Ra mắt sách 'Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger'

Cuốn sách là công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi trong vai trò một vị vua yêu nước và là một họa sĩ tài hoa trong thời gian ông lưu vong tại Pháp và Alger.

Ngày 5.11, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Nội Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với TS. Amandine Dabat (hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi) tổ chức tọa đàm, ra mắt sách "Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger" được xuất bản bằng Tiếng Việt tháng 10 vừa qua.

Sách do TS. Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi, nghiên cứu và biên soạn, được Nhà xuất bản Khoa học xã hội dịch và xuất bản từ bản gốc tiếng Pháp "Hàm Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger" do Nhà xuất bản Sorbonne ấn hành năm 2019.

 TS. Amandine Dabat (giữa) tại tọa đàm ra mắt sách "Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger". Ảnh: Bảo Minh

TS. Amandine Dabat (giữa) tại tọa đàm ra mắt sách "Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger". Ảnh: Bảo Minh

Để thực hiện nghiên cứu này, TS. Amandine Dabat cho biết, bà đã dựa vào hai bộ sưu tập quan trọng. Thứ nhất là Bộ sưu tập Hàm Nghi do hậu duệ của ông lưu giữ, với khoảng 2.500 tài liệu, chủ yếu là thư từ, bao gồm cả thư ông nhận và các bản thảo ông viết trong thời gian bị lưu đày.

Thứ hai là Bộ sưu tập là tài liệu của chính quyền Algérie được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại ở Aix-en-Provence (Pháp), chứa đựng những văn bản hành chính và các dự án chính trị của chính phủ Pháp liên quan đến Hàm Nghi.

Sách dày hơn 500 trang, trong đó có 71 trang tác phẩm mỹ thuật, 12 trang tác phẩm điêu khắc, 68 trang ảnh tư liệu, thư từ… Cuốn sách khám phá khía cạnh nghệ thuật ít được biết đến của vị hoàng đế, một trong những nghệ sĩ để lại dấu ấn đặc biệt trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Theo đó, Hàm Nghi đã khám phá nghệ thuật phương Tây, lịch sử và kỹ thuật của nó ngay từ khi bị lưu đày. Được đào tạo bởi họa sĩ Marius Reynaud ở Algérie và nhà điêu khắc Auguste Rodin, ông đã tiếp xúc với một số nghệ sĩ đương thời, trong đó có những người trở thành bạn thân, như Georges Rochegrosse (1859 - 1938), Pierre Roche (1855 - 1922), Henry Valensi (1883 - 1960), Léon Fourquet, Clare Sheridan (1885 - 1970).

Sự tò mò về nghệ thuật của ông rất rộng. Được đào tạo trong nghệ thuật hàn lâm, ông nhanh chóng quan tâm đến cuộc sống của các họa sĩ ấn tượng và hậu ấn tượng như Gauguin và nhóm Nabis. Ông đã mượn một số quy tắc hội họa từ những phong trào này, sau đó tái hiện lại chúng trong các tác phẩm của mình, tạo ra một phong cách rất cá nhân, "thoát khỏi mọi trường phái".

Sách "Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger" là công trình nghiên cứu của hậu duệ thứ 5 của vua Hàm Nghi. Ảnh: Bảo Minh

Sách "Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger" là công trình nghiên cứu của hậu duệ thứ 5 của vua Hàm Nghi. Ảnh: Bảo Minh

Mặc dù Hàm Nghi ít triển lãm, nhưng tác phẩm của ông đã được đón nhận nồng nhiệt. Ông được ủng hộ bởi những tên tuổi lớn như Auguste Rodin và Judith Gautier, người đã mở cánh cửa cho ông bước vào thế giới nghệ thuật và các nghệ sĩ cùng thời.

Theo TS. Amandine Dabat, Hàm Nghi đã tạo ra không gian tự do của mình bằng cách tự bảo vệ khỏi thế giới bên ngoài. "Nhưng chính thông qua nghệ thuật, hội họa và điêu khắc, ông mới tìm thấy một sự tự do to lớn. Những hoàn cảnh sống đã cho phép ông tạo ra một nghệ thuật thuần khiết, không vụ lợi, theo mô hình Kantian. Tác phẩm của ông không mang tính chính trị, không có tính tuyên ngôn hay tham gia vào bất kỳ phong trào nào".

Hàm Nghi đã thực hiện những nghiên cứu hội họa thực sự. Ông đi rất xa trong việc nghiên cứu cảm giác và rung động của việc diễn giải thiên nhiên và cái đẹp. Tác phẩm của ông, hài hòa, cân đối và rất nhạy cảm, lẽ ra có thể hướng đến sự diễn giải và một dạng trừu tượng, như hai họa sĩ vĩ đại cùng thế hệ của ông, Vassily Kandinsky (1866 - 1944) và Piet Mondrian (1872 - 1944), những người khai sinh ra nghệ thuật trừu tượng.

Ông chỉ vẽ thiên nhiên, tách biệt với thế giới con người. Tác phẩm của ông là sự thể hiện một khát khao nội tại để chuyển tải cái đẹp. Ông vẽ cho bản thân mình, để cảm nhận cuộc sống bằng chính sự nhạy cảm của mình.

"Các tác phẩm nghệ thuật của Hàm Nghi, từ những bức tranh sơn dầu đến các tác phẩm điêu khắc, qua phân tích phong cách, giúp bổ sung và làm sáng tỏ thêm những tài liệu lưu trữ. Những tác phẩm này là cách mà Hàm Nghi muốn thể hiện bản thân và quan niệm về thế giới", TS. Amandine Dabat nói.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho rằng, cuốn sách như món quà TS. Amandine Dabat dành cho tổ tiên và kết nối với cội nguồn của mình. Từ những tư liệu quý giá về vua Hàm Nghi, ông Trung mong muốn cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi cần tiếp tục được nghiên cứu mở rộng, vừa mang giá trị lịch sử, vừa mang giá trị văn hóa, du lịch, phục vụ công chúng Việt Nam...

Hà Hương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ra-mat-sach-ham-nghi-hoang-de-luu-vong-nghe-si-o-alger-post395476.html