Chuyện về những nữ 'chiến binh K'
Bị sốc tâm lý, tinh thần suy sụp khi biết mình mắc bệnh ung thư song với ý chí, nghị lực, niềm tin, nhiều phụ nữ đã vượt lên bệnh tật để sống, lao động, cống hiến, truyền cảm hứng, năng lượng sống tích cực cho mọi người.
Thử thách khắc nghiệt
So với nhiều giáo viên khác, chị Đinh Ngọc Hiền (SN 1985), hiện ở xã Yên Mỹ, là giáo viên Trường THCS thị trấn Vôi số 1 (Lạng Giang) có hoàn cảnh vô cùng éo le. Năm 2013, chồng chị - một giáo viên giỏi không may mắc bệnh ung thư phổi, sau nhiều năm chống chọi đã mất ở tuổi 33, bỏ lại mẹ già, vợ, con gái khi đó mới được 4 tuổi, con trai 8 tháng tuổi và căn nhà tường đất đơn sơ. Chị Hiền trở thành trụ cột chính của gia đình, gánh vác mọi việc lớn, nhỏ. Những tưởng sóng gió nguôi ngoai khi các con của chị ngày một khôn lớn, kinh tế gia đình cũng vơi bớt khó khăn. Nào ngờ, cách đây khoảng 3 tháng, thấy trong người khó chịu, chị đi khám, làm xét nghiệm, bác sĩ kết luận chị bị ung thư hạch bạch huyết, di căn vào xương, gan...
Thời điểm đó, con gái chị có giấy báo đỗ vào lớp 10, Trường THPT Chuyên Bắc Giang. Nhận tin dữ, cả gia đình chị bàng hoàng, không tin đó là sự thật, mẹ và con gái chị khóc cạn nước mắt. Là người phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường, từng trải qua nhiều đau thương, sóng gió, chị vẫn giữ thái độ bình tĩnh, lạc quan, tuân thủ phác đồ điều trị, đồng thời động viên gia đình không nên bi quan, buồn rầu. Sau 3 đợt truyền hóa chất và kiểm tra, sức khỏe tiến triển tốt, chị tiếp tục quay trở lại công việc dạy học. Cứ 21 ngày, chị lại bắt xe ô tô ra Hà Nội để truyền hóa chất.
Mỗi ngày, chị dành khoảng 1 tiếng đi bộ từ 3 - 5 km quanh thôn, rảnh rỗi lại chăm sóc vườn hoa, cây cảnh để tâm hồn thư thái, đồng thời kèm cặp các con học hành. Bị bệnh hiểm nghèo, làm bạn với mái tóc giả song chị vẫn tự tin khi giao tiếp với mọi người xung quanh. "Tôi quan niệm, nếu chỉ suy nghĩ tiêu cực sẽ không giải quyết được việc gì. Hãy sẵn sàng đối diện với sự thật, luôn có niềm tin, nỗ lực hết mình để vượt qua thử thách", chị Hiền tâm sự.
Qua lời giới thiệu của người quen, tôi đến gặp bà Nguyễn Thị Năm (SN 1967) ở xã Mỹ Thái (Lạng Giang) đúng lúc bà đang may nốt chiếc áo để trả khách hàng. Nhìn bà khỏe mạnh, nói cười tươi tỉnh, không ai nghĩ bà từng "từ cõi chết trở về". Cách đây 4 năm, khi thấy ho nhiều, đau ngực, bà đi khám ở Bệnh viện K (Hà Nội) được chẩn đoán bị ung thư phổi giai đoạn cuối, di căn lên não, hạch chèn khắp thực quản, họng. Hơn 4 tháng nằm điều trị, bác sĩ phải truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch để duy trì sự sống cho bà. Từ một phụ nữ khỏe mạnh, nặng hơn 60 kg, bà sụt giảm còn 30 kg, sức khỏe yếu ớt, không thể đứng nổi.
- Cảm giác, tâm trạng của bà lúc đó như thế nào?, tôi hỏi.
- Nhìn phim chụp cắt lớp, khối u ở não to như quả trứng ngỗng, hạch nổi khắp người, tôi đã dặn gia đình lo hậu sự của mình, bà Năm đáp.
