Bắc Giang: Vụ vải thiều sớm thắng lợi
Sản lượng vải thiều sớm năm nay của Bắc Giang chiếm gần 1/3 sản lượng vải thiều toàn tỉnh khoảng 58/180 nghìn tấn, tập trung ở huyện Tân Yên và Lục Ngạn. Vải sớm thu hoạch vào đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh và Bắc Giang là tâm dịch 'nóng' nhất của cả nước. Lường trước những khó khăn, tỉnh đã chủ động các biện pháp ứng phó và kết thúc vụ vải sớm thắng lợi.
Quyết tâm đưa vải sớm sang thị trường Nhật Bản
Vụ trước lỡ hẹn, năm nay, chính quyền, ngành chức năng và người trồng vải xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên đã đặt quyết tâm cao, đưa bằng được vải sớm xuất khẩu sang Nhật Bản. Từ khâu chăm sóc, thu hái, phân tích mẫu quả, đóng gói, bảo quản đều được áp theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ngay từ đầu vụ, các cơ quan chuyên môn đã tham mưu với tỉnh kết nối sớm với bộ, ngành T.Ư đàm phán với đối tác Nhật Bản. Công đoạn nghiệm thu xông hơi, khử trùng, đóng gói vải thiều đã được phía Nhật Bản ủy quyền cho Việt Nam do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Qua tổng hợp của Sở Công Thương Bắc Giang, đến ngày 9/6, toàn tỉnh tiêu thụ hơn 50 nghìn tấn trong tổng số 58 nghìn tấn vải sớm, giá bán bình quân 13-30 nghìn đồng/kg, tương đương năm ngoái.
Ngày 26/5 vừa qua đánh dấu một mốc quan trọng với vùng vải sớm Phúc Hòa là lần đầu tiên 20 tấn vải sớm được xuất sang Nhật Bản.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam thông tin, ngay ngày đầu cập bến, lượng hàng đã được tiêu thụ hết, giá bán bình quân 300-500 nghìn đồng/kg, được người tiêu dùng sở tại đón nhận, đánh giá cao.
Ông Nam cho biết thêm, năm nay nhiều công ty tại Nhật Bản đăng ký nhập khẩu vải thiều của Việt Nam tăng lên gấp nhiều lần.
Mặc dù thị trường Nhật Bản có nguồn vải thiều nhập từ nhiều nước, vùng lãnh thổ khác song với hương vị đặc biệt của vải thiều Việt Nam, trong đó có Bắc Giang đã đưa quả vải Việt Nam trở thành loại vải ngon nhất tại thị trường Nhật Bản, được người dân đón chờ.
Đến nay, gần 100 tấn vải thiều Bắc Giang đã xuất sang thị trường Nhật Bản, dự kiến năm 2021, xuất khẩu khoảng 1 nghìn tấn sang thị trường này.
Ông Đỗ Hoàng Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu (Lục Ngạn)- một trong những đơn vị xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản cho biết: “Thị trường Nhật Bản khó tính, đòi hỏi nghiêm ngặt các chỉ tiêu theo quy định. Tuy nhiên, khi đã xuất khẩu thành công vào Nhật Bản thì sản phẩm như một giấy thông hành, có thể dễ dàng tiếp cận nhiều thị trường khác. Sau chuyến khởi đầu thuận lợi, Công ty đang tiếp tục thu mua tại vùng trồng được cấp mã số để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các nước EU”.
Xây dựng vùng vải không Covid-19
Ngoài thị trường Nhật Bản, vải thiều sớm Bắc Giang còn được tiêu thụ ở các nước như: Úc, Malaysia, Lào, Campuchia, Trung Quốc.. với sản lượng hơn 20 nghìn tấn; hơn 25 nghìn tấn tiêu thụ nội địa ở siêu thị, chợ đầu mối lớn...
