Áp dụng cơ chế đặc thù để Hà Nội phát triển xứng tầm

Ngày 9-6, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Xung quanh vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ ý kiến tán thành việc áp dụng cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp Hà Nội phát triển xứng tầm với vị thế Thủ đô của cả nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh):
Đầu tư tương xứng với vị thế Thủ đô

Luật Thủ đô có hiệu lực đã tác động tích cực đến sự phát triển của Hà Nội. Song, từ thực tế triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, có những vấn đề mà khi chúng ta đưa vào nghị quyết tưởng là một lợi thế cho sự phát triển của địa phương, nhưng để thực hiện được thì vô cùng khó khăn, thậm chí không triển khai được. Đơn cử về vấn đề cổ phần hóa, hay việc thành phố Hồ Chí Minh được hưởng 50% nguồn thu từ tiền sử dụng đất… triển khai chậm. Ngay vấn đề hướng dẫn về triển khai cổ phần hóa đến giờ vẫn đang vướng và cần có những phương án để tháo gỡ. Với vị thế Thủ đô, Hà Nội không chỉ cần những cơ chế đặc thù mà còn cần được đầu tư xứng tầm từ ngân sách trung ương.

Là một người dân ở địa phương khác nhìn về Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, tôi mong muốn Hà Nội sẽ phát triển toàn diện, có một bộ mặt xứng tầm là Thủ đô của cả nước.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội):
Cần có bước đột phá để Hà Nội phát triển

Thực tế cho thấy, so với Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh thì Thủ đô Hà Nội không có quy định đặc thù về thuế. Với tính chất là Thủ đô, Hà Nội cũng cần đề xuất những quy định đặc thù mang tính đột phá như vậy để tạo tiền đề cho những bước phát triển mới. Theo quy định hiện hành, HĐND thành phố Hà Nội chưa được quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố phù hợp với yêu cầu phát triển. Chúng ta nên mạnh dạn cho phép áp dụng theo hướng Chính phủ chỉ giao dự toán phần thu, còn việc điều hành linh hoạt trong từng giai đoạn, từng thời kỳ, từng bối cảnh, nên cân nhắc giao quyền chủ động cho thành phố Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh):
Phát huy được thế mạnh, tạo sự chủ động

Tôi tán thành với việc thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho Hà Nội, bởi những cơ chế, chính sách mà Chính phủ đề xuất đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về mặt nguồn lực cũng như cơ chế để tạo điều kiện cho thành phố Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế là Thủ đô của cả nước. Trên cơ sở đó, cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội cần có những nghiên cứu về mặt chính sách ngân sách để vừa khai thác, phát huy được thế mạnh, vừa tạo chủ động cho địa phương. Tôi cũng tán thành đề xuất của Chính phủ về thẩm quyền quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ

phí, cho phép thí điểm giao cho HĐND thành phố Hà Nội thực hiện quyền hạn này. Bởi đề xuất này thực chất là để phân cấp cho HĐND thành phố Hà Nội quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho HĐND thành phố trong việc tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Nguyên Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/969666/ap-dung-co-che-dac-thu-de-ha-noi-phat-trien-xung-tam