Australia đối mặt với nguy cơ gia tăng nắng nóng và số vụ cháy rừng

Theo báo cáo của Chính phủ Australia công bố ngày 31/10, Australia cần chuẩn bị cho nguy cơ cháy rừng kéo dài và nguy hiểm hơn trong những năm tới, khi những thay đổi về xu hướng thời tiết có thể dẫn đến nhiều ngày nóng hơn và ít ngày mát hơn.

Khói lửa bốc lên tại đám cháy rừng ở phía Bắc thành phố Perth, Australia ngày 23/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Khói lửa bốc lên tại đám cháy rừng ở phía Bắc thành phố Perth, Australia ngày 23/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo chung của Cục Khí tượng và Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) của Australia cho thấy các đại dương xung quanh Australia đang tiếp tục ấm lên, với sự gia tăng CO2 trong khí quyển dẫn đến đại dương có tính axit hơn, đặc biệt là ở phía Nam. Trong một tuyên bố kèm theo báo cáo, Giám đốc nghiên cứu của CSIRO Jaci Brown nhận định mực nước biển xung quanh Australia dâng cao làm tăng nguy cơ ngập lụt và gây thiệt hại cho hạ tầng và các cộng đồng cư dân ở ven biển.

Trong thập kỷ qua, Australia đã trải qua nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt thường xuyên hơn, hạn hán, nắng nóng trên biển và cháy rừng tàn khốc…, với một số trong đó được cho là có liên quan tới biến đổi khí hậu. Báo cáo dự báo trong những thập kỷ tới, các trận mưa lớn ở nước này sẽ trở nên dữ dội hơn, với lượng mưa tăng từ 10% trở lên ở một số khu vực, trong khi thời gian hạn hán trung bình dự kiến cũng sẽ tăng lên ở miền Nam và miền Đông.

Người đứng đầu Bộ phận nghiên cứu về khí hậu của Cục Khí tượng Karl Braganza cho biết Australia đang tiếp tục nóng lên, với 8/9 năm nóng nhất đã được ghi nhận kể từ năm 2013. Xu hướng này đã dẫn đến sự gia tăng thời tiết khắc nghiệt và mùa cháy rừng kéo dài hơn trên hầu hết các vùng rộng lớn của nước này.

Báo cáo chỉ ra rằng tình trạng khô hạn hơn trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 10 tại khu vực Tây Nam và Đông Nam, cùng lượng mưa thấp hơn ở khu vực Tây Nam có khả năng trở thành điểm đặc trưng của khí hậu Australia. Lũ lụt ở khu vực ven biển sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong giai đoạn sau của thế kỷ này. Trong khi đó, tình trạng ấm lên và axit hóa đại dương sẽ dẫn đến hiện tượng tẩy trắng san hô nghiêm trọng hơn. Tẩy trắng là hiện tượng xảy ra khi nhiệt độ nước biển tăng cao, khiến san hô đẩy tảo ra ngoài. Quá trình này khiến màu sắc rực rỡ của san hô biến mất, chỉ còn lại duy nhất màu trắng.

Dũng Đào (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/australia-doi-mat-voi-nguy-co-gia-tang-nang-nong-va-so-vu-chay-rung-20241031134147790.htm