- Vậy động lực nào giúp bà vượt qua?, tôi tiếp lời.
- Được các con, người thân động viên với quyết tâm "còn nước còn tát", tôi kiên trì thực hiện theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, vừa ăn uống, sinh hoạt điều độ, luyện tập thể dục hợp lý, đọc sách thiền...
Hơn 3 năm qua, sức khỏe bà Năm dần hồi phục, da hồng hào, sống vui vẻ. Hiện bà mở cửa hàng may đo tại nhà, có đông khách đến đặt may. Hằng ngày, bà tranh thủ nội trợ, đưa, đón các cháu nội đi học. Bà bảo với tôi rằng sẵn sàng chia sẻ về hành trình "chiến đấu với tử thần" của mình để truyền cảm hứng tới những ai đang bi quan khi mắc bệnh ung thư.
Ở hoàn cảnh khác, bà Lê Thị Lựu (SN 1972), thôn Chính Lan, xã Lan Giới (Tân Yên) cũng trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Trước năm 2022, nhà bà thuộc diện hộ nghèo, ít ruộng, lại nuôi 3 con ăn học. Cả gia đình sống trong ngôi nhà cấp 4, diện tích hơn 30 m2 xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2018, tai họa bất ngờ ập đến, bà bị ung thư dạ dày giai đoạn 3 và đã di căn. Từ một người khỏe mạnh, bà phải cắt 4/5 dạ dày, chống chịu với nhiều đợt truyền hóa chất, sức khỏe suy kiệt tưởng chừng không thể qua khỏi. Sóng gió chưa qua, 4 năm sau, chồng bà mắc bệnh ung thư phổi và mất sau 6 tháng điều trị.
Nhiều tháng ròng rã chăm chồng ở viện, bà vẫn tranh thủ chăn nuôi, làm ruộng để có tiền trang trải cuộc sống, thuốc men chữa bệnh. Nhờ chắt chiu, dành dụm và được sự giúp đỡ của người thân, chính quyền địa phương, mới đây, bà đã xây được căn nhà mới diện tích 120 m2, trị giá hơn 500 triệu đồng. Cùng đó, nuôi thêm 1 con bò sinh sản và 1 con lợn nái để có nguồn thu nhập. Đến nay, dù đã trải qua 8 đợt truyền hóa chất nhưng bà vẫn duy trì được sức khỏe, tóc không bị rụng.
Lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống
Theo các chuyên gia, ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trên toàn cầu. Ở Việt Nam phát hiện khoảng 165 nghìn ca ung thư mới mỗi năm. Tại tỉnh Bắc Giang, trung bình mỗi năm có khoảng 3- 4 nghìn người mắc mới căn bệnh này. Số người mắc bệnh ở nhiều vùng, miền khác nhau và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Thông thường, người mắc ung thư hay gặp phải những khủng hoảng về mặt tâm lý, như: Sợ hãi, lo lắng, mặc cảm, thậm chí chấp nhận để buông xuôi, có người muốn tìm đến cái chết. Thế nhưng với nhiều phụ nữ, họ đã gồng mình vượt lên để tiếp tục sống, lao động, cống hiến.
Có mặt tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang vào một ngày cuối thu, tôi trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với rất nhiều bệnh nhân nữ mắc bệnh ung thư. Trái ngược với suy nghĩ của tôi về sự mặc cảm, ngại ngùng, không muốn tiết lộ thông tin về căn bệnh của mình với báo chí, mọi người tự tin, vui vẻ chia sẻ một cách cởi mở. Mỗi người có hoàn cảnh, tình trạng bệnh khác nhau nhưng đều toát lên điểm chung, đó là tinh thần lạc quan, niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Không ít trường hợp vừa điều trị bệnh nhưng vẫn "nặng lòng" với việc chung.
Mọi người không nên nhìn nhận ung thư là dấu chấm hết, là vô phương cứu chữa. Nhờ tiến bộ của y học, giờ đây, ung thư được coi là căn bệnh mãn tính, có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phương pháp".
