Bài 1: Những người đi mở đất
Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, cùng với khí thế hừng hực Nam tiến, đánh đuổi quân xâm lược Mỹ, thì từng đoàn người ở các miền quê vùng đồng bằng Bắc Bộ như Kiến An (nay là thành phố Hải Phòng), Hà Nam, Nam Định, Thái Bình cũng hăm hở ngược núi đến với miền Tây Bắc.
60 năm đi theo tiếng gọi của Đảng
>>Bài 2: Nở hoa trên đất khó
>> Bài cuối: Như bản hùng ca
Đoàn quân ấy, mà đi đầu là các đảng viên quyết diệt giặc đói, giặc dốt, xây dựng vùng kinh tế mới theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960) và chủ trương của Bộ Chính trị trong Nghị quyết riêng nhằm phát triển kinh tế - xã hội miền núi phía Bắc.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất khó nơi biên cương Tổ quốc đang đổi thay, phát triển mạnh mẽ, trong có sự đóng góp quan trọng của những bước chân “Tây Bắc tiến” nguyện suốt đời đi theo Đảng, Bác Hồ kính yêu.
Trên cung đường từ thành phố Lào Cai đến “cao nguyên trắng” Bắc Hà, dừng chân ở đoạn hai bên bờ sông Chảy là xã Bảo Nhai, “cửa ngõ” của huyện Bắc Hà. Nơi đây gây ấn tượng với người qua đường không chỉ bởi là trung tâm cụm xã luôn tấp nập người qua lại, sôi động hoạt động giao thương, mà còn bởi sự trù phú của vùng cây ăn trái, người dân làm kinh tế giỏi, thân thiện, mến khách.
Theo lời giới thiệu, chúng tôi đến thôn Bảo Tân 2 tìm gặp những người con của vùng đất Cảng năm xưa. Ông Lương Ngọc Hoản hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng hương Hải Phòng tại Lào Cai đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng những câu chuyện về một thời say mê cống hiến và dựng xây của 60 năm trước thì ông vẫn nhớ như in.
Năm 1963, khi ấy mới 16 tuổi, ông Hoản cùng bố và đoàn 30 hộ với hơn 100 nhân khẩu đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Lào Cai. Ông Hoản nhớ, đó là một ngày đầu Xuân, ông cùng mẹ vừa đi làm đồng về đã thấy bố gọi ra ngoài hiên nhà nói chuyện. Bố bảo, bố vừa đi họp ở xã về, có chủ trương từ trên tỉnh vận động bà con lên xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Bắc. Với tinh thần không ngại khó của người đảng viên, ông Lương Văn Muội - bố ông Hoản - là một trong những cánh tay xung phong đầu tiên.
Ngày ấy, ở quê hương ông Hoản, đâu đâu người ta cũng nói đến chuyện lên Lào Cai xây dựng quê hương thứ hai. Đêm đêm, dưới ánh trăng sáng, trong các buổi họp định kỳ của các phân đoàn, tổ, đội, chuyện đi khai hoang lại được đưa ra bàn. Cũng có rất nhiều nỗi lo lắng… Ông Hoản nhìn sâu vào chén nước chè nghi ngút khói, trầm ngâm: Cũng dễ hiểu thôi nhà báo ạ, bởi phần đa bà con lâu nay nào đã ra khỏi lũy tre làng. Nên nghe nói phải dời quê hương đến một nơi xa lạ, đến Tây Bắc, đến Lào Cai xa xôi, gian khó, thì lo lắng trăm bề, vì nghe nói nơi ấy “rừng thiêng, nước độc”, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn. Nhiều bà, nhiều chị em không muốn cho chồng, con đi.
Nắm bắt được tâm lý chung của bà con, bố của ông Hoản là ông Lương Văn Muội và các đảng viên khác trong chi bộ, như các ông Phạm Khắc Huy, Đào Văn Tẹo, Đào Văn Ti, Trần Thiết Nhĩ… đi từng nhà vận động bà con xung phong “Tây Bắc tiến”. Khi được các đảng viên như ông Muội tiếp thêm sức mạnh về ý chí xây dựng quê hương, đất nước với tinh thần “đói, dốt cũng là một loại giặc”, phải tiến công, đánh bại chúng giống như đánh bại giặc ngoại xâm mà chúng ta đang trong cuộc trường chinh, mới mong yên bình, phát triển, thì bao người lại như một, tình nguyện đi khai hoang.
