Ba rủi ro lớn đánh chặn kinh tế Trung Quốc 6 tháng cuối năm 2021

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2021. Mặc dù điều này thể hiện rõ vai trò đầu tàu dẫn dắt kinh tế toàn cầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, giờ chưa phải thời điểm để lạc quan quá mức.

Có ba rủi ro lớn sẽ đe dọa xu hướng phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm của Trung Quốc. Hình ảnh container hàng hóa tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Có ba rủi ro lớn sẽ đe dọa xu hướng phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm của Trung Quốc. Hình ảnh container hàng hóa tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Tính theo quý, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 18,3% trong quý I/2021, nhưng đến quý II/2021, con số này giảm xuống chỉ còn 7,9%. Mặc dù triển vọng nền kinh tế quốc gia châu Á vẫn ở mức tươi sáng, song sức mạnh đã giảm đáng kể.

Thị trường nhận định, xu hướng tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc trái ngược với năm 2020, được thể hiện rõ ở xu hướng giảm dần theo từng quý. Đặc biệt là trong nửa cuối năm, cùng với thời kỳ cơ sở (thời kỳ đầu tiên trong một hệ thống chỉ số, có thể được coi là thước đo cho dữ liệu kinh tế) từng bước tăng cao, sức mạnh tăng trưởng sẽ suy yếu đáng kể.

Nền kinh tế "3 mới"

Khi công bố số liệu kinh tế ngày 15/7, lần đầu tiên Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) đã thêm vào chỉ số nhận định bình quân hai năm.

Điều đó có nghĩa là lấy số liệu năm 2020 và 2021 trong thời gian dịch bệnh, so sánh với sự thay đổi của cùng kỳ năm 2019 để tính ra giá trị bình quân nhằm xem xét xu hướng kinh tế, chứ không phải chỉ đơn thuần dựa vào số liệu từng năm.

Từ chỉ tiêu mới này, có thể thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hai năm trong quý II/2021 của Trung Quốc là 5,5%, cao hơn mức tăng 5% của quý I/2021, đồng thời cũng tốt hơn mức 5,3% của 6 tháng đầu năm. Con số này cũng thể hiện rõ động lực kinh tế của Bắc Kinh vẫn mạnh mẽ.

Trong số các nguyên nhân, bên cạnh sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu bên ngoài, việc Trung Quốc đẩy nhanh điều chỉnh kết cấu kinh tế và sản xuất công nghiệp trong những năm gần đây có lẽ cũng là nhân tố quan trọng.

Chẳng hạn, phân tích cụ thể kết cấu tăng trưởng kinh tế có thể phát hiện một điểm sáng nổi bật trong sự vượt trội toàn cầu của nền kinh tế Trung Quốc trong hai năm qua, đó chính là tăng trưởng của nền kinh tế "3 mới" tiếp tục phát triển, cao hơn hiệu suất của toàn bộ nền kinh tế.

Nền kinh tế "3 mới" tập hợp các hoạt động kinh tế lấy ngành công nghiệp mới, hình thái kinh doanh mới và mô hình kinh doanh mới làm hạt nhân, phạm vi bao trùm ngành công nghiệp thứ nhất, thứ hai và thứ ba, đại diện đằng sau là động lực tăng trưởng của nền kinh tế mới trong tương lai.

Kể từ khi bắt đầu thống kê số liệu này vào năm 2018, về cơ bản Trung Quốc đều ghi nhận xu hướng tăng trưởng liên tục, hơn nữa, tỷ trọng đóng góp trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ngày càng cao.

Theo số liệu của NBS, năm 2020, khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chứng kiến cú sốc nghiêm trọng từ hậu quả của dịch Covid-19, giá trị sản xuất công nghiệp của nền kinh tế "3 mới" tăng 4,5%, cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng kinh tế cùng kỳ, tỷ trọng GDP tăng từ 16,4% của năm 2019 lên 17,1% trong năm 2020.

Trong khi đó, nếu chỉ đánh giá 6 tháng đầu năm 2021, xu thế tăng trưởng của "3 mới" cũng rất rõ nét. Chẳng hạn, cùng sử dụng tốc độ tăng trưởng bình quân hai năm để so sánh, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp có quy mô trên cả nước là 7%, trong đó, giá trị gia tăng của ngành sản xuất công nghệ cao là 13,2%, cao gần gấp đôi.

Chưa kể, nếu tiếp tục phân tích cụ thể các sản phẩm riêng biệt, giá trị gia tăng của các hình thái kinh doanh mới được đại diện bởi ô tô sử dụng năng lượng mới, robot công nghiệp, vi mạch tích hợp… đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình trên 30% trong hai năm qua.

Điều này đồng nghĩa với việc đằng sau sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc không chỉ đơn thuần là sự tăng lên về lượng, mà còn bao gồm sự thay đổi về chất, tiếp tục "bơm" thêm động lực tăng trưởng kinh tế mới của Trung Quốc.

Ba rủi ro lớn

Mặc dù nền kinh tế "3 mới" mang lại sinh khí tăng trưởng mới cho Trung Quốc, nhưng những rủi ro tổng thể có liên quan vẫn đeo bám, đây có lẽ cũng là điểm mà Bắc Kinh cần phải quan tâm nhất trong 6 tháng cuối năm.

Ba rủi ro lớn là vật giá, tỷ giá và nợ tăng lên đáng kể. Nếu xử lý không ổn thỏa sẽ làm trầm trọng thêm "cơn gió ngược" tăng trưởng kinh tế.

Chẳng hạn, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng liên tục gần 9% trong hai tháng, không những tạo ra mức cao mới trong gần 13 năm trở lại đây, mà còn gia tăng áp lực chi phí nhập khẩu hàng hóa của nhà sản xuất. Xu thế này sẽ không có lợi cho việc điều chỉnh kết cấu kinh tế trong nước của Trung Quốc thời gian tới.

Tiếp đến là tỷ giá, việc đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá, bên cạnh áp lực giá cả tăng cao khiến hoạt động tiêu dùng và đầu tư trong nước bị kiềm chế, làm chậm lại nhịp điệu chuyển đổi của vòng tuần hoàn kinh tế bên trong.

Chưa kể đến việc gần đây tập đoàn Tsinghua Unigroup phá sản và tái cấu trúc, tập đoàn Evergrande rơi vào khủng hoảng nợ, tất cả đều khiến cho rủi ro hệ thống tổng thể của Trung Quốc tăng cao.

Ba rủi ro lớn sẽ đe dọa xu hướng phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm của Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh cần phải lên kế hoạch ứng phó, làm tốt công tác chuẩn bị mới có thể ngăn chặn.

Đặc biệt, việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, làm thế nào để vừa quan tâm đến tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát tốt vật giá và tỷ giá là một bài kiểm tra về sự tỉnh táo đối với những nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương.

Dưới tiền đề kinh tế ổn định, không nên để xảy ra bất kỳ sai sót nào trong ba rủi ro lớn này, nếu không hậu quả sẽ không thể tưởng tượng được.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ba-rui-ro-lon-danh-chan-kinh-te-trung-quoc-6-thang-cuoi-nam-2021-152824.html