Anh cải tiến Máy thở áp lực dương liên tục để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng

Một nhóm nhà nghiên cứu y học cùng các kỹ sư tại Anh đã hợp lực với đội đua xe Công thức 1 Mercedes trong dự án mang tên 'Project Pitlane' nhằm cải tiến một thiết bị trợ thở, tiến tới sản xuất hàng loạt trong bối cảnh các bệnh nhân nặng mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang rất thiếu máy thông khí (máy thở).

Nhân viên cứu hộ khẩn cấp và xe cứu thương được triển khai bên ngoài trung tâm triển lãm ExCeL London, địa điểm được chuyển thành bệnh viện dã chiến để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại London, Anh ngày 29/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên cứu hộ khẩn cấp và xe cứu thương được triển khai bên ngoài trung tâm triển lãm ExCeL London, địa điểm được chuyển thành bệnh viện dã chiến để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại London, Anh ngày 29/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tuyên bố ngày 29/3, Đại học College London (UCL) cho biết giới chức Anh đã thông qua việc cải tiến Máy thở áp lực dương liên tục (CPAP). CPAP hiện đang được sử dụng trong điều trị suy hô hấp, giúp bệnh nhân giảm triệu chứng bệnh và phục hồi chức năng hô hấp thay vì phải sử dụng các phương pháp xâm lấn, từ đó hạn chế nguy cơ biến chứng.

Khi bệnh nhân hít thở qua CPAP, hệ thống này sẽ tăng cung cấp oxi tới phổi, từ đó giúp các phế nang không xẹp cuối kỳ thở ra tăng trao đổi khí, giảm công hô hấp. Theo các báo cáo từ Italy, khoảng 50% bệnh nhân sử dụng CPAP đã không cần tới máy trợ thở, do đó tránh được việc phải đặt ống nội khí quản cũng như không phải uống thuốc giảm đau.

Một phiên bản của CPAP hiện đang được sử dụng tại các bệnh viện ở Italy và Trung Quốc nhằm hỗ trợ các bệnh nhân mắc COVID-19 bị nhiễm trùng phổi nặng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tại UCL và đội đua Mercedes lại thiết kế đảo ngược phiên bản hiện hành và tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với 100 thiết bị cải tiến tại Bệnh viện Đại học College London (UCLH). Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết họ có thể nhanh chóng sản xuất "hàng nghìn" thiết bị và cung ứng cho các bệnh viện trên toàn nước Anh trong bối cảnh áp lực ngày càng gia tăng khi ngày càng có thêm nhiều ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Ông Tim Baker thuộc Khoa cơ khí của UCL cho biết thời gian chế tạo thiết bị nói trên chỉ tính bằng ngày thay vì phải mất nhiều năm và việc sử dụng mô phỏng trên máy tính những bước cải tiến đối với thiết bị này sẽ giúp ích đáng kể cho quá trình sản xuất hàng loạt.

Cố vấn y tế tại UCLH Mervyn Singer đánh giá phiên bản nói trên sẽ giúp tăng cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân trong bối cảnh nguồn máy trợ thở với số lượng có hạn chỉ được sử dụng cho các bệnh nhân nặng.

Cố vấn Mervyn cũng bày tỏ hy vọng thiết bị này sẽ tạo sự khác biệt thực sự cho các bệnh viện trên toàn nước Anh bằng cách làm giảm bớt nhu cầu giường bệnh, nhu cầu về đội ngũ nhân viên y tế chuyên sâu, cũng như giúp các bệnh nhân phục hồi mà không cần tới máy trợ thở gây xâm lấn nội khí quản.

Cơ quan Y tế Quốc gia Anh hiện có khoảng 8.000 máy trợ thở và chính phủ nước này đang đặt hàng thêm 8.000 máy. Tuy nhiên, có nhiều lo ngại về nguy cơ thiếu hụt thiết bị này khi nước Anh bước vào đỉnh dịch COVID-19. Hiện Thủ tướng Anh Boris Johnson đang kêu gọi các nhà sản xuất lớn cân nhắc tăng cường sản xuất các trang thiết bị thiết yếu, trong đó có thiết bị và vật tư y tế.

Minh Tâm (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/anh-cai-tien-may-tho-ap-luc-duong-lien-tuc-de-phuc-vu-dieu-tri-benh-nhan-nang-20200330205437491.htm