Bắc Giang: 20 tấn vải thiều đã lên đường sang Nhật Bản
Tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị các điều kiện đặc biệt, đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe, an ninh trật tự cho các doanh nghiệp, thương nhân, lái xe vào tỉnh Bắc Giang thu mua, tiêu thụ vải thiều. Sáng nay, 20 tấn vải thiều đã chính thức xuất khẩu sang Nhật Bản.
Ngày 26/5/2021, tại huyện Tân Yên, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ xuất hành lô vải chín sớm huyện Tân Yên sang thị trường Nhật Bản.
Vải thiều Bắc Giang đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bắc Giang, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu và Công ty CP XNK Thực phẩm Toàn cầu sẽ xuất khẩu lô vải sớm Tân Yên đầu tiên sang thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không, với số lượng khoảng 20 tấn. Đây là sự kiện lần đầu tiên quả vải chín sớm của tỉnh Bắc Giang xuất khẩu quả tươi sang thị trường Nhật Bản. Đồng thời khẳng định vải thiều Bắc Giang bao gồm cả vải sớm và chính vụ hoàn toàn đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này.
Phát biểu tại lễ xuất hành, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định, năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng các vùng trồng vải thiều an toàn trước dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là trên địa bàn huyện Tân Yên và huyện Lục Ngạn - 2 địa phương có diện tích trồng vải thiều lớn nhất toàn tỉnh.
"Tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị các điều kiện đặc biệt, đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe, an ninh trật tự cho các doanh nghiệp, thương nhân, lái xe vào tỉnh Bắc Giang thu mua, tiêu thụ vải thiều. Chuyến vải thiều sớm đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (một thị trường lớn, tiềm năng, có yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh), là một minh chứng khẳng định sự quyết tâm, nghiêm túc, trách nhiệm của chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Giang trong quá trình sản xuất, tiêu thụ vải thiều" - ông Phan Thế Tuấn khẳng định.
Trong điều kiện dịch Covid-19, các chuyên gia Nhật không thể trực tiếp kiểm tra nên đợt xuất khẩu năm nay, phía Việt Nam tự thực hiện giám sát xử lý theo quy trình tạm thời. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) có trách nhiệm bố trí nhân lực và thiết bị phục vụ việc giám sát, kiểm tra kiểm dịch thực vật; cấp giấy chứng nhận tại chỗ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu vải thiều.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) cho hay, nét mới trong xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản năm 2021 là do điều kiện dịch Covid-19 nên năm nay phía Việt Nam thực hiện giám sát xử lý theo quy trình tạm thời mà hai bên đã thống nhất. Vải sớm Tân Yên xuất khẩu đi Nhật Bản đều được xử lý bằng Methyl Bromide tại cơ sở xử lý của Công ty Toàn Cầu. Cơ sở xử lý này đã được phía Nhật Bản công nhận từ năm ngoái và năm nay tiếp tục được công nhận
5 doanh nghiệp đã ký hợp đồng để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản
Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh có 30 mã số vùng trồng với 219 ha, sản lượng ước 1.800 tấn đủ các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Kết quả phân tích các mẫu sản phẩm tại các mã số vùng trồng đều đảm bảo các tiêu chuẩn theo yêu cầu của Nhật Bản.
Đến nay đã có 5 doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản là: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty CP XNK Thực phẩm Toàn cầu, Công ty CP Quốc Tế BamBoo, Công ty Rồng Đỏ. Giá vải các doanh nghiệp thu mua lô vải sớm đầu tiên của nông dân là 55.000 đồng/kg.
Theo đại diện Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đang háo hức, nóng lòng chờ quả vải đầu tiên của Bắc Giang, ngày hôm nay những quả vải chín sớm Tân Yên sau khi được xuất hành sẽ sớm có mặt tại Nhật Bản.
Ngoài lô hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh cũng đang hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc. Sở Công thương Bắc Giang đã thành lập 2 tổ cán bộ ứng trực tại các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Lào Cai. Các tổ này sẽ theo dõi tình hình xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục trong quá trình vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc...
Để đảm bảo việc giám sát xử lý vải thiều thuận lợi trong điều kiện dịch Covid-19, Cục Bảo vệ thực vật cho biết sẽ phối hợp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo "5K"./.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)