm những mô hình nhà chống bão, nhà khắc phục tình trạng ngập của thành phố, tuabin gió tận dụng năng lượng thiên nhiên, biệt thự nổi. Tổ Sinh học, Hóa học sử dụng nguyên liệu thiên nhiên để làm chất chỉ thị, đo lường độ nhiễm phèn của vùng đất đó.
Nhiều học sinh thể hiện niềm yêu thích, hứng thú của mình với dự án. Kim Ngọc nói về mô hình nhà chống bão của lớp mình: "Mô hình nhà chống bão của chúng tôi có kết cấu hình trụ, mái hình nón sẽ giảm được nhiều lực tác động của mưa bão, giúp ngôi nhà vững vàng hơn".
"Chúng tôi thấy tự hào vì được trưng bày, giới thiệu ẩm thực của quê mình với mọi người. Qua dự án, chúng tôi học hỏi được nhiều hơn về văn hóa miền Tây sông nước, tinh thần làm việc nhóm, chủ động trong công việc. Tôi mong có thêm sân chơi phát triển hơn về văn hóa để nhiều học sinh cùng tham gia" - Minh Khoa và Ánh Như (lớp 12) chia sẻ.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/hoc-sinh-thpt-lam-mo-hinh-nha-chong-bao-biet-thu-noi-975193.html