Ảnh hưởng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đến quyền lợi kinh tế của phụ nữ và gia đình
Cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào cam kết giải quyết những vấn đề thực sự quan trọng đối với cuộc sống của họ như các khoản đầu tư vào chăm sóc trẻ em, chăm sóc người cao tuổi…
Giảm trừ gia cảnh
Theo ứng viên của đảng Dân chủ Kamala Harris, trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, chính phủ cần làm nhiều hơn để giúp các bậc cha mẹ nuôi dạy con cái. Từ lâu, bà Harris đã ủng hộ các mục tiêu chính sách lớn: Tăng mức giảm trừ gia cảnh, giảm chi phí chăm sóc con cái. Điều bất ngờ là cựu Tổng thống Donald Trump cũng ủng hộ các chính sách này. Trong khi bà Harris ủng hộ mở rộng chính sách cho những gia đình nghèo nhất - kể cả không có thu nhập, thì ông Trump muốn chỉ giảm trừ cho những người có mức thu nhập tối thiểu để tạo động lực lao động.
Theo chính sách hiện nay, đại đa số hộ gia đình được giảm 2.000 USD tiền thuế mỗi năm với mỗi người con dưới 17 tuổi. Năm 2017, với tư cách là tổng thống, ông Trump đã tăng mức Tín dụng thuế trẻ em (CTC) từ 1.000 USD lên 2.000 USD cho mỗi trẻ em và mở rộng mức thu nhập để nhiều gia đình đủ điều kiện được nhận khoản này hơn. Tuy nhiên, chương trình mở rộng này sắp hết hạn vào năm 2025. Nếu được bầu lại, ông Trump cho biết ông sẽ biến chính sách này thành chính sách vĩnh viễn. Tuy nhiên, một yêu cầu quan trọng là chỉ những hộ gia đình có thu nhập mới được hưởng khoản tín thuế này vì ông Trump cho rằng điều này khuyến khích mọi người đi làm. Những người chỉ trích cho rằng điều này không công bằng với những bậc cha mẹ thất nghiệp vốn đã gặp khó khăn.
Trong khi đó, bà Harris muốn khôi phục và mở rộng CTC cho những gia đình không có thu nhập hoặc thu nhập rất thấp cũng nhận được khoản hỗ trợ được gửi trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của họ. Ngoài ra, bà còn muốn tăng trợ cấp với trẻ nhỏ: Theo kế hoạch của bà, cha mẹ có con mới sinh sẽ nhận 6.000 USD trong năm đầu, 3.600 USD/năm tới năm 6 tuổi, và 3.000 USD/năm tới năm 17 tuổi. Điều này đặc biệt hữu ích đối với phụ nữ vì họ chiếm phần lớn trong số những người lao động được trả lương thấp nhất. Sydney Petersen - Phát ngôn viên của Quỹ Hành động NWLC - cho biết điều này rất quan trọng vì đã giúp các gia đình có đủ thức ăn, thanh toán hóa đơn, quản lý các khoản chi tiêu bất ngờ và làm thêm giờ, cũng như dẫn đến việc giảm nghèo ở phụ nữ và trẻ em.
Giảm chi phí nuôi con
Cuộc khảo sát State of Parenting năm 2024 cho thấy chỉ có khoảng 40% người tham gia cảm thấy được chủ lao động hỗ trợ và 95% cha mẹ tin rằng các chính sách của chính phủ nên làm nhiều hơn để hỗ trợ cha mẹ đi làm. Việc thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em giá cả phải chăng khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại 122 tỷ USD mỗi năm. Hơn nữa, có khoảng 11 triệu người Mỹ thuộc "thế hệ kẹp giữa" đang chăm sóc cả trẻ em và cha mẹ già.
