Áp thuế GTGT 5% cho phân bón: 'Gỡ rối' cho thị trường, nâng tầm cho nông nghiệp
Nhiều ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng việc áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% cho phân bón là một chính sách cần thiết và kịp thời, góp phần gỡ rối cho thị trường, nâng tầm ngành nông nghiệp
Công ty Cổ phần DAP - Vinachem (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) là một trong những doanh nghiệp sản xuất phân bón hàng đầu trong nước, đang phải "gồng mình" gánh chịu gánh nặng “tích lũy hoàn thuế giá trị gia tăng” lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây chỉ là một ví dụ điển hình cho thấy những bất cập của chính sách miễn thuế giá trị gia tăng đối với phân bón hiện hành.
Trong bối cảnh đó, việc tái áp thuế giá trị gia tăng 5% được xem là giải pháp cần thiết để gỡ khó cho doanh nghiệp, tạo sự công bằng trên thị trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Nghịch lý “miễn thuế” gây khó cho doanh nghiệp nội
Luật thuế 71/2014/QH1 (có hiệu lực từ 1/1/2015) đã đưa các mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Chính sách miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra cho phân bón, tưởng chừng hỗ trợ nông dân nhưng lại vô tình tạo ra nghịch lý cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn phải chịu thuế giá trị gia tăng đầu vào cho nguyên vật liệu, máy móc, điện, nước… dẫn đến tình trạng “tích lũy hoàn thuế giá trị gia tăng.”
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần DAP, chia sẻ từ năm 2015, khi phân bón bị đưa vào danh mục không chịu thuế, toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào của nguyên nhiên vật liệu, sửa chữa, đầu tư, dịch vụ… phục vụ cho sản xuất phân bón không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí giá thành sản phẩm. Gánh nặng chi phí tăng lên đáng kể khiến cho giá thành và giá bán phân bón phải nâng lên.
“Số thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ tại Công ty DAP Đình Vũ (từ năm 2015 đến nay) đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Điều này làm tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu và hạn chế việc đầu tư đổi mới công nghệ.”
Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp phân bón trong nước gặp khó khăn, thậm chí phải thu hẹp sản xuất. Theo số liệu từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam, sản lượng phân bón trong nước đã giảm sút trong những năm gần đây, trong khi lượng phân bón nhập khẩu ngày càng tăng. Cụ thể (từ năm 2015 khi thực hiện Luật thuế 71), giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2%%-7,6%, phân DAP tăng 7,3%-7,8%, phân supe lân tăng 6,5%-6,8%, phân NPK và hữu cơ tăng 5,2%-6,1%... so với những năm còn áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón.
Đặc biệt, báo cáo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết việc đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất phân bón trong nước. Trong giai đoạn 2015-2020, trong bối cảnh cung phân bón trên thị trường thế giới dư thừa, phân bón nhập khẩu đã nhanh chóng chiếm có lợi thế cạnh tranh về giá bán. Điều này dẫn đến gia tăng nhập siêu khiến nền sản xuất phân bón trong nước bắt buộc phải thu hẹp quy mô và sản lượng sản xuất. Ở hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đồng loạt ghi nhận mức tăng trưởng âm, trong đó một số đơn vị lỗ trầm trọng và có nguy cơ phá sản. Thậm chí một số thời điểm, các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam buộc phải dừng sản xuất khi giá bán phân bón thấp hơn chi phí biến đổi sản phẩm.
Ông Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ thêm: “Khi phân bón không được đưa vào danh mục các mặt hàng chịu thuế thì giá thành sản xuất của công ty đã tăng bình quân từ 7,3%-8%/năm. Giá vốn tăng lên từng năm, ngày càng tích lũy nhiều hơn do hàng tồn kho cuối năm luân chuyển giá vốn tăng của từng năm.”
Một số ý kiến cho rằng việc tăng thuế suất giá trị gia tăng lên 5% đối với phân bón sẽ làm tăng giá thành sản phẩm và góp phần gây lạm phát. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Trung khẳng định tỷ trọng giá vốn/doanh thu sản xuất phân bón sẽ giảm khi điều chỉnh mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế. Do thay đổi cách hạch toán kế toán, doanh nghiệp được bóc tách phần thuế giá trị gia tăng đầu vào ra khỏi chi phí đầu vào sản xuất.
Ông Nguyễn Hoàng Trung dẫn chứng trực tiếp khi phân bón là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, giá vốn bao gồm cả phần thuế giá trị gia tăng đầu vào khiến tỷ trọng giá vốn/doanh thu là 78%. Khi phân bón là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng sẽ giúp giá vốn được bóc tách phần thuế giá trị gia tăng đầu vào. Và, tỷ trọng giá vốn/doanh thu chỉ còn khoảng 71%-73% (tùy từng loại phân bón).
Khi phân bón là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng: Giá bán phân bón bao gồm cả phần thuế giá trị gia tăng đầu vào giả sử là 100 đồng.
