Anh và EU đạt thỏa thuận, Brexit vẫn còn nhiều trở ngại

Ngày 17-10, cả Liên minh châu Âu (EU) và Anh đều xác nhận hai bên đã hoàn tất thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit. Diễn biến này là tín hiệu lạc quan về triển vọng đạt được một thỏa thuận để Anh rời khỏi EU, song giới quan sát cho rằng vẫn còn rất nhiều trở ngại cần vượt qua.

Ngày 17-10, lãnh đạo các nước EU đã tập trung ở Brussels để tham dự một cuộc họp thượng đỉnh có ý nghĩa then chốt và sau đó đã thông qua thỏa thuận Brexit với hi vọng có thể sẽ sớm kết thúc 3 năm tranh cãi giữa London và các nước châu Âu. Mặc dù vậy, các quan chức vẫn cảnh báo rằng vẫn còn tồn tại nhiều rào cản và điều chưa rõ là thỏa thuận này liệu có được Quốc hội Anh chấp nhận hay không.

Trở ngại chính là vấn đề gai góc về đường biên giới trên hòn đảo Ireland, tách Bắc Ireland (hiện vẫn là một phần của Vương quốc Anh) khỏi Cộng hòa Ireland (nước đang kiểm soát phần còn lại của hòn đảo và sẽ vẫn là thành viên EU). Tình trạng bạo lực giữa người Tin lành và người Thiên chúa giáo ở Bắc Ireland trong phần lớn thế kỷ qua liên quan đến sự tồn tại của đường biên giới đó. Hiện nay, mục tiêu chung của tất cả các chính phủ, kể cả chính quyền ở London, là đảm bảo rằng sẽ không thiết lập trở lại các trạm kiểm soát người nhập cư và hải quan ở đường biên giới đó sau khi Anh rời khỏi EU.

Brexit đang tiến dần đến thời điểm quyết định. Ảnh tư liệu

Brexit đang tiến dần đến thời điểm quyết định. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu này không phải là điều dễ dàng. Một lựa chọn là duy trì Bắc Ireland là một phần của Liên minh hải quan và thị trường chung EU. Nhưng điều đó là không thể chấp nhận đối với người Tin lành ở Bắc Ireland bởi họ lo sợ rằng nó có thể chia tách họ với phần còn lại của nước Anh. Một lựa chọn khác, được chính quyền của cựu Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra, là duy trì toàn bộ nước Anh bên trong những dàn xếp thuế quan của EU cho đến khi vấn đề đường biên giới Ireland được giải quyết, có lẽ với việc sử dụng các thiết bị điện tử để theo dõi các dòng hàng hóa và con người đi qua biên giới. Nhưng điều đó vẫn không thể chấp nhận được đối với đa số các chính trị gia ở London. Họ lập luận rằng một dàn xếp như vậy có thể duy trì vĩnh viễn Anh bên trong các thị trường của EU và làm cho việc Anh rời khỏi EU nhìn chung trở nên vô nghĩa.

Tuy nhiên, trong tuần qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đưa ra một sự thỏa hiệp mới và rất phức tạp. Về mặt pháp lý sẽ duy trì Bắc Ireland nằm trong lãnh thổ hải quan của Anh, nhưng trên thực tế Bắc Ireland vẫn tôn trọng các quy định về hải quan của EU.

Ông Johnson đã đưa ra đề xuất này vì ông rất cần hoàn tất việc rời khỏi EU vào cuối tháng 10 và tránh phải yêu cầu EU tiếp tục gia hạn khi ông buộc phải làm như vậy nếu ông không đạt được một thỏa thuận với EU tại hội nghị thượng đỉnh này. Ông cũng sẵn sàng chấp nhận việc Bắc Ireland có thể được đối xử khác so với phần còn lại của nước Anh - điều mà không nhà lãnh đạo Anh nào trước đó sẵn sàng xem xét, nhìn chung vì mục tiêu then chốt của ông là nới lỏng tất cả các quy định của EU để cho phép đất nước của ông cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong thương mại toàn cầu... Song vấn đề lớn nhất là liệu ông Johnson có thể khiến Quốc hội Anh thông qua một thỏa thuận hay không.

Đảng Bảo thủ cầm quyền của ông không còn chiếm đa số. Điều mỉa mai là cơ hội duy nhất của họ để thỏa thuận này được thông qua là nếu họ nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ quốc hội theo đạo Tin lành ở Bắc Ireland, chính là những người hoài nghi nhiều nhất về những dàn xếp được đề xuất. Và Công đảng đối lập sẽ bác bỏ thỏa thuận với hi vọng làm sâu sắc thêm sự tê liệt chính trị ở Anh, điều hiện các nhà phân tích dự đoán là sẽ dẫn đến một cuộc tổng tuyển cử sớm trước cuối năm nay. Nói tóm lại, những hi vọng về một thỏa thuận đang tăng lên và vấn đề về vị trí của nước Anh trong EU vẫn còn để ngỏ.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đã thất bại trong mọi cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Quốc hội từ khi lên nắm quyền, tiếp tục đối mặt với một cuộc đấu tranh khó khăn vào ngày 19-10 tới khi ông trình nghị viện thỏa thuận Brexit vừa đạt được với EU. Nếu các nhà lập pháp ủng hộ thỏa thuận, nước Anh sẽ đi theo lộ trình rời bỏ EU đã được lên kế hoạch vào ngày 31-10 tới đây. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Với việc chỉ có 288 ghế tại Hạ viện, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson hiện không nắm thế đa số tại cơ quan lập pháo 650 ghế này. Vì vậy ông sẽ phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của các chính đảng khác và các nghị sỹ độc lập nếu muốn thỏa thuận "qua ải." Mọi chuyện đang trở nên khó khăn hơn bởi các đồng minh của ông tại Quốc hội, cụ thể là 10 nghị sỹ của đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland, đã tuyên bố phản đối thỏa thuận vì cho rằng nội dung của nó không có lợi cho khu vực. Trừ phi DUP thay đổi quan điểm, số phận của thỏa thuận mới có thể phụ thuộc phần lớn vào quyết định của các thành viên Công đảng đối lập, chính đảng hiện giữ 244 ghế.

Khoảng 20 nghị sỹ Công đảng, chủ yếu đại diện cho lực lượng ủng hộ Brexit, từng tuyên bố mong muốn một thỏa thuận phù hợp để thực thi kết quả cuộc trưng cầu ý dân năm 2016. Hầu hết các thành viên Công đảng sẽ bỏ phiếu phản đối sau khi lãnh đạo Jeremy Corbyn bày tỏ quan điểm không đồng tình của mình. 36 thành viên đảng Dân tộc Scottland và 19 thành viên đảng Dân chủ Tự do cũng sẽ bác bỏ thỏa thuận.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/anh-va-eu-dat-thoa-thuan-brexit-van-con-nhieu-tro-ngai-166612.html