Qua tổng hợp của Sở Công Thương Bắc Giang, đến ngày 9/6, toàn tỉnh tiêu thụ hơn 50 nghìn tấn trong tổng số 58 nghìn tấn vải sớm, giá bán bình quân 13-30 nghìn đồng/kg, tương đương năm ngoái.
Trong bối cảnh dịch Covid -19, với sản lượng lớn hơn, giá bán cao hơn, vụ vải sớm năm nay được coi là thắng lợi hơn so với năm trước. Có được kết quả này là do tỉnh đã lường trước các khó khăn, xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều, kích hoạt trong từng tình huống.
Theo đó, kịch bản 1: Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi: Sản lượng vải thiều được tiêu thụ 50% trong nước, 50% xuất khẩu; kịch bản 2: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát: Sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước; 30% xuất khẩu; kịch bản 3: Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa.
Khi vải sớm bắt đầu chín đúng vào lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bắc Giang kích hoạt kịch bản 2; đồng thời gấp rút triển khai xây dựng “vành đai” bảo vệ vùng vải an toàn không Covid-19, các yếu tố nguy cơ về dịch Covid-19 đều được loại bỏ khỏi vùng vải. Các địa phương có vải sớm lập các chốt kiểm soát người, phương tiện ra vào.
Người dân tại vùng vải hạn chế ra khỏi địa phương, chỉ tập trung thu hoạch, bán vải. Các lái xe vận chuyển vải và người trồng vải được ưu tiên tiêm phòng vắc-xin Covid-19, xét nghiệm, chứng nhận không mắc Covid-19. Lô hàng có sự xác nhận trong vùng an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Năm đầu tiên tỉnh thành lập hai tổ công tác tại cửa khẩu ở Lào Cai, Lạng Sơn để kịp thời nắm bắt, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều. Sở Giao thông-Vận tải Bắc Giang bố trí gần 600 phương tiện tham gia vận chuyển vải thiều.
Đại diện Công ty xuất nhập khẩu Hùng Thảo, doanh nghiệp đã có hàng chục năm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cho biết, do dịch Covid-19, thương nhân Trung Quốc không sang được, công đoạn vận chuyển cũng gặp khó khăn. Chúng tôi được chính quyền, ngành chức năng bố trí phương tiện, cấp thủ tục liên quan chứng minh lô hàng an toàn dịch Covid-19 nên thông quan thuận lợi.
Để bảo đảm cho vải thiều lưu thông thuận lợi, tỉnh sớm có văn bản đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, các tỉnh, TP các biện pháp tháo gỡ. Nhờ đó vải thiều Bắc Giang có “luồng xanh” được thông qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 khi đủ thủ tục quy định về phòng, chống dịch; cán bộ ở cửa khẩu làm việc trên tinh thần “hết việc không hết giờ” giúp vải thiều thông quan thuận lợi nhất. Hai tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai bố trí làn xe riêng cho vải thiều, tạo điều kiện hoán đổi lái xe, bến bãi trong quá trình vận chuyển nông sản.
Điểm mới nữa của tiêu thụ vải thiều năm nay là Bắc Giang khuyến khích đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, tăng cường kết nối trực tuyến trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đến nay có 7 sàn thương mại bán vải thiều của Bắc Giang như: Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Lazada và Alibaba.com. Lượng hàng giao dịch qua sàn tăng lên hàng ngày.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đánh giá: “Việc vải sớm được mùa, được giá trong điều kiện tỉnh phải căng mình chống dịch Covid-19 là dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Mấu chốt để giải bài toán này là Bắc Giang chủ động bám sát thực tiễn, lường trước vấn đề phát sinh để tháo gỡ kịp thời, không thụ động”.
Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh từ kinh nghiệm này, tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp để tiêu thụ lượng vải chính vụ khoảng 120 nghìn tấn. Tỉnh vừa tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở 30 điểm cầu trong nước và nước ngoài; qua đó tỉnh cam kết sẽ chỉ đạo quyết liệt, cụ thể từng nhóm vấn đề với phương châm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều.
Trịnh Lan