Bà Nguyễn Phương Hằng chịu hợp tác với cơ quan điều tra…có được tại ngoại?

Dư luận đặt câu hỏi, nếu bà Phương Hằng hợp tác với cơ quan điều tra, có được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú?

Bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam mới đây bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng để điều tra hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Đáng chú ý, tại thời điểm xác minh, Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật nhưng sau khi bị khởi tố, bắt giam đến nay, bà Hằng có thái độ hợp tác tốt hơn.

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, trong quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng có thể sẽ được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú nếu cơ quan tố tụng có căn cứ cho thấy bị can hợp tác với cơ quan điều tra trong việc làm rõ vụ án và không có dấu hiệu bỏ trốn.

Nhiều lần được cảnh báo, nhắc nhở, răn đe nhưng bà Hằng vẫn tiếp tục hành vi vi phạm.

Theo quy định của pháp luật, khi có căn cứ xác định tội phạm, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khi làm rõ người thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ khởi tố bị can. Khi khởi tố bị can, cơ quan điều tra sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú.

Đối với những tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, thường là cơ quan điều tra sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú trừ một số trường hợp bị can cản trở hoạt động điều tra, có dấu hiệu bỏ trốn thì sẽ tạm giam. Còn biện pháp tạm giam sẽ được áp dụng trong trường hợp bị can phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 331 bộ luật hình sự quy định tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân có mức hình phạt cao nhất không quá 7 năm tù, đây là tội nghiêm trọng theo quy định tại Điều 9 của bộ luật hình sự. Cụ thể: "Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 3 năm tù đến 7 năm tù".

Theo quy định của pháp luật, biện pháp tạm giam chỉ áp dụng đối với tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (với những tội danh mà khung hình phạt trên 15 năm tù).

Tuy nhiên pháp luật cũng quy định một số trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng cũng có thể bị tạm giam nếu như bị can cản trở hoạt động điều tra, có dấu hiệu bỏ trốn, bị bắt truy nã hoặc có các hành vi khác cho thấy nếu không tạm giam thì vụ án sẽ không được giải quyết một cách khách quan, triệt để.

Nội dung này được quy định tại khoản hai điều 119 bộ luật tố tụng hình sự như sau: Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Ngoài ra, điều luật này cũng quy định tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 2 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra đang cho rằng bà Hằng đã có hành vi không hợp tác, cản trở hoạt động điều tra. Ngoài ra, khi cơ quan điều tra có quyết định hạn chế xuất cảnh, bà Hằng cũng có những phát ngôn thể hiện không chấp nhận, không chấp hành... căn cứ vào hành vi, thái độ với cơ quan tố tụng nên căn cứ vào quy định tại khoản 2, Điều 119 bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan điều tra đã tiến hành tạm giam đối với nữ doanh nhân này là có căn cứ.

Trong quá trình điều tra, nếu trường hợp bà Hằng không bị khởi tố thêm tội danh khác, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả và không có dấu hiệu cản trở hoạt động điều tra, không bỏ trốn, bà Hằng có thể sẽ được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú. Trong quá trình bào chữa cho bà Hằng, các luật sư sẽ viện dẫn các quy định pháp luật, đưa ra các đề xuất, đồng thời gia đình cũng có thể có đơn xin bảo lĩnh tại ngoại để thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với nữ doanh nhân này.

Mời độc giả xem thêm video Khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng:

Nguồn: THĐT

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/ba-nguyen-phuong-hang-chiu-hop-tac-voi-co-quan-dieu-traco-duoc-tai-ngoai-1680941.html