Anh cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên mọi thiết bị của Quốc hội
Biểu tượng ứng dụng TikTok. Ảnh: AFP/TTXVN
* Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chịu sức ép cấm ứng dụng TikTok
Ngày 23/3, Quốc hội Anh thông báo cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên tất cả các thiết bị và mạng của cơ quan lập pháp nhằm đảm bảo an ninh mạng.
Trước đó, Bộ trưởng Văn phòng Nội các của Anh, ông Oliver Dowden ngày 16/3 cho biết chính phủ nước này sẽ cấm cài đặt TikTok trong các thiết bị của chính phủ sau những động thái tương tự của nhiều nước châu Âu và Mỹ.
Người phát ngôn của Quốc hội Anh cho biết: "Sau quyết định của Chính phủ Anh cấm cài đặt TikTok trên các ứng dụng của chính phủ, các ủy ban của Hạ viện và Thượng viện đã quyết định rằng TikTok sẽ bị cấm cài đặt trên mọi thiết bị của cơ quan lập pháp và mạng của Quốc hội".
Người phát ngôn nhấn mạnh: "An ninh mạng là ưu tiên hàng đầu của Quốc hội".
Trước đó, Mỹ, Canada, Bỉ và Ủy ban châu Âu (EC) đã cấm ứng dụng này. Thông báo cấm của Quốc hội Anh được đưa ra trong bối cảnh Giám đốc điều hành của TikTok phải điều trần tại Quốc hội Mỹ.
* Tại Mỹ, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang chịu sức ép cấm ứng dụng truyền thông xã hội TikTok. Song, bất kỳ động thái nào như vậy đều phụ thuộc vào một đạo luật mới nhằm tăng thẩm quyền của chính phủ.
Các nhà lập pháp đã gia tăng áp lực về việc cấm TikTok, thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc), do lo ngại ứng dụng này có thể ảnh hưởng đến người dùng và chuyển dữ liệu cá nhân của người Mỹ cho Trung Quốc. Tuy nhiên, ByteDance đã phủ nhận cáo buộc này.
Các tòa án đã chặn một nỗ lực trước đó của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump nhằm cấm TikTok với lý do động thái vi phạm quyền bảo vệ tự do ngôn luận.
Do đó, bất kỳ nỗ lực nào để chặn TikTok đều phụ thuộc vào việc thông qua đạo luật hạn chế do các thượng nghị sĩ đề xuất trong tháng này nhằm trao quyền cho Bộ Thương mại cấm các công nghệ nước ngoài có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Trong khi đó, nỗ lực của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ, một cơ quan giám sát tác động của các khoản đầu tư nước ngoài đối với rủi ro an ninh quốc gia, nhằm buộc Bytedance thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ vẫn đang sa lầy trong các cuộc đàm phán sau hai năm rưỡi.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho rằng đạo luật hạn chế sẽ củng cố khả năng giải quyết các rủi ro do giao dịch cá nhân gây ra và rủi ro hệ thống liên quan đến các quốc gia nhạy cảm trong lĩnh vực công nghệ.
Nhưng dự luật sẽ không đưa ra giải pháp ngay lập tức cho những người kêu gọi cấm ứng dụng, khi dự luật cần sự hỗ trợ từ lưỡng đảng.
Luật sư Nicholas Klein của Công ty luật DLA Piper cho rằng công cụ pháp lý khó phát huy tác dụng cho đến khi năm 2024 và rất có thể sẽ có một thách thức pháp lý được đưa ra nếu nó được sử dụng để cấm TikTok.
TikTok - vốn thuộc sở hữu của Tập đoàn ByteDance (Trung Quốc), hiện thu hút hơn 1 tỉ người dùng trên toàn thế giới, trong đó có 150 triệu người dùng trên khắp châu Âu và khoảng 150 triệu người dùng tại Mỹ.
Tuy nhiên, giới chức nhiều quốc gia lo ngại nguy cơ rò rỉ dữ liệu đối với những người dùng ứng dụng này.