Áp thuế với phân bón tạo lợi thế cho doanh nghiệp trong nước
Sáng 29/10, Quốc hội đã nghe và thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu, các đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật và cũng tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật.
Không hoàn thuế với hàng nhập khẩu để xuất khẩu
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã quy định tại khoản 25 Điều 5 nội dung: Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 200 triệu đồng trở xuống. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Sẽ thu thuế giá trị gia tăng với hàng giá trị dưới 1 triệu đồng
Về việc thu thuế giá trị gia tăng với hàng giá trị nhỏ (dưới 1 triệu đồng), Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay, việc không thực hiện thu thuế hàng giá trị nhỏ thực hiện cam kết Công ước Kyoto. Chính phủ đã cụ thể hóa tại Quyết định 78/2010/QĐ-TTg. Tới đây, Chính phủ sẽ bãi bỏ quy định này, quy định rõ tại dự thảo luật. Theo đó, các hàng hóa giá trị nhỏ đều phải nộp thuế, bao gồm cả những loại hàng hóa đang bán giá rẻ trên sàn thương mại điện tử.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ về các trường hợp cung cấp hàng hóa cho các khách hàng nước ngoài được áp dụng thuế suất 0% nhất thiết phải được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, không bao gồm trường hợp hàng hóa được giao dịch giữa các đối tác trong nước theo chỉ định của thương nhân nước ngoài và thực chất được tiêu dùng trong nước, để tránh lợi dụng, gây thất thu ngân sách.
Liên quan đến hoàn thuế, có ý kiến đề nghị cân nhắc thấu đáo sự cần thiết của việc bổ sung quy định cho phép hoàn thuế đối với các trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó làm thủ tục xuất khẩu sang nước khác.
UBTVQH giải trình cho hay, thực tế đã có các trường hợp lợi dụng quy định này, nhập khẩu hàng hóa về, thay nhãn mác Việt Nam và xuất khẩu đi nước khác (gian lận về xuất xứ) đã được cơ quan hải quan phát hiện. Trong bối cảnh này, chính sách cho phép hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam rồi làm thủ tục xuất khẩu luôn sang nước thứ ba có nguy cơ làm gia tăng tranh chấp thương mại với các đối tác lớn và dễ bị các đối tượng lợi dụng, gian lận về xuất xứ, làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng hóa Việt Nam. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý lại để loại trừ, không cho phép hoàn thuế đối với các trường hợp này tại khoản 1 Điều 15.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật và cũng tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật như việc hàng nông sản, thủy sản chỉ qua sơ chế thông thường không phải nộp thuế đầu ra nhưng được khấu trừ thuế đầu vào; mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế, thuế suất 0% đối với nhóm hàng cung cấp cho nước ngoài; thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản; thuế đối với sản phẩm cung cấp trên nền tảng số; hoàn thuế đối với các trường hợp hàng hóa đã nhập khẩu để xuất khẩu và lưu ý thêm các mặt hàng như nước sạch, các sản phẩm văn hóa…
Kiến nghị áp dụng thuế giá trị gia tăng với phân bón
Giải trình một số vấn đề được nhiều đại biểu đề cập, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh đây là dự án Luật rất quan trọng, tác động đến hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Nhiều nội dung của dự thảo Luật đã được điều chỉnh, bổ sung để theo kịp sự vận hành của nền kinh tế.
Đối với nội dung về thuế GTGT với phân bón, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay thực chất đây là quy định đã áp dụng trước năm 2015. Từ năm 2015, Luật Thuế GTGT mới khi đó quy định phân bón không chịu thuế GTGT.
Chính vì vậy, suốt thời gian qua, các Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kiểm toán Nhà nước, các đoàn đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Bắc Giang, Cà Mau, Bình Định, Hải Phòng, Nam Định, Tiền Giang..., Hiệp hội phân bón, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã liên tục kiến nghị chuyển lại mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế suất 5%.
Trước băn khoăn của đại biểu lo ngại nếu áp dụng sẽ làm giá phân bón tăng, Phó Thủ tướng phân tích, giá phân bón phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá thành sản xuất, cung cầu của thị trường chứ không chỉ phụ thuộc vào thuế tăng hay giảm. Chỉ khi tất cả các yếu tố trên không đổi thì thuế tăng hay giảm bao nhiêu sẽ ảnh hưởng đến giá thành bấy nhiêu.
Nhưng thực tế, giá thành sản xuất cũng phụ thuộc nhiều yếu tố như khoa học công nghệ, năng suất lao động và đặc biệt là cung cầu. Ngay cả khi mặt hàng này không chịu thuế thì trong giai đoạn 2018 đến 2022, giá phân đạm ure vẫn tăng 19,71% - 43,6%. Năm 2023, giá phân đạm ure cũng lại tăng 6,29 - 6,4% do cầu cao, cung thấp.
Về lợi ích của quy định mới với doanh nghiệp và người nông dân, Phó Thủ tướng tiếp tục giải thích, khi áp thuế thì hàng hóa trong nước và nhập khẩu đều phải chịu thuế. Theo tính toán, số thuế phải nộp thêm chủ yếu của hàng nhập khẩu, cụ thể doanh nghiệp nước ngoài phải nộp thêm 1.500 tỷ đồng, cao hơn nhiều số thuế doanh nghiệp trong nước phải nộp thêm là 200 tỷ đồng (do hàng nhập khẩu chiếm số lượng lớn hơn).
Như vậy, doanh nghiệp trong nước sẽ có lợi thế lớn hơn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Nhờ lợi thế này, doanh nghiệp trong nước có thể cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ hiện đại, giảm giá thành phần và qua đó giảm được giá bán cho người nông dân.
Từ những lợi ích như vậy, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc bày tỏ mong muốn được các đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT để tạo điều kiện, lợi thế cho doanh nghiệp trong nước làm chủ thị trường./.