Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amerd trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Anh Reuters thừa nhận lệnh cấm tái xuất khẩu vũ khí sang Ukraine đang gây tổn hại nghiêm trọng cho nước này.
Bà Amerd nói rõ: “Cá nhân tôi tin rằng nên tiến hành một bước đi nhằm mang tới sự thay đổi”, đồng thời lấy ví dụ trường hợp Hà Lan đã từ chối mua vũ khí của Thụy Sĩ do lệnh cấm nói trên.
Ngoài ra theo Tổng thống Thụy Sĩ, việc thiếu đơn hàng có thể dẫn đến tình trạng trì trệ về mặt công nghệ đối với ngành công nghiệp quốc phòng, từ đó kéo theo các vấn đề với an ninh quốc gia.
Người đứng đầu Liên bang nhấn mạnh, Thụy Sĩ sẽ không trực tiếp bán và cung cấp vũ khí cho các nước tham chiến, nhưng Bern cần đầu tư nhiều hơn vào an ninh châu Âu, cần lên kế hoạch tăng cường quan hệ với các đối tác, trong đó bao gồm NATO.
Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ khẳng định: “Trong 30 năm qua, chúng ta đã đầu tư một cách thiếu tương xứng vào lĩnh vực quốc phòng và cần phải khắc phục tình trạng này”.
Trước đó vào cuối tháng 9/2024, nhiều hãng truyền thông cho biết, hầu hết các quốc gia châu Âu bắt đầu từ bỏ vũ khí do những công ty có trụ sở tại Thụy Sĩ sản xuất.
Hành động trên theo nhận xét có liên quan đến lệnh cấm tái xuất khẩu vũ khí sang Ukraine, điều này gây ra phản ứng của nhiều quốc gia châu Âu đang sử dụng vũ khí Thụy Sĩ.
Sự không hài lòng lớn nhất được thể hiện rõ nhất ở Đức, khi Berlin có mối quan hệ chặt chẽ nhất với ngành công nghiệp quốc phòng và các loại vũ khí Thụy Sĩ sản xuất trong số tất cả những quốc gia châu Âu.
Hiện tại Đức không coi Thụy Sĩ là đối tác đủ tin cậy bởi vì chính quyền nước này đã cấm cung cấp một số loại vũ khí cho Berlin, xuất phát từ lo ngại Đức sẽ chuyển giao cho Ukraine.
Không chỉ riêng Đức, vào năm 2023, Hà Lan đã từ bỏ hoàn toàn việc mua vũ khí của Thụy Sĩ sau khi Bern chặn việc tái xuất khẩu 96 xe tăng Leopard 1 đang được cất giữ trên đất Ý.
Cần nói thêm, vào tháng 6.l/2024, tờ Blick của Thụy Sĩ cho biết, Ủy ban Chính sách An ninh thuộc Hội đồng Quốc gia (Hạ viện) của nước này (SiK) đã đưa ra đề xuất thay đổi luật xuất khẩu vũ khí.
Động thái trên diễn ra chỉ 3 ngày sau khi Hội nghị Hòa bình cho Ukraine kết thúc, dự thảo luật tương ứng sẽ sớm được hoàn thiện để trình lên Hội đồng Quốc gia để phê duyệt.
"Điều này sẽ cho phép cung cấp gián tiếp vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất hay từng sử dụng cho Ukraine", ấn phẩm Blick giải thích thêm.
Theo thông báo, 10 thành viên của Ủy ban đã bỏ phiếu ủng hộ và phản đối với tỷ lệ ngang nhau, 4 người bỏ phiếu trắng, nên lá phiếu quyết định thuộc về người đứng đầu SiK đó là bà Priska Seiler Graf.
"Vấn đề tiếp theo là không biết liệu đa số có được bảo toàn tại cuộc họp toàn thể của Hội đồng Quốc gia và Hội đồng các bang hay không. Ngoài ra, chắc chắn sẽ mất một thời gian trước khi dự luật nói trên có hiệu lực", tờ Blick lưu ý.
Trong gần hai năm, các chính trị gia Thụy Sĩ đã tìm kiếm lựa chọn pháp lý cho phép trong một số trường hợp nhất định có thể chuyển giao vũ khí cho một bên tham chiến bất chấp sự trung lập của nước này, nhưng mọi đề xuất đều thất bại.
Tuy nhiên với diễn biến mới, có khả năng Thụy Sĩ sẽ sớm phải sửa đổi chính sách xuất khẩu vũ khí.
Trong trường hợp được thông qua, Ukraine sẽ nhận được rất nhiều vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất, từ hệ thống pháo binh, xe thiết giáp cho tới tên lửa phòng không.
Việt Dũng