Bệnh ung thư vú tăng nhanh ở nhóm phụ nữ nào?
Ung thư vú luôn là căn bệnh đáng lo ngại với phụ nữ trên toàn thế giới. Báo cáo mới nhất cho thấy, mặc dù tỷ lệ tử vong do ung thư vú tiếp tục giảm nhưng tỷ lệ mắc bệnh tăng mạnh hơn ở những phụ nữ dưới 50 tuổi...
Nội dung
1. Nhóm phụ nữ có tỷ lệ mắc ung thư vú tăng nhanh
2. Phụ nữ cần làm gì để giảm nguy cơ ung thư vú?
1. Nhóm phụ nữ có tỷ lệ mắc ung thư vú tăng nhanh
Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được tạo ra các khối u ác tính, có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa. Mặc dù hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị có thể gia tăng tỷ lệ điều trị khỏi và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh nhưng ung thư vú vẫn là căn bệnh đáng lo ngại với phụ nữ trên toàn thế giới.
Ngay tại Hoa Kỳ, ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Hoa Kỳ sau ung thư da và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ gốc Tây Ban Nha. Vào năm 2024, ước tính sẽ có 310.720 ca ung thư vú xâm lấn mới được chẩn đoán ở phụ nữ và dự kiến sẽ có khoảng 42.250 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ vừa công bố Thống kê Ung thư vú 2024, bản cập nhật hai năm một lần của tổ chức về tình hình và xu hướng ung thư vú tại Hoa Kỳ. Báo cáo mới cho thấy, tỷ lệ tử vong do ung thư vú nói chung đã giảm 44% kể từ năm 1989, ngăn ngừa được khoảng 517.900 ca tử vong do ung thư vú. Tuy nhiên, không phải tất cả phụ nữ đều được hưởng lợi từ tiến bộ này, đặc biệt là phụ nữ người Mỹ bản địa và người Alaska bản địa, tỷ lệ của họ vẫn không thay đổi trong ba thập kỷ qua.
Một điều đáng lo ngại nữa là xu hướng gia tăng liên tục về tỷ lệ mắc ung thư vú, tăng 1% mỗi năm trong giai đoạn 2012-2021, với mức tăng mạnh nhất ở phụ nữ dưới 50 tuổi (1,4% mỗi năm) và phụ nữ Mỹ gốc Á/Thái Bình Dương ở mọi lứa tuổi (2,5%-2,7% mỗi năm).
Nhà khoa học nghiên cứu giám sát ung thư tại Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, Angela Giaquinto, là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Tin đáng mừng là tỷ lệ tử vong do ung thư vú tiếp tục giảm nhờ những tiến bộ trong phát hiện và điều trị sớm. Nhưng tiến trình trong tương lai có thể bị cản trở bởi tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ và hậu quả của đại dịch COVID-19 như chẩn đoán chậm trễ do gián đoạn sàng lọc".
2. Phụ nữ cần làm gì để giảm nguy cơ ung thư vú?
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, trong đó có các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống như: chế độ ăn uống, sinh hoạt vận động… có thể làm tăng khả năng phát triển ung thư vú. Nhưng vẫn chưa biết chính xác cách một số yếu tố nguy cơ này khiến các tế bào bình thường trở thành ung thư.
Mặc dù không có cách chắc chắn nào để ngăn ngừa ung thư vú nhưng có một số điều phụ nữ có thể làm để giảm khả năng mắc bệnh đó là: Thường xuyên hoạt động thể chất; Ăn uống đủ dinh dưỡng, cân bằng, ưu tiên thực phẩm lành mạnh; Duy trì cân nặng hợp lý; Cho con bú…
Điều này là do một số yếu tố nguy cơ ung thư vú liên quan đến hành vi cá nhân hoặc lối sống như chế độ ăn uống và hoạt động thể chất. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống khác bao gồm quyết định dùng thuốc có chứa hormone. Phụ nữ nên cân nhắc và tư vấn bác sĩ cụ thể khi lựa chọn liệu pháp hormone điều trị các triệu chứng mãn kinh.
Việc chủ động sàng lọc tầm soát ung thư rất quan trọng, các nhà khoa học khuyến cáo mọi phụ nữ nên chủ động tự kiểm tra vú, khám sàng lọc và chụp nhũ ảnh thường xuyên để phát hiện sớm ung thư vú.
Đồng thời tất cả phụ nữ đều có thể giảm nguy cơ ung thư vú bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên, hạn chế hoặc tránh uống rượu. Cho con bú sau khi sinh con cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ nên bắt đầu chụp nhũ ảnh hàng năm ở độ tuổi 40. Từ 45 - 54 tuổi, nên chụp nhũ ảnh hàng năm. Khi bước sang tuổi 55, phụ nữ không có nguy cơ cao có thể lựa chọn chụp nhũ ảnh hai năm một lần. Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư vú nên thông báo cho bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu để được sàng lọc sớm hơn 40 tuổi.