Khi phân bón là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng: Giá bán sau khi được bóc tách phần thuế giá trị gia tăng đầu vào sẽ giảm còn khoảng 93 đồng.
Và, giá bán sau thuế giá trị gia tăng = Giá trước thuế giá trị gia tăng * (1 + thuế giá trị gia tăng đầu vào 5%) bằng 98 đồng.
“Như vậy có thể thấy rằng sau khi được hoàn thuế giá trị gia tăng 5% thì số liệu chứng minh sẽ không làm tăng giá trên thị trường mà thậm chí chúng tôi còn có dư địa để giảm giá,” ông Nguyễn Hoàng Trung nhấn mạnh.
Đề nghị điều chỉnh chính sách thuế đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng để đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả của Luật Quản lý thuế. Ông Đỗ Văn Tuấn, Tổng Giám Đốc Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam cho biết khi phân bón là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, thì giá vốn bao gồm cả phần thuế giá trị gia tăng đầu vào đã làm cho tỷ trọng giá vốn của công ty lên 4% đến 5%.
Do đó, khi phân bón là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, giá vốn được bóc tách phần thuế giá trị gia tăng đầu vào thì tỷ trọng này sẽ giảm tương ứng. Và ông Đỗ Văn Tuấn chia sẻ doanh nghiệp sẽ giảm giá bán bởi thuế giá trị gia tăng đầu vào chủ yếu là trên 5-10% (trừ nguyên liệu đầu vào là phân bón) lớn hơn thuế giá trị gia tăng đầu ra 5%. Hơn nữa, khi giá bán phân bón giảm sẽ thúc đẩy sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp tăng, điều này góp phần giảm chi phí sản xuất.
Đối với Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các nguyên liệu và chi phí đầu vào có thuế suất 10% chiếm tỷ trọng lớn. Trên thực tế để đầu tư các dự án sản xuất phân bón, hầu hết máy móc thiết bị đều chịu thuế giá trị gia tăng 10%. Do đó, ông Nguyễn Quốc An ở vị trí Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm của công ty, dự tính với mặt bằng giá vật tư đầu vào ổn định đồng thời mức thuế suất mức 5% có hiệu lực, toàn bộ giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ, tùy từng loại sản phẩm giá thành sản xuất sản phẩm phân bón của công ty sẽ giảm từ 2%-3,5%.
Theo điều kiện thực tế sản xuất kinh doanh, công ty dự kiến cũng sẽ giảm giá bán sản phẩm phân bón từ 2%-2,5% để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Lúc này, nền sản xuất nông nghiệp trong nước có được sự chủ động, đây là điều sâu xa nhất để người nông dân được hưởng lợi lâu dài.
“Vì vậy, chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, với mức thuế suất 5% là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước về nền kinh tế,” ông Nguyễn Quốc An nói.
Bất bình đẳng cạnh tranh và hệ lụy
Việc miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra cho phân bón tạo ra sự bất bình đẳng cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu. Phân bón nhập khẩu được hưởng lợi thế cạnh tranh, trong khi doanh nghiệp nội địa phải chịu thiệt thòi.
Trên thị trường hiện nay, ghi nhận từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết năng lực sản xuất nhiều loại phân bón của các công ty trong nước đã dư thừa công suất và đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Nhưng, hàng nhập khẩu vẫn tiếp tục vào Việt Nam do có lợi thế cạnh tranh về giá. Hơn nữa, từ cuối năm 2023 và nửa đầu của năm 2024, hoạt động sản xuất phân bón thế giới đã dần phục hồi đồng thời gây sức ép cạnh tranh với sản phẩm phân bón trong nước.
Đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhấn mạnh nếu tiếp tục duy trì quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng sẽ không thể kéo giá phân bón trong nước giảm, mà còn gây nên một số tác động ngược, hạn chế hoạt động sản xuất, kinh doanh và làm suy giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Thực tiễn cho thấy chính sách thuế giá trị gia tăng bất hợp lý đang khiến phân bón nội địa “lép vế” so với sản phẩm nhập khẩu vốn đang được ưu đãi về thuế. Các đơn vị sản xuất phân bón trong nước lại đối mặt với tình trạng khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, dần giảm công suất sản xuất và đi đến dừng sản xuất.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Phụng phân tích: “Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Với chính sách hiện hành, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang phải gánh chịu một phần thuế giá trị gia tăng đầu vào, biến nó thành một dạng thuế trực thu. Trong khi đó, phân bón nhập khẩu lại được hưởng lợi. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.”
Sự bất bình đẳng này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, mà còn tác động đến cả nền kinh tế. Nó làm giảm sức cạnh tranh của ngành sản xuất phân bón trong nước, tăng sự phụ thuộc vào nguồn cung phân bón nhập khẩu và ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia.
