Ðào tạo nghề gắn với thực tiễn

Trong năm 2024, kế hoạch giáo dục và đào tạo nghề bắt đầu có sự thay đổi rõ rệt về truyền thông, phương thức dạy, các chính sách hỗ trợ người học...

Nhằm thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với mục tiêu theo hướng mở, linh hoạt, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận; những năm gần đây, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau đã có bước chuyển lớn về tư duy trong hoạt động đào tạo nghề, đó là tăng cường sự liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp (DN), đào tạo theo định hướng vị trí công việc hiện có của DN. Ðiều này thể hiện rõ bằng việc nhà trường thường xuyên liên hệ với các cơ quan, DN trong và ngoài địa bàn tỉnh để lấy ý kiến về nhu cầu việc làm thực tế của cơ quan, DN; hằng năm trường cử giảng viên đến thực tế tại DN (khoảng 20 ngày); mời DN tham gia xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo; DN tham gia đánh giá chất lượng đào tạo khi học sinh, sinh viên (HSSV) thực tập tay nghề, thực tập tốt nghiệp tại DN.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, cho biết, nhà trường luôn chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường rèn kỹ năng mềm cho HSSV nhằm phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học. Tôn chỉ của nhà trường là đào tạo có trách nhiệm với người học, với xã hội; đào tạo gắn với hỗ trợ giải quyết việc làm cho người học. Nhà trường cam kết giới thiệu việc làm cho người học.

Lớp nuôi trồng thủy sản - Trường Cao đẳng Cộng đồng trong giờ thực hành. (Ảnh chụp năm 2023).

Lớp nuôi trồng thủy sản - Trường Cao đẳng Cộng đồng trong giờ thực hành. (Ảnh chụp năm 2023).

"Chính sự thay đổi này đã giúp tỷ lệ HSSV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đúng chuyên ngành đào tạo tăng đáng kể trong những năm qua. Cụ thể, trong 2 năm gần đây, số lượng HSSV có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp là hơn 90%; riêng ngành Nuôi trồng thủy sản và ngành Giáo dục mầm non, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp là 100%, với mức lương tương đối ổn định, đáp ứng được mức sinh hoạt tại địa phương. Ngoài ra, do nắm bắt được tâm lý, nhu cầu của người học và phụ huynh về việc học tập nâng cao trình độ nên trường liên kết với các trường đại học lớn, có tiếng trong khu vực để xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng việc liên thông dễ dàng, giúp người học tiết kiệm thời gian, tài chính", Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nhung cho biết thêm.

Phát triển GDNN mở, linh hoạt, đa dạng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, liên thông giữa các trình độ GDNN và liên thông với các trình độ đào tạo khác, là thời cơ và thách thức cho cơ sở GDNN nói chung và các trường đào tạo nghề tại tỉnh Cà Mau nói riêng. Trong đó, cơ hội mang lại cho các trường rõ nét nhất là chất lượng dạy và học của các trường ngày một cải thiện, nhờ vào việc các trường thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo theo hướng chủ động, linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo đúng quy chế, quy định của pháp luật.

Tỉnh đề ra chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trong năm 2024 là 28 ngàn người, trong đó hệ cao đẳng, trung cấp 1.280 người, đào tạo sơ cấp và đào tạo thường xuyên 26.720 người, nhằm đảm bảo tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2024 đạt 58%. Nguồn kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn vốn Trung ương và địa phương là 400 triệu đồng.

Các buổi tư vấn giáo dục nghề nghiệp thường xuyên được diễn ra tại trung tâm tư vấn việc làm tỉnh Cà Mau dành cho đối tượng thanh thiếu niên.

Các buổi tư vấn giáo dục nghề nghiệp thường xuyên được diễn ra tại trung tâm tư vấn việc làm tỉnh Cà Mau dành cho đối tượng thanh thiếu niên.

Mục tiêu của giáo dục và đào tạo nghề nghiệp năm 2024 của tỉnh là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, có sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số trong thời kỳ công nghệ 4.0. Tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành chương trình, khóa học có khả năng tự tìm việc làm, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập hoặc học ở trình độ cao hơn, làm chủ quy trình, công nghệ sản xuất, đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng lao động; góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các dự án về phát triển nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, đồng thời lập dự toán chi tiết vốn chương trình mục tiêu quốc gia; kịp thời thông qua chính sách tuyển sinh đào tạo trung cấp, cao đẳng, chính sách giảm học phí cho các hộ nghèo, cận nghèo tham gia học trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Bà Bùi Hồng Sáu, Phó trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp và việc làm, Sở LÐ-TB&XH, cho biết: “Ngay từ đầu năm, Sở LÐ-TB&XH ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội, gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Sở LÐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề năm 2024, ban hành danh mục ngành nghề, mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề sơ cấp và trình độ thường xuyên trên địa bàn tỉnh; tham mưu triển khai các đề án kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN. Vừa qua, đơn vị đã trình UBND tỉnh kế hoạch phát triển GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình tại Kỳ họp thứ 14 HÐND tỉnh. Bên cạnh đó, Sở LÐ-TB&XH phối hợp với các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đổi mới kế hoạch đào tạo nghề theo phương thức tích hợp mô đun. Ðã qua công tác này được triển khai đồng bộ và phối hợp chặt chẽ với địa phương. Ðến nay, kết quả đào tạo nghề của tỉnh được trên 14 ngàn người, đạt trên 50% kế hoạch đề ra”./.

Lam Khánh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/dao-tao-nghe-gan-voi-thuc-tien-a33768.html