Bắc Ninh nỗ lực nâng cao chỉ số PCI
Bắc Ninh là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo phân tích của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội, điểm số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh(PCI) Bắc Ninh kể từ năm 2017 đến năm 2021 đều có xu hướng tăng tích cực.
Tính riêng năm 2021, chỉ số PCI của Bắc Ninh đạt 69,45 điểm, tăng 2,71 điểm so với năm 2020. Trong nhóm các tỉnh, thành phố giữ nguyên trong top 10, điểm tích cực của Chỉ số PCI Bắc Ninh có số điểm tăng cao nhất.
Giữ vững phong độ, cải thiện nhiều chỉ số quan trọng
Đối với các chỉ số thành phần, Bắc Ninh có 5 chỉ số tăng điểm so với năm 2020. Cụ thể, chi phí thời gian (+0,05) tăng 13 bậc; Tính năng động (+0,72) tăng 11 bậc; Tính minh bạch (+1,05) tăng 42 bậc…
Chi phí thời gian là một trong những yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Bởi không nhà đầu tư, doanh nghiệp nào muốn mất quá nhiều thời gian, sự rườm rà cho việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Kết quả phân tích cụ thể cho thấy, thực trạng chi phí thời gian của các doanh nghiệp khi đầu tư sản xuất kinh doanh tại tỉnh Bắc Ninh năm 2021 có sự cải thiện ở một số chỉ tiêu: doanh nghiệp không cần phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký tăng từ 73,15% lên 77,78%; cán bộ công chức thân thiện tăng từ 81,51% lên 82,35%.
Là cơ quan đóng vai trò chủ đạo trong tiết giảm Chỉ số chi phí thời gian, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Ninh Vũ Hùng khẳng định, nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các giấy tờ, Trung tâm đã phối hợp các sở, ngành rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính đưa vào thực hiện tại Trung tâm, nhất là các thủ tục hành chính mang tính chất liên thông.
Đến nay, tổng số thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh còn 1.396 thủ tục, góp phần tạo điều kiện thuận lợi, làm giảm chi phí thời gian của các tổ chức, cá nhân trong công việc.
Cùng với đó, Trung tâm cũng tích cực triển khai thực hiện phương châm 5 tại chỗ và quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần đơn giản hóa, hợp lý hóa, tiện lợi, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho cả đơn vị giải quyết và công dân, tổ chức tham gia giao dịch.
Điểm số tính năng động của Bắc Ninh cũng có nhiều cải thiện. Năm 2021, đạt 7,27 điểm, tăng 0,72 điểm so với năm 2020 và tăng 11 bậc từ thứ hạng 23 (năm 2020) lên thứ hạng 12 (năm 2021). Riêng tính năng động tiên phong (linh hoạt, sáng kiến) của lãnh đạo tỉnh cao nhất từ trước tới nay và thuộc nhóm cao nhất nước và là năm đầu tiên tạo ra chuyển động hệ thống mạnh mẽ hơn trong thực thi ở cấp dưới.
Dự báo, những tác động này có thể đến từ những chỉ đạo quyết đoán, linh hoạt của lãnh đạo tỉnh trong chống dịch và các hoạt động triển khai nhanh chóng từ các tổ phản ứng nhanh các ngành, địa phương.