Có chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc nhấn mạnh thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu được cộng vào giá mua hàng hóa, nhằm động viên sự đóng góp của người tiêu dùng. Trong khi, mặt hàng phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng vẫn phải chịu thuế đầu vào từ 5%-10% cho các yếu tố sản xuất. Mặt khác, nhiều mặt hàng nông sản, rau xanh trên thị trường vẫn chịu thuế giá trị gia tăng 5% khi đến tay người tiêu dùng.
Theo ông Dũng, phân bón là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng trong ngành trồng trọt, xét trong bối cảnh thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu thì phân bón thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% là hoàn toàn hợp. Việc một số mặt hàng là đầu vào của nông nghiệp là đối tượng không chịu thuế (theo Luật số 71/2014) cần được xem xét toàn diện các mối quan hệ giữa Nhà nước-doanh nghiệp-người tiêu dùng. Đặc biệt là mối quan hệ giữa mở cửa thị trường với bảo vệ sản xuất trong nước.
“Những năm qua, các doanh nghiệp nội địa đang chịu sức ép từ 2 phía. Thứ nhất bị hàng ngoại nhập khẩu ép giá, do không phải trả thuế. Thứ hai là giá thành phải tăng thêm khoản thuế đầu vào không được khấu trừ. Trên cơ sở thực tế này, kiến nghị áp thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định đã có trước đây để khắc phục bất cập này,” ông Nguyễn Văn Dũng kiến nghị.
'Gỡ rối' và nâng tầm
Việc áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% cho phân bón được xem là giải pháp "gỡ rối" cho thị trường và "nâng tầm" ngành nông nghiệp.
Khẳng định việc áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% không đồng nghĩa với việc giá phân bón sẽ tăng 5%, ông Nguyễn Hoàng Trung nhấn mạnh: “Khi được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giá vốn sản xuất sẽ giảm, tạo dư địa cho doanh nghiệp giảm giá bán, từ đó mang lại lợi ích cho người nông dân. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng người nông dân, ổn định giá cả và cung cấp sản phẩm chất lượng.”
Tương tự, ông Nguyễn Văn Dũng khẳng định khi số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ hoặc được hoàn thuế, doanh nghiệp có thêm nguồn lực để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng tích tụ vốn, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, chất lượng cao, hạ giá thành sản phẩm, chiếm ưu thế khi cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Điều này góp phần đảm bảo phát triển nguồn cung phân bón từ sản xuất nội địa ngày càng tăng, giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững đồng thời tăng cường mối quan hệ công nghiệp - nông nghiệp - nông dân và nông thôn.
“Giá bán trong nước đối với mặt hàng phân bón được hình thành theo cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng này được quyền tự định giá theo tín hiệu thị trường,” ông Dũng nói.
Sáng 29-10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đã trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và phân tích kỹ lưỡng tập trung vào mặt hàng phân bón.
Cụ thể, thuế giá trị gia tăng đối với nhóm mặt hàng phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế giá trị gia tăng số 71/2014/QH13, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế. Song, việc sửa đổi chính sách vào thời điểm đó có thể chưa đánh giá được hết các tác động đối với ngành sản xuất trong nước.
Nếu việc sửa Luật Thuế giá trị gia tăng lần này không khắc phục bất cập nêu trên thì ngành sản xuất phân bón trong nước tiếp tục phải chịu sự phân biệt đối xử so với tất cả các ngành sản xuất khác khi bị nằm ngoài phạm vi áp dụng thuế giá trị gia tăng và có rủi ro bị quay lại tình trạng suy giảm và ngừng sản xuất như giai đoạn 2015-2020. Điều này đi trái với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được đề ra tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: “Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí, chế tạo, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu...” Hơn nữa về lâu dài, sự phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu có thể làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực quốc gia, làm suy yếu ngành sản xuất trong nước đang từng bước phát triển trở lại và cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Lê Quang Mạnh cho rằng để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón, cần thiết đưa các nhóm mặt hàng này quay lại diện chịu thuế giá trị gia tăng 5% như dự thảo Luật Chính phủ đã trình để bảo đảm bình đẳng trong đối xử về thuế giá trị gia tăng như tất cả các ngành sản xuất khác trong nước.
Việc áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% cho phân bón không chỉ có lợi cho doanh nghiệp, người nông dân cũng được hưởng lợi từ nguồn cung phân bón ổn định, chất lượng và giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó, Ngân sách nhà nước có thêm nguồn thu để đầu tư phát triển nông nghiệp, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ nông dân.
Trên cơ sở đó, đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhấn mạnh một chính sách cần thiết và kịp thời, góp phần gỡ rối cho thị trường, nâng tầm ngành nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này cần đi kèm với các biện pháp quản lý thị trường chặt chẽ, ngăn chặn hành vi lợi dụng chính sách để tăng giá bất hợp lý đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc làm này là một bước đi quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và lợi ích của người nông dân.
Hơn thế nữa, việc chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế để các doanh nghiệp sản xuất được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón) là rất cần thiết và phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040./.