Ấn tượng múa rối nước Việt Nam tại Nga
Khi những nghệ sĩ Việt Nam nửa người dưới nước tách rèm bước ra, toàn thể khán giả đứng dậy vỗ tay không ngớt, dành những mỹ từ đẹp nhất cho tiết mục múa rối nước Việt Nam, và cả sự khâm phục dành cho các nghệ sĩ. Trước đó, nhiều người chờ đợi, màn trình diễn của đại diện Việt Nam sẽ thành sự kiện sáng giá trong đời sống văn hóa.
Nhận lời mời của Ban tổ chức Liên hoan sân khấu quốc tế Chekhov lần thứ 16, từ ngày 2/6 đến ngày 19/6, Nhà hát Múa rối Thăng Long (Việt Nam) tham gia biểu diễn tại các thành phố của Nga, với các tiết mục ca nhạc dân tộc và múa rối nước truyền thống.
Đây là cơ hội lớn để người dân Nga tận mắt chứng kiến nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam, sau quãng thời gian các hoạt động giao lưu, biểu diễn nghệ thuật bị gián đoạn do Covid-19.
Tại buổi biểu diễn múa rối nước đầu tiên của đoàn tại Nhà hát Mayakovsky, thủ đô Moskva, bà Varvara Vyazovkina, chuyên gia về múa ba-lê có mặt từ sớm, chăm chú theo dõi chú Tễu trong chiếc khố đỏ vừa ngâm thơ, vừa nhảy múa trên làn nước xanh rêu. Màn trình diễn thu hút người xem với những con rồng, phượng hoàng, và cả những người nông dân trong các hoạt động thường ngày.
Buổi biểu diễn kết thúc, các nghệ sĩ Việt Nam tách rèm bước ra, khiến cho bà Varvara Vyazovkina và toàn thể khán giả bất ngờ. Họ đứng dậy, vỗ tràng pháo tay dài tán dương.
“Mới đầu tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra trên sân khấu nước. Sau đó quan sát kỹ, tôi nghĩ các nghệ sĩ ở phía sau bức màn. Tôi đoán họ ngâm mình hoàn toàn dưới nước, hoặc bằng một cách nào đó. Mọi thứ khiến tôi vô cùng thích thú”, bà Varvara Vyazovkina nói.
Sau lần đầu thưởng thức biểu diễn múa rối nước Việt Nam, bà Varvara Vyazovkina chia sẻ rất muốn tìm hiểu tường tận loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc này.
Vị chuyên gia về bộ môn múa ba-lê cũng nhắc đi nhắc lại, đây là loại hình sân khấu âm nhạc tuyệt vời, các nghệ sĩ Việt Nam khiến khán giả đắm đuối.
Sau tràng vỗ tay, khán giả Nga ùa xuống đứng sát sân khấu, yêu cầu các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn lại kỹ thuật của mình. Họ cũng liên tục đặt câu hỏi cho các nghệ sĩ múa rối nước và cả các nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc, những người đã tạo nên những bản nhạc nền ấn tượng, đặc sắc.
Sự đón nhận của khán giả Nga khiến các nghệ sĩ cảm động. Nghệ sĩ Bùi Duy Tân, người đã có 15 năm công tác tại Nhà hát Múa rối Thăng Long đặt tay lên ngực, cảm ơn về tình cảm của khán giả.
“Cảm xúc diễn ở nước ngoài khác lắm, vì mình mang môn nghệ thuật cổ truyền dân tộc sang nước bạn biểu diễn. Chúng tôi cảm thấy vinh dự và mong người dân Nga và bạn bè quốc tế hiểu hơn về múa rối nước Việt Nam”, ông Bùi Duy Tân thổ lộ.
Chăm chú vào những động tác biểu diễn của ông Bùi Duy Tân, hai nhà phê bình sân khấu là ông Alexander và bà Ekaterina bày tỏ sự ngưỡng mộ. Các chuyên gia nhấn mạnh đây là loại hình sân khấu khó. Các nghệ sĩ cho thấy đẳng cấp cao, khi vừa ở dưới nước vừa biểu diễn.