Bà Harris là người đồng bảo trợ cho Đạo luật Chăm sóc trẻ em cho gia đình đi làm năm 2017, đạo luật này sẽ giới hạn chi phí chăm sóc ở mức 7% thu nhập hộ gia đình đối với một số cha mẹ nhất định. Với tư cách là Phó Tổng thống, bà Harris đã thúc đẩy nhiều nỗ lực hỗ trợ chăm sóc, bao gồm một quy định mới nhằm giảm chi phí chăm sóc trẻ em cho hơn 100.000 gia đình đi làm nhận được hỗ trợ chăm sóc trẻ em của liên bang và giảm chi phí cho các gia đình bằng cách tăng cường chương trình liên bang hỗ trợ các trung tâm chăm sóc trẻ em.
Bà cũng là người ủng hộ chính cho Đạo luật Xây dựng lại tốt hơn của chính quyền, ban đầu kêu gọi khoản đầu tư lịch sử 390 tỷ USD (DNC) vào dịch vụ chăm sóc trẻ em và mẫu giáo. Nền tảng DNC đề xuất tạo ra một chương trình mẫu giáo phổ cập cho trẻ 4 tuổi; đảm bảo dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng, giá cả phải chăng cho hàng triệu gia đình lao động với mức giá dưới 10 USD/ngày cho mỗi trẻ. "Kế hoạch của tôi là không gia đình lao động nào chi hơn 7% thu nhập cho việc chăm sóc con cái", bà nói.
Năm 2018, ông Trump đã ký một khoản tăng 2,37 tỷ USD cho các khoản tài trợ chăm sóc trẻ em của liên bang cho các tiểu bang để giúp các gia đình có đủ khả năng chi trả cho dịch vụ chăm sóc trẻ em. Năm 2019, Trump đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về dịch vụ chăm sóc trẻ em và chế độ nghỉ phép có lương nhưng không dẫn đến bất kỳ chính sách mới nào. Đối với chiến dịch hiện tại, ông Trump không đề cập đến dịch vụ chăm sóc trẻ em giá cả phải chăng.
An sinh xã hội và Medicare
Hơn 71 triệu người ở Mỹ nhận trợ cấp từ các chương trình của Cơ quan Quản lý An sinh Xã hội vào năm 2023, giúp đỡ những người lao động đã nghỉ hưu và người khuyết tật. Tuy nhiên, Quỹ Tín thác An sinh Xã hội và Medicare, một chương trình bảo hiểm y tế liên bang dành cho người cao tuổi, đang cạn tiền và nếu không có nguồn tài trợ mới hoặc cắt giảm phúc lợi, dự kiến sẽ phá sản vào năm 2035 và 2036.
Cả 2 ứng cử viên trong cuộc đua tổng thống năm nay đều đã cam kết bảo vệ an sinh xã hội và Medicare. ÔngTrump muốn đảm bảo tính bền vững của an sinh xã hội và Medicare thông qua tăng trưởng kinh tế, mà ông hy vọng sẽ thúc đẩy bằng cách giảm thuế, tăng các lựa chọn tư nhân hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe để thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường nhằm giảm chi phí. Ông cũng ủng hộ việc xóa bỏ thuế đánh vào phúc lợi an sinh xã hội.
Còn bà Harris muốn mở rộng các chế độ phúc lợi an sinh xã hội thông qua Đạo luật Mở rộng An sinh xã hội, trong đó đề xuất tăng các chế độ phúc lợi tối thiểu và điều chỉnh cách tính chi phí sinh hoạt. Bà cũng ủng hộ việc đưa dịch vụ chăm sóc tại nhà dài hạn vào Medicare để giảm bớt gánh nặng cho các gia đình chăm sóc người già và trẻ em. Chính sách của bà Harris tiếp tục lập trường của chính quyền Biden là tăng thuế đối với những cá nhân giàu có với thu nhập hơn 400.000 USD/năm để đảm bảo nguồn tài trợ cho an sinh xã hội và Medicare. Bà Harris cũng cho biết chi phí chăm sóc sức khỏe có thể được kiểm soát thông qua đàm phán giá thuốc và giảm gian lận.
Nguồn: VOA, Forbes