Bài 1: Quyết tâm chính trị

15 năm đi vào cuộc sống và được Nhân dân đón nhận, Nghị quyết 26-NQ/TW của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã thực sự là cuộc cách mạng làm thay đổi toàn diện bộ mặt khu vực tam nông; gia tăng giá trị cho các sản phẩm và mang lại cho bà con cuộc sống ấm no, sung túc. Trong thành quả đó có sự đóng góp lớn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) với sự đầu tư bài bản, tâm huyết cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nhiều chính sách đặc thù ra đời

Xác định đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn không chỉ là nhiệm vụ kinh doanh đơn thuần mà còn là nhiệm vụ chính trị. Do đó, bên cạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết của ngành ngân hàng, Agribank đã xây dựng và triển khai hàng loạt các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó nhiều chính sách đặc thù đã ra đời và lan tỏa sâu rộng tới từng hộ nông dân.

Agribank đã góp phần tạo nên nền nông nghiệp sạch, hiện đại cho Lâm Đồng

Agribank đã góp phần tạo nên nền nông nghiệp sạch, hiện đại cho Lâm Đồng

Ảnh: Trần Việt

Để giảm tải áp lực về công tác đầu tư tín dụng nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã triển khai các đề án nâng cao hiệu quả cho vay. Đơn cử, Đề án 1772/HĐTV-HSX, ngày 1.11.2016 về nâng cao hiệu quả cho vay đối với hộ gia đình và cá nhân thông qua tổ vay vốn - tổ cho vay lưu động. Trên cơ sở hợp tác với các tổ chức chính trị xã hội, Agribank đã mở rộng sức ảnh hưởng của Đề án 1772/HĐTV-HSX tới tận các khách hàng tại khu vực nông nghiệp, nông thôn ở vùng sâu, vùng xa.

Tiếp đó là Đề án số 979/HĐTV-TCTL ngày 19.7.2017 về điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng. Đây thực sự là một chương trình tiện ích và nhân văn khi giải quyết được những khó khăn trong việc tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; giúp bà con tiết kiệm thời gian cũng như chi phí đi lại; kịp thời tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh. Triển khai Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ, Agribank đã dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng để phục vụ cho các khách hàng.

Để chuyển tải vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, Agribank kết hợp chặt chẽ với Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp; Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và nhiều tổ chức đoàn thể chính trị xã hội ở nông thôn để hợp tác cung ứng vốn tín dụng thương mại và tín dụng ủy thác của các tổ chức trong và ngoài nước phục vụ phát triển “Tam nông”, xây dựng nông thôn mới.

Năm 2011, từ 11 xã được chọn thí điểm mô hình nông thôn mới, Agribank đã cho vay với dư nợ ban đầu 336 tỷ đồng và 8.293 khách hàng; sau 10 năm thực hiện cho vay thí điểm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Agribank đã triển khai cho vay xây dựng nông thôn mới rộng rãi trên toàn quốc với doanh số là 2.825.087 tỷ đồng; doanh số thu nợ là 2.338.044 tỷ đồng, dư nợ là 487.041 tỷ đồng, tại 8.939 xã. Trong đó, tập trung chủ yếu vào vay chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhìn chung, dư nợ cho vay nông thôn mới tăng trưởng tốt, nợ xấu ở mức thấp (1,01%), thấp hơn tỷ lệ nợ xấu chung toàn ngành.

Tỷ trọng cho vay luôn đạt 70%

Mặc dù phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1 - 2%. Mỗi năm, bằng tài chính của mình, Agribank vẫn dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với 8 đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp, thông qua nhiều gói lãi suất ở mức ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ sản xuất nông nghiệp, thậm chí, có mức lãi suất còn thấp hơn mức phí điều vốn nội bộ trong Agribank.

Lãi suất thấp, thái độ phục vụ tận tình, sản phẩm tiện ích… đã giúp dư nợ cho vay nền kinh tế tại Agribank đạt trên 1,31 triệu tỷ đồng, trong đó, gần 70% dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng “Tam nông” tại Việt Nam. Cụ thể, giai đoạn 2008 - 2015, dư nợ nông nghiệp nông thôn tại Agribank tăng từ hơn 176.000 tỷ đồng lên 444.660 tỷ đồng, bình quân tăng trưởng 14,3%/năm. Nâng dần tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn trong tổng dư nợ nền kinh tế từ 61,9% năm 2008 lên 71% năm 2015 và duy trì ở mức 70% từ năm 2015 đến nay.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát và ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội, Agribank duy trì dòng vốn tín dụng tập trung vào sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; tăng trưởng tín dụng xanh, năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ cao; hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Agribank đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp có hiệu quả để tăng trưởng huy động vốn phù hợp gắn với cân đối vốn, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, khơi thông dòng vốn tín dụng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Đáng chú ý, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Agribank đã chung tay cùng ngành ngân hàng triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch… Tính riêng từ năm 2020 đến nay, gần 3,2 triệu khách hàng được Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, tổng số tiền lãi đã được giảm là hơn 5.600 tỷ đồng, đứng đầu các tổ chức tín dụng tại Việt Nam về tổng số tiền lãi đã giảm hỗ trợ khách hàng; góp phần tạo “đòn bẩy” phục hồi đối với mọi thành phần kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1-quyet-tam-chinh-tri-e5l5kd66ce-81319