Bắc Giang xuất khẩu 20 tấn vải sang thị trường Nhật Bản
Theo Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Bắc Giang, ngày 26-5, tại huyện Tân Yên, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ xuất hành lô vải chín sớm của huyện Tân Yên sang thị trường Nhật Bản.
Đại diện tỉnh Bắc Giang và doanh nghiệp tại lễ xuất hành vải thiều sang thị trường Nhật Bản.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu xuất khẩu lô vải tươi chín sớm đầu tiên của Tân Yên sang thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không, với số lượng 20 tấn. Sự kiện này khẳng định chất lượng cũng như thương hiệu của vải thiều Bắc Giang đối với các thị trường lớn, yêu cầu chất lượng cao như Nhật Bản.
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và Bắc Giang đang là tâm dịch. Thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, Bắc Giang đã chuẩn bị các điều kiện đặc biệt, bảo đảm an toàn cho các doanh nghiệp, thương nhân, lái xe vào tỉnh Bắc Giang thu mua, tiêu thụ vải thiều. Trong điều kiện dịch Covid-19, các chuyên gia Nhật Bản không thể trực tiếp kiểm tra nên phía Việt Nam thực hiện giám sát xử lý theo quy trình tạm thời.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có trách nhiệm bố trí nhân lực và thiết bị phục vụ việc giám sát, kiểm tra, kiểm dịch thực vật; cấp giấy chứng nhận tại chỗ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu vải thiều. Vải sớm Tân Yên xuất khẩu đi Nhật Bản được xử lý bằng Methyl Bromide tại cơ sở xử lý của Công ty Toàn Cầu đã được phía Nhật Bản công nhận.
Đại diện hộ trồng vải tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang giới thiệu vải thiều xuất sang Nhật Bản.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng 15.000 tấn so với năm 2020). Trong đó, vải chín sớm là 6.050ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích là 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn. Riêng vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản là 219ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.
Để tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng kế hoạch tiêu thụ với 3 kịch bản, tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ người dân từ thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ. Sản lượng vải thiều chủ yếu được tiêu thụ trong nước, chiếm 90%, khoảng 160.000 tấn; xuất khẩu 10%, khoảng 20.000 tấn.
Cùng với đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã thành lập Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 trên địa bàn với nhiệm vụ nắm bắt những khó khăn, vướng mắc cũng như nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở kết nối sản xuất và thị trường tiêu thụ như: Nhà máy chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu, siêu thị, bếp ăn tập thể...; đồng thời, tổ chức, xây dựng và hướng dẫn địa phương các biện pháp thu hoạch, đóng gói và vận chuyển nông sản để tiêu thụ.
Đến nay, có 5 doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản là: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, Công ty CP Quốc tế BamBoo, Công ty Rồng Đỏ. Giá các doanh nghiệp thu mua lô vải sớm đầu tiên của nông dân là 55.000 đồng/kg.
Sản phẩm vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn, có giá trị cao.
Ngoài lô hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, Sở Công Thương đã thành lập tổ cán bộ ứng trực ở các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Lào Cai để theo dõi tình hình xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục trong quá trình vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc...
Để bảo đảm việc giám sát xử lý vải thiều trong điều kiện dịch Covid-19, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sẽ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo quy định của Bộ Y tế, tăng cường tuyên truyền để thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.