Bắc Giang: Thông tin chuyên đề về dân số và phát triển

Sáng 18/10, Sở Y tế Bắc Giang tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề về dân số và phát triển năm 2024 đến thành viên Ban chỉ đạo Công tác dân số tỉnh, các huyện, thị xã, TP.

Theo Chi cục Dân số tỉnh, hết năm 2023, toàn tỉnh có hơn 1,9 triệu dân, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh là 115,7 bé trai/100 bé gái, giảm 0,3% so với năm 2022; 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại.

 Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Cũng như nhiều địa phương khác, Bắc Giang đang phải đối mặt với thách thức không nhỏ của công tác dân số như: Mật độ dân số cao và tiếp tục tăng, mức sinh chưa ổn định, tốc độ già hóa dân số nhanh, tỷ số giới tính khi sinh cao hơn bình quân chung cả nước…

Thông tin tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, dân số vừa là lực lượng sản xuất, vừa là lực lượng tiêu dùng. Do đó bất kỳ sự biến đổi nào về quy mô, cơ cấu, phân bố, nhất là chất lượng dân số đều tác động đến kinh tế nói riêng và sự phát triển bền vững nói chung của thế giới, của mỗi quốc gia theo chiều hướng hoặc tích cực hoặc tiêu cực.

 Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử chia sẻ thông tin tại hội nghị.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử chia sẻ thông tin tại hội nghị.

Hiện số con trung bình của một phụ nữ chưa bằng 1/3 đến 1/4 những năm 1960. Điều này vừa tạo điều kiện cho phụ nữ học tập, hoạt động kinh tế, xã hội, góp phần bình đẳng nam, nữ song cũng đặt ra thách thức lớn.

Việc sinh ít con sẽ tạo nên hội chứng 4-2-1, tức là 4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ và chỉ có 1 đứa con. Khi con còn nhỏ được 6 người chăm sóc (4 ông bà và 2 bố mẹ) có thể sẽ gây nên tính ích kỷ, dựa dẫm và không có khả năng làm việc. Nhưng khi đứa trẻ lớn lên thì ngược lại, đứa trẻ đó lại phải chăm sóc 4 ông bà già và 2 bố mẹ già - đây là một gánh nặng rất lớn.

Với xã hội, nếu các gia đình chỉ có 1 con sẽ thúc đẩy nhanh quá trình già hóa dân số, dẫn đến hệ lụy rất lớn, không chỉ về kinh tế mà cả chính trị, sự hòa thuận trong xã hội. Bởi người cao tuổi không đi làm việc lại bỏ phiếu quyết định các chính sách xã hội nên đôi khi mâu thuẫn với thế hệ trẻ.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, để thực hiện tốt chính sách về dân số và phát triển, tỉnh Bắc Giang cần có giải pháp để nâng cao tỷ lệ những người trong độ tuổi lao động có khả năng làm việc thông qua hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân; tăng cường tạo và dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng hiện đại để nâng năng suất lao động…

Về lâu dài, cơ quan chuyên môn của tỉnh cần chủ động tham mưu với Ban chỉ đạo Công tác dân số tỉnh xử lý, chỉ đạo những vấn đề trọng tâm, phối hợp liên ngành nhằm thực hiện hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới.

Tin, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-thong-tin-chuyen-de-ve-dan-so-va-phat-trien-124819.bbg