Bài 1: Lái xe sử dụng rượu, bia trở thành vấn đề xã hội

LTS: Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ nghiêm trọng mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn. Mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý, nhưng những vụ TNGT đáng tiếc do lạm dụng bia, rượu vẫn liên tục xảy ra.

Bài 1: Lái xe sử dụng rượu, bia trở thành vấn đề xã hội

Việc sử dụng rượu, bia quá mức không chỉ gây tác hại cho sức khỏe mà còn là nguyên nhân dẫn đến những vụ TNGT thảm khốc. Hiện nay, tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia, trong đó khá nhiều lái xe có nồng độ cồn vượt mức cho phép nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông trở thành vấn đề xã hội đáng báo động...

Trưa 26-5, chúng tôi theo chân Tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 5 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ tuần tra xử lý theo chuyên đề đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn quận Long Biên (TP Hà Nội). Chỉ sau ít phút lập chốt, tổ công tác đã tiến hành đo nồng độ cồn, phát hiện một lái xe vi phạm ở mức 0,188mg/lít khí thở. Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ sau hơn hai giờ làm việc, nhiều trường hợp người điều khiển ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn đã bị lực lượng chức năng lập biên bản xử lý.

 Chiếc xe gây tai nạn tại hầm Kim Liên (Hà Nội) ngày 1-5-2019 do tài xế điều khiển sau khi sử dụng rượu, bia.

Chiếc xe gây tai nạn tại hầm Kim Liên (Hà Nội) ngày 1-5-2019 do tài xế điều khiển sau khi sử dụng rượu, bia.

Chúng tôi tiếp tục cùng cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) có mặt tại chốt kiểm tra xử lý chuyên đề về nồng độ cồn tại nút giao thông Xuân Thủy-Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy). Khi bị tổ công tác dừng phương tiện và thông báo kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn, tài xế điều khiển ô tô biển kiểm soát 29A-868.82 phản đối, không chịu vào chốt. Sau một hồi giải thích, lái xe mới chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả, lái xe này vi phạm ở mức 0,276mg/lít khí thở. Đại úy Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết: “Với mức vi phạm trên, lái xe bị phạt tiền 7-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3-5 tháng, ngoài ra còn áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ ô tô đến 7 ngày”.

Tại Hà Nội, chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 đã xảy ra nhiều vụ TNGT, trong đó có hai vụ TNGT nghiêm trọng khiến 3 người tử vong, nguyên nhân đều do tài xế sử dụng rượu, bia. Vụ thứ nhất xảy ra vào đêm 22-4, lái xe Đỗ Xuân T. sau khi uống rượu, bia đã gây tai nạn liên hoàn trên đường Láng (Hà Nội) làm một nữ công nhân môi trường tử vong, nhiều phương tiện bị hư hỏng. Đo nồng độ cồn, cơ quan chức năng phát hiện lái xe này vi phạm ở mức 1,041mg/lít khí thở, gấp gần ba lần mức xử phạt cao nhất. Vụ thứ hai xảy ra vào đêm 1-5, ô tô do lái xe Lê Trung H. điều khiển di chuyển ở hầm Kim Liên đã va chạm với một xe máy đi cùng chiều, làm hai phụ nữ tử vong tại chỗ. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy, Lê Trung H. vi phạm ở mức 0,751mg/lít khí thở, cao hơn nhiều ngưỡng của mức xử phạt cao nhất theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP (0,4mg/lít khí thở).

Trong những năm gần đây, tỷ lệ người sử dụng rượu, bia tại Việt Nam tăng ở cả hai giới. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý I-2019, cả nước xảy ra hơn 4.000 vụ TNGT, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. Phân tích nguyên nhân gây TNGT của gần 1.500 vụ thì TNGT do lái xe sử dụng rượu, bia chiếm hơn 270 vụ. Điều này cho thấy, người uống rượu, bia thiếu tỉnh táo vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang là thực trạng hết sức đáng báo động và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo, rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng TNGT ở Việt Nam. Phân tích số liệu điều tra quốc gia ở 1.061 trường hợp tử vong do TNGT tại Việt Nam cho thấy, 1/5 các trường hợp có nguyên nhân là sử dụng rượu, bia. Còn kết quả điều tra pháp y của Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Việt-Đức đối với 100 trường hợp tử vong do TNGT liên quan đến rượu, bia cho thấy gần 59% nạn nhân trong độ tuổi 15-29; 24% từ 30 đến 44 tuổi; 97% là nam giới và 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu lớn hơn 50mg/100ml máu… Việc sử dụng rượu, bia làm tăng nguy cơ gây TNGT cho người điều khiển phương tiện giao thông; rượu, bia làm giảm khả năng phản ứng, hạn chế khả năng phối hợp giữa các bộ phận cơ thể, giảm thị lực và gây buồn ngủ… Chính vì vậy, người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu trên 50mg/dl (tương đương sau khi uống hai lon bia 330ml) có nguy cơ gây TNGT cao gấp 40 lần so với người không sử dụng rượu, bia.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết: “Điều kiện tiếp cận với rượu, bia ở nước ta quá dễ dàng. Cứ có việc gì, từ mừng nhà mới, lên lương đến lễ, tết, hiếu, hỉ... người ta đều sử dụng rượu, bia. Trong đó, nhiều người sau khi uống rượu, bia vẫn lái xe tham gia giao thông mà không hề nghĩ đến hậu quả. Đã có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến rượu, bia và để lại hậu quả hết sức đau lòng, gây bức xúc cho xã hội. Theo số liệu thống kê, trong năm 2018, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Từ đầu năm 2019, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn và ma túy, cả với ô tô và mô tô. Kế hoạch xử lý này được triển khai xuyên suốt trong năm 2019. Qua 4 tháng triển khai, cả nước đã có gần 50.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn”.

(còn nữa)

Bài và ảnh: Nhóm phóng viên Phòng Bạn đọc - CTV

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-1-lai-xe-su-dung-ruou-bia-tro-thanh-van-de-xa-hoi-575999