Áp lực mang tên 'Bài tập về nhà'

Bạn đọc M.H gửi tâm tư qua Fanpage của báo Cà Mau rằng, con mới vào lớp 1 mà mỗi ngày đã phải học 2 buổi từ 7 giờ sáng đến 16 giờ chiều, về nhà còn phải dành từ 2 giờ mỗi tối để viết bài tập theo yêu cầu của cô.

Với nỗi lòng người mẹ, chị H bày tỏ, trẻ em ở độ tuổi tiểu học, đặc biệt là lớp 1, đang trong giai đoạn hình thành nhân cách và phát triển tư duy. Học sinh lớp 1 cần thời gian để vui chơi, khám phá và phát triển các kỹ năng xã hội. Tuy nhiên, con chị và nhiều bạn học khác tại trường đang phải đối mặt với áp lực học tập quá lớn. Điều này không chỉ khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng mà còn làm mất đi những giây phút quý giá bên gia đình.

Chị mong muốn các cơ quan, ban, ngành có liên quan xem xét lại vấn đề giao bài tập cho học sinh tiểu học, đặc biệt là lớp 1. Và nên tổ chức các buổi hội thảo hoặc khảo sát ý kiến phụ huynh để lắng nghe những phản hồi, góp phần xây dựng một môi trường giáo dục hiệu quả hơn.

Đồ họa: LÊ TUẤN

Đồ họa: LÊ TUẤN

Thực tế, nỗi lòng của vị phụ huynh trên cũng giống câu chuyện của nhiều gia đình hiện nay có con học lớp 1, kể cả lớp 2, 3. Chỉ nhìn bộ sách giáo khoa và vở bài tập thôi là đã thấy áp lực vì ngoài việc các con học 2 buổi ở trường, mỗi tối phụ huynh còn phải dành thời gian để dạy kèm và giúp con làm bài tập về nhà. Nhiều vị phụ huynh hay nói đùa với nhau là hễ dạy con học là phải đóng “vai ác” tức là phải la mắng, dọa nạt… Chính họ cũng trở nên căng thẳng và đầy áp lực, thì con trẻ sẽ phải chịu áp lực đến mức nào.

Ngày 5/1/2020, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 3977/BGDĐT-GDTH yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh. Song, trên thực tế, một vài trường vẫn chưa thực hiện đúng quy định, học sinh vẫn được giao bài tập về nhà bởi nhiều lý do.

Nhìn từ góc độ con trẻ, nhất là đối với học sinh lớp 1, khi mới vừa làm quen với môi trường học tập, các em cần sự khuyến khích niềm yêu thích học tập, khám phá những kiến thức mới, tạo sự hứng khởi khi đến trường. Đây cũng là mục tiêu hướng tới của ngành giáo dục để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thực chất, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời kỳ hội nhập và là điều mà nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đang hướng tới để xây dựng “Trường học hạnh phúc” thay vì những áp lực từ bài vở, điểm số.

Thiết nghĩ, ngành giáo dục mà cụ thể là các nhà trường, giáo viên cần có giải pháp hợp lý nhằm giúp học sinh cân bằng giữa việc học và tham gia các hoạt động khác, không giao bài tập về nhà khi đã học 2 buổi trên lớp. Thay vào đó có thể giao nhiệm vụ cho các em để tạo sự kết nối kiến thức đang học ở trường với thực tế cuộc sống thông qua các hoạt động trải nghiệm để học sinh có thể vừa học vừa chơi. Ví như, ở nhà, học sinh có thể chia sẻ với ba mẹ, ông bà những gì đã học ở trường, cùng quan sát, suy nghĩ về chủ đề nào đó trong các bài đã học; hay cùng ba mẹ, ông bà đọc sách, kể chuyện... Thông qua những hoạt động này, các em có cơ hội suy nghĩ về những gì đã học, được trải nghiệm thì kiến thức sẽ nhớ lâu hơn, tăng thêm sự hứng thú học tập. Có như vậy, các em mới không cảm thấy căng thẳng và mỗi ngày đến trường cũng như khi về nhà đều là ngày vui./.

Phúc An

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ap-luc-mang-ten-bai-tap-ve-nha-a35177.html