Áp lực quản lý an toàn thực phẩm

Công tác quản lý an toàn thực phẩm tại TP HCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn cần tiếp tục cải thiện để bảo đảm sức khỏe cộng đồng

Ngày 6-10, Thường trực HĐND TP HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP HCM tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" tháng 10-2024 với chủ đề "An toàn thực phẩm (ATTP) - Sức khỏe cộng đồng".

Quản lý thực phẩm từ gốc

Phát biểu đề dẫn chương trình, ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM, cho biết TP HCM có dân số đông với 12 triệu người và 40 triệu khách du lịch (thống kê năm 2023), gây áp lực lên công tác quản lý nhà nước, trong đó có ATTP.

TP HCM đã thành lập Sở ATTP đầu tiên trong cả nước. Việc này giúp TP HCM tiết kiệm nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả quản lý khi thống nhất việc quản lý ATTP giữa 3 ngành: nông nghiệp, công thương, y tế về một đầu mối. Dù TP HCM có nhiều nỗ lực nhưng tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra, thực phẩm không an toàn vẫn còn.

Theo Sở ATTP TP HCM, sản xuất nông nghiệp tại thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 20%-30% nhu cầu thực phẩm của người dân (rau, củ, quả: 30%; động vật, sản phẩm động vật: 10%; thủy sản, sản phẩm thủy sản: 15%-20%). Đa số thực phẩm phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu nên TP HCM gặp khó khăn trong việc quản lý ATTP. Để kiểm soát thực phẩm đưa về thành phố tiêu thụ, TP HCM đã phối chặt chẽ với các địa phương trong việc cung ứng, tạo nguồn sao cho bảo đảm số lượng lẫn chất lượng.

Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP HCM giám sát tại chợ đầu mối Hóc Môn

Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP HCM giám sát tại chợ đầu mối Hóc Môn

Tại chương trình, các cử tri đã đặt ra nhiều câu hỏi về việc quản lý thực phẩm, như: công tác kiểm soát tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ tự phát và kinh doanh trên mạng; quản lý các suất ăn tại trường học, khu chế xuất - khu công nghiệp; tình hình giết mổ lậu…

"Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn"

Đại diện cơ quan trực tiếp quản lý các vấn đề về thực phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TP HCM, nêu chiến lược chính là "xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn".

Về "xây thực phẩm sạch", đến nay, TP HCM đã cấp giấy chứng nhận cho 332 trang trại, cơ sở sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng đạt tiêu chuẩn chuỗi thực phẩm an toàn, với sản lượng cung cấp bình quân/năm: rau, trái cây 349.000 tấn; thịt các loại 802.000 tấn; trứng gia cầm 2,6 tỉ quả; thủy sản các loại 25.900 tấn và 66 triệu lít nước mắm. Hệ thống giám sát mối nguy mất ATTP cũng đã lấy gần 36.000 mẫu xét nghiệm, phát hiện 0,18% mẫu không đạt (chỉ tiêu vi sinh, hóa lý).

Để "chống thực phẩm bẩn", TP HCM đã thanh tra, kiểm tra hơn 54.000 cơ sở; phạt hành chính 746 cơ sở với tổng số tiền 5 tỉ đồng và tịch thu, tiêu hủy hàng chục tấn thực phẩm không bảo đảm an toàn. Đáng chú ý, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã đình chỉ hoạt động 4 cơ sở, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an 1 cơ sở.

Đối với các bếp ăn tập thể, suất ăn sẵn, bà Lan cho biết 2.530/2.530 cơ sở đều đã được tập huấn và kiểm tra. Qua thanh tra các cơ sở này, lực lượng chức năng chỉ mới phát hiện 3 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt 24 triệu đồng.

Tại chương trình, bà Lan đã dành nhiều thời gian để nói về nhóm kinh doanh thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cao. Đó là thức ăn đường phố, thực phẩm "nhà làm", sản phẩm bán qua mạng và thực phẩm tại chợ tự phát. Theo bà, người dân muốn dùng thực phẩm an toàn thì nên chọn những nơi cung cấp hợp pháp, có sự kiểm soát vì có tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm.

"Người dân không nên dễ dãi trong việc mua thực phẩm vì khi xảy ra sự cố thì rất khó đòi quyền lợi. Với thực phẩm kinh doanh qua mạng, đây là xu hướng nhưng các quy định về quản lý nhà nước chưa theo kịp. Chúng tôi cũng có bộ phận theo dõi, giả làm người mua hàng để tăng cường xử lý nhưng thật sự là rất "đau đầu". Nhiều khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, đoàn thanh tra đến thì website đã không truy cập được, địa chỉ kinh doanh đã đóng cửa" - bà Lan nêu thực tế.

Phát biểu tại chương trình, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nhấn mạnh công tác kiểm soát ATTP, lo bữa ăn an toàn cho người dân là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền thành phố. Bởi lẽ, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân cũng như tương lai của cộng đồng.

Thời gian tới, TP HCM sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình thí điểm về thức ăn đường phố an toàn, cổng trường an toàn, chợ ATTP, nhân rộng chuỗi thực phẩm an toàn… "Chúng tôi mong người dân hợp sức với chính quyền để kiểm soát ATTP tốt hơn" - bà Trần Thị Diệu Thúy bày tỏ.

Phó Chủ tịch HĐND TP HCM Huỳnh Thanh Nhân cho rằng công tác quản lý ATTP tại thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn cần tiếp tục cải thiện để bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Thường trực HĐND TP HCM đề nghị UBND thành phố quan tâm 4 nội dung, gồm: xây dựng thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn, hướng dẫn người dân lựa chọn thực phẩm an toàn và hướng dẫn xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Không tự ý dùng thuốc khi bị ngộ độc thực phẩm

Trước câu hỏi của cử tri Trần Quang Tuấn (phường Bến Nghé, quận 1) về quy trình xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, bà Vũ Quỳnh Hoa, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ - Sở Y tế TP HCM, nhấn mạnh nếu gặp những triệu chứng như đau bụng dữ dội, nôn ói nhiều, tiêu chảy, sốt..., người dân cần đến bệnh viện ngay để được điều trị và theo dõi. Lưu ý, không tự ý sử dụng thuốc cầm tiêu chảy, thuốc chống nôn, thuốc kháng sinh... khi chưa có chỉ định của bác sĩ, mà phải chủ động bù nước và điện giải. Ngộ độc thực phẩm có thể gây nguy hại đến sức khỏe, ảnh hưởng đến tính mạng con người nếu không được điều trị đúng và kịp thời.

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ap-luc-quan-ly-an-toan-thuc-pham-196241006210351632.htm