Ba Lan mua tên lửa hi họng xuyên được APS Nga?
Nhà thầu Rafael của Israel vừa ký hợp đồng cung cấp tên lửa chống tăng tầm xa thế hệ 5 Spike LR2 cho Quân đội Ba Lan.
Thông tin về hợp đồng được Al Zaher, giám đốc khu vực của Rafael cho biết: "Chúng tôi đã ký hợp đồng với Ba Lan cũng cấp số lượng lớn tên lửa chống tăng Spike LR2. Hợp đồng sẽ được hoàn thành ngay trong năm 2021 hoặc sang đầu năm sau".
Điều đặc biệt theo vị giám đốc này là Rafael đã đồng ý chuyển giao công nghệ cho phép Ba Lan sản xuất Spike LR2 trong nước. "Chúng tôi đã ký một thỏa thuận cung cấp cho Công ty Mesko của Ba Lan công nghệ mới, cho phép họ sản xuất Spike LR2.
Việc Ba Lan mua tên lửa và công nghệ sản xuất Spike LR2 của chúng tôi mà không phải dòng tên lửa tiên tiến nào khác từ phương Tây xuất phát từ những tính năng đặc biệt của tên lửa này, trong đó có khả năng xuyên thủng được hệ thống phòng vệ chủ động (APS) của xe tăng", giám đốc Al Zaher nói.
Cùng với đó, tờ Defense News dẫn nguồn tin quân sự Ba Lan cũng tiết lộ về lý do mua Spike LR2: "Chúng tôi cần có dòng tên lửa tấn công tầm xa mạnh mẽ và tin cậy, đủ sức đánh bại xe tăng Nga cùng hệ thống phòng vệ của chúng. Spike LR2 là lựa chọn cuối cùng được chúng tôi đưa ra".
Lý do đầu tiên Ba Lan bị thuyết phục bởi Spike LR2 là dòng tên lửa này được thiết kế với hai loại đầu đạn. Loại đầu tiên biến Spike LR2 thành một tên lửa chống tăng đáng sợ là đầu đạn xuyên giáp tăng cường, tăng khả năng xuyên giáp 30% so với thế hệ trước.
Loại thứ hai là phiên bản đầu đạn đa năng, tùy thuộc vào tình huống và mục tiêu chiến đấu bọc giáp hay hạng nhẹ mà có những cài đặt phù hợp. Sự linh hoạt này cho phép người bắn có thể thiết lập chế độ chạm nổ hoặc đâm sâu vào mục tiêu rồi phát nổ.
Khi ở chế độ xuyên nổ, lượng nổ nhỏ sẽ tạo lỗ thủng trên mục tiêu, lượng nổ chính sẽ đâm sâu vào bên trong và phát nổ, phá hủy mục tiêu từ bên trong. Tầm bắn của Spike LR2 được xác định lên tới gần 6km, một khoảng cách được cho là vừa đủ để nằm ngoài tầm phát hiện mục tiêu của xe tăng Nga.
Khi sử dụng trên máy bay trực thăng, tên lửa có thể lựa chọn sử dụng một đầu truyền dữ liệu HD và tăng gấp đôi phạm vi tiêu chuẩn. Đi kèm với đầu đạn mới là một hệ thống dẫn đường laser và hồng ngoại tối tân có thể phát hiện và tấn công những mục tiêu biến mất sau chướng ngại vật, hoặc bề mặt mục tiêu phản xạ kém.
Đối với những mục tiêu như vậy, tên lửa thế hệ thứ ba chắc chắn sẽ trượt mục tiêu, còn tên lửa thế hệ thứ tư sẽ cần sự trợ giúp của người điều khiển. Trong khi đó, Spike LR2 có thể dễ dàng vượt qua những "thử thách" như vậy và có thể tự động theo dõi mục tiêu trong thời gian dài.
Tên lửa SPIKE LR2 cũng hỗ trợ tính năng đặc biệt cho các nhiệm vụ tấn công dưới sự chỉ điểm của bên thứ ba, cho phép tên lửa bắn dựa vào lưới tọa độ đã cung cấp. Tính năng này trở nên đặc biệt hữu ích trong việc bắn "mù" hay tiêu diệt các "mục tiêu biến mất", khi mà người bắn không thể quan sát thấy mục tiêu trong nhiều tình huống.
"Tất cả những tính năng tối tân này được tích hợp trên SPIKE LR2 cho phép tên lửa này có thể vượt qua sự đánh chặn của hệ thống APS trên xe tăng Nga hiện nay", nhà thầu Rafael khẳng định.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, dù có thể vượt qua được hệ thống APS nhưng xe tăng Nga vẫn còn đó hệ thống phòng vệ thụ động Shtora-1. Tổ hợp này sẽ phát ra ánh sáng màu đỏ khi hoạt động, có chức năng gây nhiễu, chế áp hệ thống dẫn đường laser và hồng ngoại trên tên lửa chống tăng điều khiển, khiến chúng bay lệch khỏi mục tiêu.
Shtora-1 còn bao gồm cụm ống phóng lựu đạn khói, có khả năng tạo sol khí hấp thụ dải sóng hồng ngoại, khiến xạ thủ đối phương không thể dẫn quả đạn lao tới mục tiêu. Hệ thống phòng vệ này còn được tích hợp cảm biến chiếu xạ laser 360 độ, giúp xe tăng tự động kích hoạt các biện pháp phòng vệ khi bị đối phương nhắm bắn.
Nó thậm chí có khả năng điều khiển nòng pháo chính quay tới vị trí nguồn phát laser, cho phép pháo thủ chủ động khai hỏa diệt mối đe dọa. Chỉ với tính năng này của Shtora-1, việc đối phó với xe tăng Nga chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng với bất kỳ loại tên lửa nào.