Áo dài Việt và câu chuyện di sản của tương lai
Dù là niềm tự hào của người Việt, song đến nay áo dài vẫn chưa nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể.
Điều này khiến không ít nhà thiết kế thời trang truyền thống và giới nghiên cứu văn hóa chạnh lòng.
Thiếu pháp lý cho áo dài Việt
Áo dài có lịch sử lâu dài, được coi là trang phục truyền thống của Việt Nam. Nếu như áo dài nữ là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng, toát nét duyên dáng thì áo dài nam ẩn chứa sự trang trọng, nghiêm cẩn. Tiền thân của áo dài Việt Nam là chiếc áo giao lĩnh.
Sau đó đến thế kỷ thứ 17, áo dài được cách điệu thành kiểu áo tứ thân để thuận tiện cho phụ nữ lao động và sản xuất. Thời vua Gia Long nhà Nguyễn, áo dài ngũ thân xuất hiện, liên tiếp sau đó là các kiểu áo dài Lemur, áo dài Lê Phổ, áo dài Raglan.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Phạm Nguyên Thảo - tác giả sách “Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay” cho hay, khi áo dài Lemur Cát Tường ra đời, đã phân định rõ phụ nữ nước ta - nước ngoài.
Đây là thành công lớn nhất của họa sĩ Cát Tường bởi thời đó, nước ta chưa có chiếc áo dài như ngày nay, mà chỉ có áo tứ thân và áo ngũ thân là trang phục thường ngày. Vào tháng 3/1934, họa sĩ Cát Tường đưa ra mẫu áo dài đầu tiên trên báo Phong Hóa với hình ảnh chiếc áo dài Lemur được thiết kế ôm sát tôn dáng thể hiện tư tưởng tân thời.
Áo dài Lemur thịnh hành đến khoảng những năm 1943. Sau đó, các thiết kế áo dài hầu như được lấy cảm hứng cách tân từ áo dài Lemur. Đặc biệt là áo dài Lê Phổ, do họa sĩ Lê Phổ thiết kế kết hợp từ áo tứ thân và biến thể của áo dài Lemur. Lê Phổ đã thu gọn kích thước áo dài để ôm khít thân hình người phụ nữ, đẩy cầu vai, kéo dài tà áo chạm đất và đem đến nhiều màu sắc mới mẻ.
Lê Phổ đã bỏ hết những ảnh hưởng phương Tây và thay thế bằng những chi tiết từ áo tứ thân. Từ thời điểm này đến những năm 1950, phong cách áo dài Việt Nam đã trở nên vô cùng nổi tiếng. Tiếp sau đó là áo dài Raglan xuất hiện vào năm 1960 do nhà may Dung ở Đakao (Sài Gòn) sáng tạo.
Áo dài Raglan ôm khít cơ thể, cách nối tay từ cổ chéo xuống một góc 45 độ giúp người mặc thoải mái. Hai tà nối với nhau bằng hàng nút bấm bên hông. Đây chính là kiểu áo dài định hình phong cách cho áo dài Việt Nam sau này.
Bên cạnh các giá trị văn hóa truyền thống, trang phục áo dài luôn được sáng tạo, biến đổi để phù hợp các giá trị mới của thời đại. Nhưng dù thế nào thì chiếc áo dài truyền thống vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào có được.
Là niềm tự hào của người Việt nên áo dài luôn được quan tâm và trở thành di sản trong tiềm thức mỗi người. Tuy nhiên để đầy đủ tính pháp lý, cuối năm 2020, hội thảo “Tham vấn ý kiến chuyên gia về việc lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến áo dài” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhằm thúc đẩy việc ghi danh.
Đại diện Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nói rằng, đây là hoạt động quan trọng, đưa ra những đề xuất để cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục vào cuộc nhằm tôn vinh áo dài Việt Nam bằng giá trị pháp lý. Mặc dù vậy, cho đến nay áo dài vẫn chưa được đưa vào danh mục di sản.
Áo dài kể chuyện văn hóa
Tại cuộc gặp gỡ báo chí giới thiệu về chương trình nghệ thuật áo dài “Nơi tôi sinh ra” diễn ra vào tối 5/1 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), nhà thiết kế Minh Hạnh bày tỏ trăn trở, rằng: Trong tiềm thức, trái tim người Việt đều coi áo dài là di sản.
Tuy nhiên cũng nói thẳng, áo dài Việt Nam đến giờ này vẫn chưa có tính pháp lý khi chưa được đưa vào danh mục di sản văn hóa. Mọi người đã yêu quý, tôn trọng và đặt áo dài ở vị trí thiêng liêng nhất, nhưng nếu không có xác nhận chính thức thì áo dài chưa đúng nghĩa là di sản
Bởi vậy, đêm nghệ thuật áo dài “Nơi tôi sinh ra” không chỉ đơn thuần là một buổi trình diễn thời trang mà còn là câu chuyện văn hóa và câu chuyện di sản của tương lai. Từ những câu chuyện riêng được kể bằng áo dài, các nhà thiết kế sẽ mang đến nhiều chia sẻ thú vị về mảnh đất quê hương, nơi mỗi người gắn bó theo nhiều cách khác nhau.
TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám cho biết, đây là sản phẩm chào năm mới, khởi động cho nhiều dự án của Văn Miếu trong việc kết hợp tour đêm Văn Miếu với nhiều hoạt động văn hóa nhằm tăng tính trải nghiệm cho du khách. Điều đặc biệt, trong chương trình sẽ trình chiếu ánh sáng 3D mapping kết hợp trình diễn áo dài.
“Chương trình chiếu ánh sáng 3D mapping kết hợp với trình diễn áo dài truyền thống không chỉ tôn vinh giá trị di sản mà còn tôn vinh nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam. Trong chương trình, câu chuyện về áo dài đến từ nhiều vùng, miền khác nhau sẽ được kể trong không gian nghệ thuật của âm nhạc và ánh sáng, mang đến trải nghiệm hấp dẫn”, ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ.
Trong chương trình, nhà thiết kế Minh Hạnh sẽ giới thiệu bộ sưu tập áo dài với chất liệu thổ cẩm mang đậm dấu ấn của vùng đất và con người Tây Nguyên. Nhà thiết kế Thanh Thúy sẽ mang đến những bộ áo dài có họa tiết, dáng dấp của hoa ban - loại hoa đặc trưng của Điện Biên.
Nhà thiết kế Cao Minh Tiến sẽ giới thiệu bộ sưu tập áo dài ký họa về Hà Nội. Nhà thiết kế Công Huân sẽ giới thiệu bộ sưu tập áo dài đặc trưng của TPHCM…
Từ trước tới nay, hoạt động trình diễn và tôn vinh nét đẹp áo dài Việt luôn được chú trọng. Dù áo dài chưa nằm trong danh mục di sản, song việc được ghi danh chỉ là câu chuyện sớm - muộn của một di sản trong tương lai.
Trong khuôn khổ hoạt động hướng đến áo dài là di sản văn hóa phi vật thể, trong tháng 10/2023 câu lạc bộ Di sản áo dài TPHCM với thông điệp “Áo dài Việt Nam, di sản Việt Nam, khí chất Việt Nam, vươn tầm thế giới” - đã được ra mắt với sứ mệnh bảo tồn và lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt Nam qua trang phục dân tộc. Đồng thời, góp phần xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.