“Ở nước Nga chúng tôi không có loại hình nghệ thuật sân khấu này. Những chú rối nhảy múa trên mặt nước, trên nền nhạc được chơi trực tiếp bên cạnh. Không cần giải thích nhiều, người xem vẫn hiểu được khung cảnh cuộc sống miền quê Việt Nam”, ông Alexander nói.
Múa rối nước đã có ở Việt Nam hơn 1.000 năm và được coi là kiệt tác của văn hóa Việt Nam và thế giới. Trải qua thời gian dài và cả những thăng trầm lịch sử, bộ môn nghệ thuật này vẫn được giữ gìn với những nét sơ khai. Đây là môn nghệ thuật nguyên bản, đầy sức quyến rũ độc đáo, mê hồn, đưa khán giả đắm chìm trong không gian bí ẩn.
Ban tổ chức Liên hoan sân khấu quốc tế Chekhov
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết, Nhà hát Múa rối Thăng Long nhận được lời mời sang Nga biểu diễn cách đây hai năm, song vì dịch Covid-19, nên kế hoạch phải lùi lại.
Sau bốn tháng chuẩn bị, Nhà hát háo hức mang đến cho khán giả Nga và quốc tế những màn biểu diễn độc đáo nhất. Giám đốc Nhà hát nhấn mạnh, biểu diễn ở nước ngoài có những khó khăn nhất định, nhưng các nghệ sĩ tự ý thức được trách nhiệm của mình, nỗ lực biểu diễn hết sức, để quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam ra thế giới.
Cũng theo Nghệ sĩ Ưu tú Trần Thanh Hiền, đây là lần đầu bà đến nước Nga xinh đẹp, mến khách. Còn Nhà hát Múa rối Thăng Long đã có ba lần biểu diễn tại Nga. Trong lần này, Nhà hát mang đến cho khán giả hàng chục buổi biễu diễn, cả ở thủ đô Moskva và thành phố miền nam Voronezh.
Tại Voronezh, tiết mục của Nhà hát đã để lại ấn tượng sâu đậm, không chỉ đối với khán giả Nga và quốc tế, mà còn trong trái tim của cộng đồng người Việt Nam.
Dẫn hàng chục em nhỏ người Việt đến công viên Voronezh thưởng thức nghệ thuật múa rối nước, chị Nguyễn Phương Hoa cho biết, cảm giác nghe câu: “Tôi ra đây có cần xưng danh không nhỉ? Không xưng danh thì ai biết là ai” giữa lòng nước Nga khiến người Việt xa quê xao xuyến.
“Chưa bao giờ tưởng tượng các bạn nhỏ Việt Nam lại có cơ hội xem múa rối nước ở nơi xa thật xa như thế này. Xin cảm ơn các nghệ sĩ vì đã chịu cái lạnh 11 độ C, đứng dưới nước hàng giờ để quảng bá văn hóa Việt Nam và giúp các em nhỏ hiểu thêm truyền thống dân tộc”, chị Hoa nói.
Chị Hoa và các bố mẹ dẫn con cái đến buổi biểu diễn cũng cho hay, có thể các bạn nhỏ không hiểu hết ý nghĩa của những hoạt cảnh mà các nghệ sĩ biểu diễn, song họ hy vọng với không khí đó, các em sẽ luôn tự hào vì dòng máu Việt Nam đang chảy trong huyết quản của mình.
Lần đầu được tổ chức năm 1992, Liên hoan sân khấu quốc tế Chekhov là một trong những liên hoan sân khấu quốc tế đầu tiên và lớn nhất ở Nga, và là diễn đàn sân khấu nổi tiếng trên thế giới. Trong hơn 30 năm, Liên hoan đã xây dựng được mối quan hệ nồng ấm, lâu dài với các đối tác nước ngoài.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/an-tuong-mua-roi-nuoc-viet-nam-tai-nga-post758045.html