Bạc Liêu: Nông dân lao đao vì tôm rớt giá
Nếu như thời điểm này đầu năm người nuôi tôm ở Bạc Liêu phấn khởi bao nhiêu thì ở thời điểm này họ lại lo lắng bấy nhiêu. Giá cả sụt giảm đã tác động mạnh đến tư tưởng của người nông dân, bởi sau thời gian dài đầu tư sản xuất, họ phải chịu cảnh thua lỗ.
Thời gian gần đây, tôm sú, tôm thẻ nguyên liệu liên tục bị rớt giá từ 20 - 25 ngàn đồng/kg so với thời điểm tháng 7 năm nay khiến người nuôi tôm công nghiêp- bán công nghiệp ở các huyện Đông Hải, Hòa Bình, Giá Rai và TP Bạc Liêu lo lắng.
Trong khí đó, giá tôm nguyên liệu đang “lao dốc” khi bước vào thời điểm thu hoạch và không có dấu hiệu chựng lại khiến nhiều hộ nuôi tôm theo mô hình thân canh – bán thâm canh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, tôm thẻ loại 50 con/kg có giá khoảng 100 ngàn đồng/kg; tôm thẻ loại 30 con/kg dao động từ 170 – 180 ngàn đồng/kg; tôm sú loại 50 con/kg giá khoảng 100 ngàn đồng/kg. Với mức giá tôm thẻ, tôm sú như thời gian qua người nuôi khó có lãi, nhất là người nuôi tôm cỡ nhỏ. Nghịch lý là giá tôm đang xuống thấp nhưng giá thức ăn, thuốc thủy sản luôn tăng rất cao.
Anh Lâm Hoàng Chanh một hộ nuôi tôm xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu buồn rầu cho biết, tất cả các loại giống, thức ăn, thuốc thủy sản, tiền dầu đều tăng chóng mặt trong khi giá tôm nguyên liệu sụt giảm đến hơn 30% khiến bao kỳ vọng của vụ nuôi tan theo mây khói vì bị thua lỗ. “Tình hình này kéo dài người nông dân không trụ được phải treo ao thôi”, anh Chanh nói.
Ghi nhận cho thấy, mặc dù thời gian qua các mô hình nuôi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đạt khá về năng suất, điển hình như mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Tuy nhiên, thành công ở vụ tôm năm nay chỉ mới đạt một nửa, mà nguyên nhân chủ yếu là do giá tôm duy trì ở mức thấp khá lâu. Nhất là tôm sai nhỏ. Riêng tôm cỡ lớn thì giá khá hơn như: tôm thẻ loại 20 con/kg giá khoảng 270 ngàn đồng/kg; tôm sú loại 20 con/kg giá khoảng 260 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi tôm thẻ, tôm sú thâm canh - bán thâm chủ yếu thu hoạch tôm ở cỡ nhỏ 50 - 100 con/kg, giá tôm loại này rất thấp. Hầu hết chỉ những hộ nuôi siêu thâm canh mới có thể nuôi tôm cỡ lớn 20 - 30 con/kg.
Không chỉ rớt giá, nông dân nuôi mô hình thâm canh – bán thâm canh nhỏ lẻ còn đối mặt với tình trạng ép giá của thương lái khiến người nuôi tôm “méo mặt”.
Anh Kim Hoàng Dũng, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu bày tỏ, “nếu có thể được tôi kiến nghị xã, chính quyền cần có mô hình nuôi tôm liên kết với nhau để đầu ra ổn định hơn chứ bây giờ thương lái ép giá, họ mua sao mình cũng đành chấp nhận. Giờ nuôi không có lãi, giá thức ăn chi phí cứ lâu lâu lại tăng mà giá tôm lại sụt giảm, càng nuôi càng lỗ”.
Ông Cổ Tân Xuyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho cho biết, toàn huyện Hòa Bình hiện nay có hơn 19.500 ha nuôi tôm, trong đó diện tích nuôi theo mô thâm canh – bán thâm canh trên 10.300 ha, mô hình quảng canh cải tiến trên 7.670 ha, còn lại là nuôi theo mô siêu thâm canh. Vụ mùa năm nay người nuôi tôm đối mặt với nhiều khó khăn.
“Môi trường nước, độ mặn không đảm bảo cho diện tích nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh, trong khi đó mô hình nuôi tôm siêu thâm cảnh lại đối mặt với bệnh phân trắng. Hiện nay, giá tôm đang ở mức thấp nên đa số người nuôi tôm không có lãi”, ông Cổ Tân Xuyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm.
Trước tình hình giá tôm sụt giảm, nhiều hộ nuôi tôm không còn mặn mà với việc cải tạo ao đầm để thả tôm nuôi, dù hiện tại đang vào vụ nuôi chính. Nhiều hộ chọn giải pháp “treo ao” để chờ giá tôm phục hồi mới tiếp tục đầu tư sản xuất. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, giá cả dần ổn định, bà con nuôi tôm trong tỉnh sẽ không có tôm để bán. Đồng thời các doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng sẽ gặp khó khăn trong sản xuất khi không có nguồn tôm nguyên liệu ổn định.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bac-lieu-nong-dan-lao-dao-vi-tom-rot-gia-5702101.html