Cũng với mục tiêu xây dựng kinh tế mới, từ đầu năm 1974 đến năm 1976, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) được đón hàng nghìn đồng bào các xã Nhân Hậu, Hợp Lý, Chính Lý, Công Lý, Hồng Lý của huyện Lý Nhân (Hà Nam Ninh). Là một trong những đảng viên dẫn đoàn ngày ấy, ông Đỗ Văn Thiệp, sinh năm 1941, thôn Bắc Ngầm, xã Xuân Quang, đảng viên 54 năm tuổi Đảng là người gốc xã Hồng Lý luôn khắc ghi những ngày đầy hứng khởi lên đường. Ông Thiệp xung phong đi bộ đội ở chiến trường miền Nam năm 1961, khi mới tròn 20 tuổi. Sau 14 năm phục vụ trong quân ngũ, tháng 2/1975, do bị thương, sức khỏe yếu, ông ra quân và trở về địa phương. Phục viên đúng 1 năm, thấy địa phương triển khai chương trình lên xây dựng kinh tế mới, với tinh thần tiên phong của người đảng viên, của bộ đội cụ Hồ, ông Thiệp viết đơn tình nguyện. Cũng chung tinh thần ấy, 17 đảng viên của xã Hồng Lý cùng viết đơn tình nguyện, trong đó có vợ của ông Thiệp là đảng viên Trần Thị Quyết, năm nay cũng 54 năm tuổi Đảng.
Chỉ nửa tháng sau ngày phát động, noi gương các đảng viên gương mẫu, 95 hộ dân với 535 khẩu của đoàn khai hoang xã Hồng Lý hồ hởi lên đường.
Ngày ấy, từ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng đến Lào Cai chỉ có 2 con đường, một là đi tàu hỏa theo tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, hai là đi đường bộ theo các tuyến quốc lộ. Tuy nhiên, dù đi theo con đường nào thì cũng rất gian nan. Do ngày ấy vẫn đang trong thời kỳ chiến tranh tàn phá, nên đường xuống cấp, khó đi. Đó là còn chưa kể, thời điểm những năm 60 là thời kỳ cao điểm chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, để tránh do thám của địch, phần lớn các đoàn phải thực hiện kế sách đêm đi, ngày nghỉ, có những lúc phải xuống hầm trú ẩn để tránh bom đạn. Nhiều vùng quê ở nơi không tiện giao thông phải gồng gánh, dắt díu đi bộ mấy ngày trời mới đến bến xe, ga tàu để ngược Lào Cai. Có đoàn thoát được làn bom của kẻ địch trong gang tấc, khi ngoảnh nhìn nơi vừa đi qua là bom đạn mịt mùng. Có những đoàn được phân công khai hoang ở vùng cao của tỉnh, đường mòn toàn đá hộc, lại cheo leo lưng núi, có những đoạn phải bám vào đuôi ngựa mà đi…
Quê hương mới của những người con xa xứ rất rộng lớn, nhưng gian khó trăm bề. Ở chốn núi non cứ dựng đứng như bức tường thành, những đôi chân chỉ quen đi đường bằng, những đôi tay chỉ quen cấy lúa nước, căng lưới đánh cá, nay phải băng rừng, lội suối, chặt nứa, chặt vầu, khai khẩn đất hoang. Bàn tay tứa máu, đôi bàn chân sần chai. Đó là còn chưa kể đến những hiểm nguy không “hổ danh” của chốn non cao cùng cốc với địa hình dốc núi, trơn trượt và nhiều loài dã thú gây hại cho con người; rồi những khó khăn về tập quán canh tác nương rẫy, cấy lúa nhờ nước trời,...
