Bắc Bình: Hơn 90% người dân tộc thiểu số thi đậu hạng A1

Người Rắc Lây ở các xã Phan Lâm, Phan Sơn, huyện Bắc Bình nói về việc lấy bằng lái xe mô tô 2 bánh đơn giản qua câu trả lời rằng: 'Chỉ là hạng A1 thôi mà!'.Vấn đề mấu chốt ở chỗ, từ vùng cao này xuôi về Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) Bắc Bình khoảng 2 tiếng.

Ở trung tâm này đã được lắp xong sân sát hạch cảm ứng từ 5 năm trước. Bằng chứng, Thông báo số 1690/SGTVT-QLĐB ngày 14/6/2019 của Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận về việc thông báo cơ sở đào tạo đủ điều kiện hoạt động đối với Trung tâm GDNN-GDTX Bắc Bình. Theo đó, trung tâm được giao nhiệm vụ đào tạo, sát hạch GPLX hạng A1 cho người dân (trong đó có người đồng bào dân tộc thiểu số), giúp cho người học nắm được các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, có kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn.

Số liệu từ Trung tâm GDNN-GDTX Bắc Bình cho thấy, 9 tháng năm 2024, số lượng học viên đăng ký thi 2 bánh hạng A1 trên địa bàn huyện Bắc Bình là 1.322 người, số dự sát hạch 1.228 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số dự thi là 101 người. Nếu so với năm ngoái là tăng, khi chỉ có 864 học viên đăng ký, 763 học viên dự sát hạch, trong đó 58 đồng bào dân tộc thiểu số dự thi.

Điều đáng chú ý, Bắc Bình là địa bàn có đến 25 dân tộc sinh sống, trong đó có tới 24 là dân tộc thiểu số, nên việc giảng dạy, giao tiếp với học viên là người dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, Trung tâm GDNN-GDTX Bắc Bình đã triển khai thuận lợi, nhất là vào năm 2021, UBND tỉnh có Quyết định Ban hành Quy định về đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe mô tô hai bánh hạng A1 đối với đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt trên địa bàn tỉnh.

Theo Trung tâm GDNN-GDTX Bắc Bình, tình hình dạy học và sát hạch mô tô 2 bánh hạng A1 đối với đồng bào dân tộc thiểu số có cái khó riêng nên trung tâm cũng có cách triển khai riêng. Căn cứ theo số lượng học viên đăng ký và tùy vào đối tượng dự thi mà trung tâm sẽ phân chia học viên làm 2 lớp. Đối với lớp biết chữ, giáo viên sẽ dạy bằng hình thức giảng dạy trực tiếp thông qua tài liệu, giáo trình, trình chiếu… theo Thông tư số 04/2022 của Bộ Giao thông Vận tải. Đối với lớp dành cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc và viết tiếng Việt, giáo viên giảng dạy sẽ phân công là người dân tộc thiểu số. Trong quá trình giảng dạy sẽ sử dụng các hình ảnh minh họa về các tình huống, biển báo… để giúp học viên dễ hiểu, dễ nhớ.

Đến khi sát hạch cũng có sự phân chia rõ ràng. Đối với lớp biết chữ sẽ sát hạch phần lý thuyết và thực hành theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Còn đối với học viên là đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, không biết viết tiếng Việt thì ở phần thi lý thuyết sẽ thi riêng (thành phần gồm đoàn sát hạch của Sở Giao thông Vận tải và giáo viên dạy của trung tâm). Nếu đạt ở phần lý thuyết thì họ sẽ tham gia phần thực hành cùng với lớp biết chữ.

Nhờ cách làm vậy mà tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số thi đạt ở các khóa tại trung tâm hơn 90% so tổng số đã tham gia.

HẢO CHI

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bac-binh-hon-90-nguoi-dan-toc-thieu-so-thi-dau-hang-a1-124573.html