Lưu ý khi sử dụng công cụ AI

Thay vì coi AI (trí tuệ nhân tạo) như một công cụ 'làm thay', người dùng nên xác định AI là công cụ 'làm cùng', một trợ thủ đặc biệt trong quá trình làm việc, học tập.

Những năm gần đây, việc sử dụng công cụ AI như Chat GPT, Gemini, Copilot… trở nên phổ biến với nhiều người. Dù mang lại nhiều tiện ích, nhưng việc sử dụng AI cũng tiềm ẩn những rủi ro đáng kể.

Chuyên gia Công ty CP Công nghệ Giáo dục AES thông tin góc nhìn tổng quan về AI, cũng như chia sẻ một số lưu ý trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo sao cho chính xác, đạt hiệu quả.

AI ngày càng gắn bó với cuộc sống và công việc của con người

Theo Dell'Acqua et al (2023), nghiên cứu từ các trường đại học hàng đầu như Harvard, MIT và Wharton chỉ ra rằng, người sử dụng AI có thể hoàn thành công việc nhiều hơn 12,2%, nhanh hơn 25,1% và với chất lượng cao hơn 40% so với những người không sử dụng AI.

Chia sẻ quan điểm, Giáo sư Sherman Young, Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường RMIT cho hay: "AI sẽ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và công việc tương lai của con người. Chúng ta cần dạy sinh viên cách sử dụng AI với tư duy phản biện, có đạo đức và phù hợp với mục đích, hoàn cảnh, giống như cách chúng ta vẫn dạy sử dụng các công nghệ khác để làm việc hiệu quả và năng suất hơn như bấy lâu nay".

Những nghiên cứu và quan điểm trên chỉ là vài trong vô vàn những minh chứng cho sự phát triển và tính đa dụng của trí tuệ nhân tạo trong đời sống hiện nay. Thực tế cho thấy, AI đã trở thành một phần không thể thiếu trong công việc, học tập và sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, với giới trẻ, những người đang "đón đầu" làn sóng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 cần trang bị cho mình kỹ năng để tận dụng tối đa những tiện ích mà AI mang lại.

Cần nhớ rằng: AI không phải tuyệt đối

Cũng bởi tính tiện dụng và phổ biến, mà trí tuệ nhân tạo được nhiều người ngộ nhận và dán nhãn "vạn năng" và "không thể sai sót".

Thế nhưng, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Theo nghiên cứu từ Đại học Purdue, Chat GPT - một trong những công cụ trí tuệ nhân tạo phổ biến nhất hiện nay chứa đến 52% câu trả lời chứa thông tin sai lệch trong số 517 câu hỏi về lập trình được đưa ra.

Ngoài ra, theo đánh giá và nhận định của các lập trình viên, có tới 77% câu trả lời được diễn đạt một cách dài dòng, rườm rà. Tuy nhiên, nhờ phong cách ngôn ngữ "dễ hiểu" và "trôi chảy" nên câu trả lời của Chat GPT dù đưa ra nhiều thông tin sai nhưng vẫn nhận được sự ưa chuộng từ 35% người tham gia khảo sát.

Và có một điều khá bất ngờ trong nghiên cứu này là có đến 39% trường hợp các lập trình viên tham gia khảo sát không thể phát hiện ra những sai sót trong câu trả lời của Chat GPT.

Rõ ràng, nghiên cứu trên đã nhấn mạnh một điểm quan trọng: AI không phải là tuyệt đối. Các công cụ hỗ trợ từ AI đều có giới hạn, và không phải lúc nào cũng chính xác 100%. Do đó, người dùng nên hiểu đúng bản chất của nó chỉ là công cụ hỗ trợ chứ không nên phụ thuộc hoàn toàn. Cần làm quen với việc kiểm tra và xác minh thông tin từ nhiều nguồn khác nhau khi sử dụng. Việc này không chỉ giúp nâng cao độ tin cậy mà còn giúp quá trình tìm kiếm thông tin hiệu quả hơn.

Sự ngắn gọn, rành mạch và tư duy phản biện là vô cùng quan trọng

Sử dụng AI để phục vụ công việc, học tập cũng cần phải biết cách để tối ưu hóa công cụ. Nên bắt đầu từ chính cách đưa ra vấn đề. Thay vì chỉ đưa ra câu hỏi một cách ngẫu hứng, ngay lập tức thì nên dành thời gian suy nghĩ tổng quát vấn đề, sau đó tinh chỉnh cho câu hỏingắn gọn và đi thẳng vào vấn đề sẽ giúp AI cung cấp câu trả lời chính xác hơn, đồng thời giảm thiểu khả năng sai sót và độ dài không cần thiết.

Khi nhận được câu trả lời từ AI, không nên mặc định "AI nói gì cũng đúng". Thay vào đó, hãy kiểm tra lại thông tin, tra cứu các nguồn khác nhau để đảm bảo tính chính xác. Sau đó, sử dụng khả năng tư duy để đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên quan điểm cá nhân. Điều này vừa giúp rèn luyện tư duy phản biện, vừa đảm bảo độ tin cậy cho những thông tin phục vụ cho công việc, học tập.

Đừng để AI "làm thay", hãy để AI "làm cùng"

Thay vì coi AI như một công cụ "làm thay", người dùng nên xác định AI là công cụ "làm cùng", một trợ thủ đặc biệt trong quá trình làm việc, học tập. AI không thể thay thế quá trình tư duy, nghiên cứu của người học, nhưng có thể hỗ trợ quá trình làm bài theo nhiều cách như: Gợi ý, bổ sung thêm ý tưởng, điều chỉnh cách diễn đạt, kiểm tra lỗi ngữ pháp, cung cấp thông tin tham khảo...

Thông qua việc "hợp tác" với AI, có thể tận dụng tối đa sức mạnh công nghệ mà vẫn đảm bảo năng lực của bản thân trong học thuật. Bởi vậy, nếu biết cách sử dụng đúng đắn, AI có thể trở thành một đồng minh tuyệt vời trong hành trình học tập, làm việc của con người, dù không thể thay thế sự sáng tạo và trí tuệ con người.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/luu-y-khi-su-dung-cong-cu-ai-119241105171440244.htm