Gian khó ngày đầu chất cao như núi, đói, rét, bệnh tật lại thêm nỗi nhớ nơi “chôn nhau, cắt rốn”, nên nhiều người có ý định bỏ cuộc trở về quê cũ. Tuy nhiên, khắc ghi lời dạy của Bác không được từ khổ, từ nan, học tinh thần phấn đấu suốt đời vì nước, vì dân của Bác, nhớ lời hứa với đồng chí, đồng đội lúc lên đường tại quê hương: “Dù đường đi có vất vả, cuộc sống nơi quê mới có khó khăn, gian nan đến cỡ nào cũng không được phép bỏ cuộc, chỉ tiến chứ không lùi”, những “đầu tàu” là các đảng viên của đoàn khai hoang lại họp bàn đề ra những phương hướng phát triển, động viên bà con khai hoang cùng ở lại, thi đua lao động sản xuất trên vùng đất khó.
Trở lại câu chuyện đoàn khai hoang thôn Hồng Lý của đảng viên Đỗ Văn Thiệp. Do số lượng nhân khẩu đông nên khi tới xã Xuân Quang, đoàn được thành lập 1 hợp tác xã khai hoang riêng mang tên Hồng Quang. Ông Thiệp bảo, mang theo tình yêu quê hương, xứ sở, chúng tôi quyết định ghép chữ “Hồng” trong từ “Hồng Lý” là quê cũ và chữ “Quang” trong từ “Xuân Quang” là quê mới để thành tên thôn, tên hợp tác xã của mình.
Những ngày ở vùng quê mới đối với đoàn của đảng viên Thiệp mới thực là vất vả. Lên vùng đất mới “lạ nước, lạ cái” nên khó tránh khỏi những tháng ngày đói quay quắt, triền miên. Đã có lúc họ ăn rau tàu bay trường kỳ, chia nhau từng củ sắn, củ khoai. Đến khi dựng được gian cửa, gian nhà, làm quen dần với môi trường mới thì chiến tranh biên giới đầu năm 1979 xảy ra. Theo chủ trương chung, người dân tạm lui về các tỉnh miền xuôi, vài tháng sau, chiến sự tạm yên lại trở về. Nhưng hỡi ôi, bao công gây dựng đổ xuống sông, nhiều ngôi nhà bị hư hỏng, đồi nương trơ trụi… Những giọt nước mắt lăn dài. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tiến, không lùi, đồng bào miền xuôi lại một lần nữa kiên gan bám trụ nơi quê hương mới.
Ở vùng đất Bảo Nhai cách đây 60 năm là tinh thần thi đua vượt khó, xây dựng quê hương mới của người quê Kiến An. Những đảng viên như ông Lương Văn Muội lại là những lá cờ đầu trong mọi phong trào. Kết hợp với các đảng viên địa phương, họ thành lập Tổ đảng Bảo Nhai thuộc Chi bộ Đảng xã Bảo Nhai lãnh đạo các hộ khắc phục khó khăn, hướng tới tương lai tốt đẹp. Họ nỗ lực, kiên trì như những cánh hải âu vượt qua sóng dữ mong đến với bến bờ hạnh phúc. Họ cùng ở xen ghép với đồng bào địa phương, cùng chặt nứa, chặt vầu dựng nhà, cùng khai khẩn đất hoang làm ruộng, làm nương.
Ông Lương Ngọc Hoản hồi tưởng: Gian khó lắm đấy, nhưng tin tưởng vào quyết sách của Đảng trong việc điều hòa nhân lực giữa miền ngược và miền xuôi, tăng cường nhân lực để phát triển kinh tế miền núi, bà con miền xuôi lại giương cao ngọn cờ quyết tâm. Thêm vào đó, người dân vùng cao sống rất chân chất và thương yêu “củ sắn chia đôi” giống như người quê mình vậy, nên khiến chúng tôi “đất lạ hóa quê hương” mà gắn bó.
Đúng là nói sao cho hết chuyện xưa, nói sao cho hết những đắng cay, ngọt bùi của thuở ban sơ ấy. Ở mỗi vùng quê mới, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân với những cách làm khác nhau, nhưng đều có chung khát vọng dựng xây quê hương. Cuộc sống cứ thế dần ổn định, dần nở hoa nơi miền đất mới.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361225-bai-1-nhung-nguoi-di-mo-dat