Hay như chỉ số Tính minh bạch cũng có sự cải thiện đáng kể. Năm 2021, Chỉ số Tính minh bạch của Bắc Ninh cải thiện ở hầu hết các chỉ tiêu so với năm 2020, cụ thể, tiếp cận tài liệu quy hoạch tăng từ 2,60 lên 2,65; Tiếp cận tài liệu pháp lý tăng từ 2,94 lên 3,00; Thông tin mời thầu được công khai tỷ lệ tăng từ 41,38% lên 84,62%; Tỷ lệ doanh nghiệp nhận được thông tin, văn bản sau khi đề nghị cơ quan Nhà nước của tỉnh cung cấp tỷ lệ tăng từ 53,85% lên 78,57%; Chất lượng website của tỉnh tăng từ 33,50 lên 61,60…
Nhìn từ phổ điểm của các chỉ số thành phần có thể nhận thấy, chất lượng điều hành, năng lực cạnh tranh của tỉnh tiếp tục được giữ vững và phát triển, tạo được niềm tin giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, để đạt được những kết quả trên, những năm qua, Bắc Ninh đã tập trung cải cách hành chính. Đặc biệt, vận hành hiệu quả Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và các huyện, thành phố, từ đó rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, thủ tục hành chính của từng ngành, thực hiện tốt mô hình “một cửa liên thông hiện đại” ở cấp huyện, các ngành cấp tỉnh, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, tài chính. Bên cạnh đó, công bố Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương.
Bà Đinh Thị Thu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại Đinh Đinh Việt Nam (huyện Tiên Du) nhận xét, chỉ số PCI của Bắc Ninh trong những năm qua đã phản ánh chất lượng cải cách hành chính, đổi mới của tỉnh. Chúng tôi đánh giá rất cao việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đã có những cải tiến mang tính chuyên nghiệp, hiện đại, hướng đến vì người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục nỗ lực để cải thiện các chỉ số
Mặc dù đạt được sự cải thiện đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính… song nhìn chung, nhiều doanh nghiệp đánh giá việc cải thiện trong môi trường đầu tư và kinh doanh ở Bắc Ninh vẫn còn những vấn đề cần đặt ra.
Cụ thể như năm 2021, điểm số Tiếp cận đất đai của Bắc Ninh đạt 7,14 điểm, tăng 0,07 điểm so với năm 2020, tuy nhiên giảm 15 bậc từ thứ hạng 13 (năm 2020) xuống thứ hạng 28 (năm 2021). Hoặc về chi phí không chính thức, diễn biến cải thiện điểm chỉ số thành phần Chi phí không chính thức của Bắc Ninh cho thấy, giai đoạn 2015-2017 là giai đoạn cải thiện điểm khi tăng lên 5,90 điểm (thứ hạng 18/63 năm 2017), đến năm 2018 có sự sụt giảm điểm số thứ hạng và cải thiện 45 bậc vào năm 2019 (hạng 6/63 tỉnh/thành phố) và đạt thứ hạng 4/63 vào năm 2020. Năm 2021, giảm 0,42 điểm, tụt xuống thứ hạng 24/63.
Năm 2022, những thông điệp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp được tỉnh Bắc Ninh đề ra từ rất sớm. Với quyết tâm xây dựng chính quyền lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ, mục tiêu tỉnh Bắc Ninh đề ra là cần cải thiện hơn nữa tổng điểm PCI, tập trung chính vào cải thiện điểm số và nâng hạng của các chỉ số chính.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang khẳng định, một trong những giải pháp quyết liệt nâng cao chỉ số PCI là tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phát huy các sáng kiến mới, tạo chuyển động trong cả hệ thống để thực thi tốt tính năng động tiên phong của lãnh đạo tỉnh ở cấp dưới. Riêng đối với những chỉ số thành phần giảm điểm, tỉnh yêu cầu các ngành tập trung giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp.
Mặt khác, tỉnh tiếp tục rà soát lại môi trường kinh doanh theo từng lĩnh vực; tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ; xây dựng chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa trên địa bàn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; công khai, minh bạch hóa thông tin trên website, đặc biệt là đăng tải đầy đủ các thông tin, như: quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu; rút ngắn, loại bỏ những thủ tục cản trở việc đầu tư của các chủ dự án vào tỉnh, đặc biệt là các ngành: đầu tư, đất đai, xây dựng cơ bản, thuế, hải quan.
Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành chính, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; khuyến khích và giao nhiệm vụ các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố… phát huy sáng kiến, mô hình tốt trong triển khai nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng hình ảnh cơ quan nhà nước thân thiện, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bac-ninh-no-luc-nang-cao-chi-so-pci-post707582.html