Bác sĩ Lê Thị Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang.
Ngồi trên giường bệnh trò chuyện với phóng viên, gương mặt tươi tỉnh, bà Hoàng Thị Vân (SN 1962), dân tộc Tày, xã An Bá (Sơn Động) tâm sự: "Tháng 8/2024, bác sĩ phát hiện tôi mắc căn bệnh ung thư vú giai đoạn 3. Là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn, những ngày nằm trên giường bệnh, tôi thường xuyên trao đổi công việc của thôn qua điện thoại thông minh". Trước đó, bà Vân có gần 20 năm làm công tác phụ nữ, tổ trưởng vay vốn của thôn. Mặc dù đi chữa bệnh, mỗi khi có cán bộ, hội viên gọi điện nhờ hỗ trợ, tư vấn, bà Vân sẵn sàng chia sẻ. Nhà có 9 sào ruộng, 2 sào trồng ngô, bà vẫn thu xếp thời gian cùng chồng để lao động với mục đích rèn sức khỏe, vừa có thêm nguồn thu nhập.
Hay như trường hợp của bà Đoàn Thị Hồng (SN 1954) ở xã Ngọc Châu (Tân Yên) bị ung thư phổi cách đây 3 năm ở giai đoạn muộn, đã di căn song bà vẫn tự đạp xe 25 km xuống Bệnh viện Ung bướu tỉnh để chữa trị. Đến nay, sau khoảng 50 lần truyền hóa chất kết hợp điều trị thuốc, các khối u đã tiêu tan. Bà Hồng lạc quan: "Giờ đây, mỗi bữa tôi ăn 3 bát cơm. Dù bận đến mấy, mỗi ngày, tôi tranh thủ chơi 3-4 séc bóng chuyền hơi; thỉnh thoảng giao lưu văn nghệ ở trong, ngoài xã cho khuây khỏa".
Với cô giáo Đào Thị Hà (SN 1976) ở thị trấn Nham Biền (Yên Dũng), để có được cơ thể khỏe mạnh như hiện nay là sự kiên trì, bền bỉ trong điều trị, đặc biệt là tinh thần lạc quan của bản thân, sự động viên an ủi, chăm sóc của người nhà. Nhớ lại thời điểm cách đây 18 tháng, khi phát hiện mình mắc ung thư vú, nhiều đêm chị chỉ biết ôm gối khóc vì thương chồng, con khi nghĩ mình sẽ không qua khỏi. Tìm hiểu qua các tài liệu, được chăm sóc chu đáo, tuân thủ đúng phác đồ điều trị, giờ đây, chị khỏe mạnh và tiếp tục công tác. "Ngoài công việc, thỉnh thoảng tôi nghe nhạc, lúc thì xem phim, khi thì cùng gia đình đi du lịch", chị Hà chia sẻ.
Theo bác sĩ Lê Thị Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang, mọi người không nên nhìn nhận ung thư là dấu chấm hết, là vô phương cứu chữa. Nhờ tiến bộ của y học, giờ đây, ung thư được coi là căn bệnh mãn tính, có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phương pháp. Bên cạnh thái độ sống của người bệnh, việc hỗ trợ từ người thân, bạn bè... có thể giúp họ có góc nhìn tích cực, từ việc chăm sóc, thăm hỏi, động viên tinh thần, truyền cảm hứng để chiến đấu với bệnh tật.
Tuy nhiên, hiện nay, chi phí điều trị bệnh nhân ung thư rất tốn kém, có người phải bỏ ra vài trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ để chữa trị, thời gian kéo dài nhiều năm. Vì thế, để tiếp thêm niềm tin cho các bệnh nhân ung thư, bên cạnh động viên về tinh thần, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ về vật chất của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đối với người bệnh, nhất là với người có hoàn cảnh khó khăn để họ có điều kiện chữa bệnh. Đó không chỉ đơn thuần là sự hỗ trợ về vật chất mà còn thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp "Thương người như thể thương thân" của dân tộc.
Bài, ảnh: Công Doanh
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chuyen-ve-nhung-nu-chien-binh-k-140851.bbg