BÁC HỒ VỚI CÁC KỲ ĐẠI HỘI ĐẢNG
Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020), Đồng Nai cuối tuần có cuộc trò chuyện với PGS-TS Hà Minh Hồng, Giảng viên cao cấp Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.HCM), tác giả chủ biên ấn phẩm Bác Hồ với các kỳ Đại hội Đảng.
“Cả cuộc đời và tấm gương đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản cho Đảng, dân tộc, toàn dân. Di sản ấy phải bảo vệ, nhưng quan trọng là để học tập, làm theo Người mới bảo vệ và phát huy được giá trị di sản” - PGS-TS Hà Minh Hồng.
Cuộc đời như ngọn lửa đầu tiên
* Là tác giả chủ biên sách Bác Hồ với các kỳ Đại hội Đảng (NXB Trẻ vừa tái bản lần thứ hai nhân 130 năm Ngày sinh của Bác), ông có thể nói về bối cảnh và vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với Hội nghị thành lập Đảng tại Hương Cảng (Hongkong) năm 1930?
- Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 ảnh hưởng trực tiếp đến thuộc địa. Ở Đông Dương sau vụ ám sát trùm mộ phu Bazin (tháng 2-1929), thực dân Pháp thi hành chính sách khủng bố trắng. Mâu thuẫn dân tộc nổi lên ngày càng sâu sắc dẫn đến bùng nổ những cuộc đấu tranh dân tộc. Khi khởi nghĩa Yên Bái (tháng 2-1930) nổ ra và thất bại, phong trào dân tộc vẫn sục sôi đòi hỏi một cuộc cách mạng theo đường lối mới.
Cuộc vận động cộng sản sau chiến tranh thế giới lần thứ I đã đưa đến nhiều Đảng Cộng sản ra đời (Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1920, Đảng Cộng sản Pháp năm 1921, Đảng cộng sản Ấn Độ năm 1925…). Con đường cách mạng vô sản theo Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu đã lan truyền về Việt Nam sau 10 năm, dẫn đến sự ra đời của các tổ chức cộng sản.
Trong hoàn cảnh chín muồi của xu hướng cộng sản bấy giờ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xuất hiện đúng lúc để giải quyết cuộc khủng hoảng lãnh đạo của cách mạng Việt Nam. Người nhận Chỉ thị của Quốc tế cộng sản về thành lập Đảng Cộng sản ở Đông Dương và đã triệu tập Hội nghị hợp nhất ở Hương Cảng đầu năm 1930 thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
* Những quyết định sáng suốt và dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hai kỳ Đại hội Đảng 1951 và 1960 mà Người tham dự là gì, thưa ông?
- Quyết định sáng suốt và dấu ấn quan trọng nhất trong Đại hội Đảng năm 1951 là việc xây dựng Đảng Lao động Việt Nam và đặt cơ sở xây dựng các đảng cách mạng ở 2 nước Lào, Campuchia, kết thúc vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Đông Dương sau 20 năm tồn tại.
Đại hội Đảng năm 1960 lần đầu tiên tổ chức ở Thủ đô Hà Nội với quyết định tiến hành song song hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền của đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, đường lối độc lập tự chủ trong bối cảnh phong trào cộng sản quốc tế ngày càng phức tạp.
Bốn công lao vĩ đại
* Hồ Chủ tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Ông có thể cho biết những sự kiện trọng đại nào phác họa cụ thể công lao của Bác trong thời kỳ đầu lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam?
- Một là, trước khi sáng lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến và lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin làm “cẩm nang thần kỳ”; rồi truyền bá “Chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất” ấy vào trong nước làm “điều kiện tiên quyết” cho việc thành lập Đảng.
Hai là, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị cả đường lối (chính trị), tổ chức (đảng tiền thân) và đội ngũ (con người giác ngộ). Sự ra đời ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam nửa cuối năm 1929 là tiền đề trực tiếp dẫn đến thành lập Đảng.
Ba là, khi không thể để tự nhiên ba tổ chức cộng sản ấy thống nhất thành Đảng Cộng sản được, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phải triệu tập Hội nghị hợp nhất. Hội nghị ấy phải kéo dài cả tháng trời (từ ngày 6-1 đến 3-2-1930) mới có được sản phẩm lịch sử hoàn chỉnh: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, có Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt, cử Ban Chấp hành lâm thời.
Bốn là, từ năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp cùng Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam (từ năm 1930-1940, Người hoạt động ở nước ngoài) qua đó vừa lãnh đạo Đảng vừa rèn luyện Đảng làm Cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở hậu phương…
* Vì sao nhiều người Việt Nam vào thời kỳ đó đã “không tiếc máu xương”, nguyện một lòng đi theo Đảng, đi theo Bác Hồ, thưa ông?
- Bác Hồ đã “không tiếc máu xương” tìm đường cứu nước cho dân tộc, những đảng viên cộng sản theo con đường cách mạng vô sản mà Bác Hồ lựa chọn cũng “không tiếc máu xương” cho cách mạng giải phóng và độc lập tự do của dân tộc - vì vậy nhiều người Việt Nam cũng “không tiếc máu xương” nguyện một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ.
Nhưng không chỉ “có qua có lại” tất yếu như thế, mà còn là Con đường - Chủ nghĩa - Đường lối do Bác Hồ và Đảng xác lập có chung nội dung thiết thực và giản dị, chân thực (như Nguyễn Ái Quốc trả lời lý do bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ III tại Đại hội Tours tháng 12-1920): “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi: Đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”.
Di sản trường tồn
* Những di sản để lại từ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các kỳ Đại hội Đảng mà Người tham dự có ý nghĩa như thế nào đối với Đảng ta trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay và tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng?
- Di sản đầu tiên để lại từ Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng và rèn luyện được một đảng của dân tộc Việt Nam. Đảng ấy (dù hoạt động bí mật hay công khai, dù đã 3 lần đổi tên) luôn giữ những nguyên tắc xây dựng Đảng mà Hồ Chí Minh xây dựng và rèn luyện. Đó là nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; kỷ luật nghiêm minh, tự giác; đoàn kết thống nhất trong Đảng… Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân, phục vụ nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và dựa vào dân để xây dựng Đảng.
* Xin cảm ơn ông!
Trung Nghĩa (thực hiện)